Cách nói với nhân viên về suy thoái

Chúng ta đã quen với các chiến dịch, các cuộc vận động tiếp tận công chúng kéo dài, mà nội dung chính là thảo luận về việc làm sao để nói với con cái chúng ta về ma túy, tình dục, thậm chí là tiền bạc. Theo ý kiến của tôi, lúc này chúng ta cũng cần có những chiến dịch tương tự để tìm cách nói với nhân viên trong các tổ chức về suy thoái.
Cho dù hiện giờ cuộc khủng hoảng không biết đã chạm đáy hay chưa, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận một thực tế rằng chính cuộc khủng hoảng là chất xúc tác tạo ra những luồng tư duy mới về sự vận hành của các tổ chức, và vì thế các lãnh đạo cũng cần biết cách bày tỏ với nhân viên một cách chân thực nhất về những kì vọng mà họ đang ấp ủ trong thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới.
Dưới đây là một vài gợi ý để tiếp cận với chủ đề này trong môi trường công việc giữa bối cảnh khó khăn:
Rõ ràng, dứt khoát. Bạn đừng giả định rằng mọi người đều nhận biết một cách chính xác mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tới công việc kinh doanh của công ty. Dù cho hàng ngày người ta vẫn ra rả nói về viễn cảnh tụt giảm của doanh thu, lợi nhuận, thị trường, nhưng đâu phải ai cũng biết liên hệ trực tiếp đến công việc kinh doanh của cá nhân họ.
Do đó, nhiệm vụ của bạn là chỉ cho họ thấy cầu nối giữa tình hình kinh doanh của công ty và bối cảnh suy thoái kinh tế hiện thời. Cho họ thấy rằng một vài doanh nghiệp thậm chí vẫn làm ăn phát đạt trong những thời điểm khó khăn nhất.
Sử dụng các phương thức minh họa – những trợ thủ đắc lực. Cho nhân viên thấy hiện giờ công ty của bạn đang đứng ở đâu, và vị trí đó đổi thay ra sao so với một hay vài năm về trước. Bạn nên sử dụng một cách có chọn lọc các biểu đồ, đồ thị, hình vẽ để minh họa cho luận điểm đưa ra. Đã đến lúc để các con số lên tiếng, nhưng bạn phải đóng vai trò chủ động, kể cho họ nghe câu chuyện đằng sau những con số biết nói kia, cho họ biết cần làm gì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong hoàn cảnh mới.
Sau đó hãy chuyển sang bước tiếp theo. Chẳng hạn, bạn có thể đưa ra một biểu đồ mô tả sự suy giảm liên tục, cùng với đó là một biểu đồ minh họa cho sự phản ứng ngược chiều, giành lấy khả năng phục hồi. Hướng sự tập trung của nhân viên vào việc thảo luận các ý tưởng xoay xung quanh biểu đồ thứ hai đó. Phải chắc chắn nhân viên của bạn thấu hiểu một cách rõ ràng rằng những người dù làm việc chăm chỉ nhất, có thiện chí tốt nhất cũng không thể đảm bảo sự đi lên của doanh thu nếu khách hàng không mua sản phẩm/dịch vụ họ cung cấp.
Đừng cố gắng trở thành Winston Churchill thứ hai. Gợi lại những kỷ niệm hào hùng về con sư tử vĩ đại đã trao cho toàn thể công dân Anh quốc tiếng gầm thét dữ dội trong Thế chiến thứ hai, quả là truyền cho người ta nhiều cảm hứng, động lực. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta là Ngài Winston. Vì thế, đừng hứa hẹn với nhân viên của bạn điều gì bằng “máu, mồ hôi, và nước mắt”. Đơn giản hãy diễn giải một cách thẳng thắn, không vòng vo, lựa chọn ngôn từ thích hợp.
Tìm kiếm tiếng cười. Công việc vốn đã khó khăn, sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi các điều kiện kinh tế ngặt nghèo hơn. Hãy trân trọng trong việc làm cho tâm trạng của mọi người trở nên sáng sủa hơn, dù là bằng việc kể những câu chuyện cười chung chung về thế giới, hay những việc làm ngớ ngẩn đang diễn ra tại các công sở.
Tiếng cười không phải là sự tránh né tính nghiêm túc, đó đơn giản là dấu hiệu của việc con người cần phải thư giãn và giải trí. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tất cả các cuộc nói chuyện quá căng thẳng chỉ khiến cho nơi làm việc trở thành một không gian ảm đạm, không một tia sáng đổi mới nào xuất hiện.
Tìm kiếm những cơ hội. Biết phải nói gì là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải nghe như thế nào. Hãy cho nhân viên của mình cơ hội chia sẻ ý tưởng, những câu chuyện riêng, cũng như những đề xuất cải tổ của họ. Hãy tranh thủ cuộc khủng hoảng này như một thời cơ để loại bỏ những công việc không có giá trị nào trong việc nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng hay cải thiện tình hình của công ty.
Một lưu ý cuối cùng tôi muốn nhắc các bạn là hãy luôn nhớ rằng trong thời buổi suy thoái, lời nói đôi khi lại không quan trọng bằng cảm xúc. Trong một cuốn sách có tên Words that Work, Frank Luntz chia sẻ quan điểm mà diễn viên – nhà hoạt động xã hội Warren Beatty từng tâm sự với ông, rằng: “Mọi người quên điều mà bạn nói, nhưng họ vẫn nhớ cảm giác bạn mang lại cho họ lúc đó”.
Đó là một lời khuyên hữu ích cho bất kì nhà lãnh đạo nào đang phải đảm trách nhiệm vụ đối thoại trong thời buổi hiện nay. Việc bạn liên kết mọi người ra sao, bám sát tình hình như thế nào sẽ cộng hưởng với những người còn lại, đưa cả hai phía cùng tiến tới một cảm nhận chung vì mục đích cuối cùng.

Theo Tuần Việt Nam