Để chiêu dụ nhân tài, các tỉnh thường đưa ra các tiêu chí về học hàm học vị, nhưng thực chất của các học hàm học vị đó ra sao thì không ai kiểm chứng được. Để chiêu dụ nhân tài, các tỉnh thường đưa ra các ưu đãi như: cấp cho các căn hộ, trả lương ở mức cao, bổ nhiệm cho chức vụ…
Nhưng những người tài cao vẫn chỉ về rồi lại đi. Họ vấp phải một môi trường làm việc cũ kỹ, không phát huy được trí lực của bản thân họ. Họ không muốn bị biến thành một công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”.
Trong đề bài kỳ thi Đình năm 1442, chính vua Lê Thái Tông yêu cầu các sĩ tử “hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời” cho mình về việc cầu hiền tài, chiêu hiền đãi sĩ. Thí sinh Nguyễn Trực đã nói với nhà vua trong bài thi của mình rằng: “Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường, đặt vua vào chỗ không lầm lỗi”.
Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét
Nhà vua đã ra một đề bài như thế này: “Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mở thăm thẳm. Sao người quân từ khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy? Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét“. Xem thế đủ biết lòng vua chân thành là vậy!
Thí sinh Nguyễn Trực trả lời rằng: “Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường và đặt vua vào chỗ không lầm lỗi”. Rồi lại nói thẳng với nhà vua rằng: “Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên”. Lời một thí sinh nói với vua như thế! Rất thẳng thắn!
Thí sinh Nguyễn Trực cho rằng đạo của người làm vua là tự mình chọn người tài. Song ông cũng cho rằng: “tiến cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của bậc đại thần”.
Ông cho rằng, nếu các đại thần mà “ngầm nuôi mưu gian ghen ghét hiền tài cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì làm sao tiến cử được nhân tài! …Người xưa có câu: Ai tiến cử nhân tài, sẽ được ban thưởng mức cao nhất. Kẻ nào che lấp tài năng, phải bị trị tội nặng”.
“Thần cho rằng: lừa dối bề trên, hãm hại hiền tài, lấy bọn theo mình làm giỏi, lấy bọn múa mép làm tài, mua quan bán tước, hối lộ ngang nhiên, những việc như vậy, đâu phải vì nước tiến cử nhân tài, vì vua lựa chọn bề tôi? Do vậy mà người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết”.
“Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyển tâm, phải thử thách, phải thận trọng mới được”.
“…Hãy nhớ ba điều Trí, Nhân, Dũng là đạt đức của thiên hạ. Không có Trí thì không thể hiểu người; không có Nhân thì không thể chọn người; không có Dũng thì không thể dùng người. Lấy Trí hiểu người thì có thể hiểu biết rõ ràng và đầy đủ tài năng của họ. Lấy Nhân chọn người thì không bỏ người tài khi họ cùng khốn và chọn được người hết lòng trung thành. Lấy Dũng dùng người thì tin dùng không nghi ngờ và chuyên tâm nghe hết mọi điều. Nếu có cả ba điều Trí, Nhân, Dũng này thì lẽ dùng, bỏ rõ ràng, lòng yêu, ghét chính đáng. Đó chính là ý nghĩa của câu ‘Chỉ có người nhân mới biết yêu người, biết ghét người’ vậy”.
Lời phân tích của Nguyễn Trực thật trong sáng, thẳng thắn và bộc trực. Giữa thời quân chủ, trong một bài văn của sĩ tử đi thi, (nếu đỗ thì sẽ bắt đầu bước lên hoạn lộ) mà có cơ hội để bộc trực như vậy, đủ biết không khí chiêu hiền đãi sĩ, chuộng lời nói thẳng của người xưa như thế nào!
Kỳ thi ấy (1442), vua lấy đỗ Nguyễn Trực (1417 – 1473) là Trạng nguyên. Và ông chính là vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê. Tấm bia ghi về khoa thi này là tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu được dựng năm 1484.
Nguyễn Trực cũng không phụ tấm lòng cầu hiền của nhà vua. Năm 1444 ông dẫn đầu đoàn sứ bộ sang sứ nhà Minh. Giữa triều đình phương Bắc, Nguyễn Trực đã hoàn thành sứ mệnh bằng kiến thức uyên bác, tài ứng đối nhạy bén, sắc sảo, sự vững vàng cứng cỏi và trên hết là ý thức tự hào dân tộc rất chính đáng của mình, khiến vua tôi nhà Minh phải kiêng nể. Năm 1457 viên sứ thần nhà Minh là Hoàng Gián sang ta. Lê Nhân Tông đã triệu Nguyễn Trực về triều để tiếp sứ. Hoàng Gián vặn vẹo đủ điều, nhưng điều nào cũng được Nguyễn Trực giảng giải phân minh, khiến cho vị “thiên sứ” nọ phải thán phục thốt lên “Quốc hữu nhân tài”(nước Việt có nhân tài).
Tài năng và phẩm chất của Nguyễn Trực được Lê Thánh Tông đánh giá cao, cử ông làm Quốc tử giám tế tửu (như chức Hiệu trưởng một đại học hoàng gia). Nguyễn Trực tham gia hiệu đính, phê duyệt bộ “bách khoa toàn thư” của thời ấy: Thiên Nam dư hạ tập. Theo lệnh của Lê Thánh Tông bộ Thiên Nam dư hạ tập biên soạn xong, phải mang đến tận nhà để Nguyễn Trực phê duyệt mới được xuất bản.
Biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai
Trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) – khoa mà Nguyễn Trực được đề ở vị trí đầu tiên, Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.
Bài văn còn có đoạn: “Việc dựng tấm đá này có lợi ích rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng, biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà”.
Như vậy, thông điệp mà người xưa gửi rất rõ ràng. Xác định nhân tài là “nguyên khí” của quốc gia, có quan hệ đến sự hưng vong của thế nước. Vì vậy các bậc thánh đế minh vương luôn luôn coi việc bồi dưỡng, kén chọn nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia là việc cần thiết, thường xuyên liên tục và đặt trong tình trạng cấp bách.
Việc chọn người tài, đưa vào các vị trí quan trọng của đất nước là quyết định của nguyên thủ quốc gia. Nhưng việc tiến cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của những người đang nắm những trọng trách trong các cơ quan quyền lực giúp việc cho nguyên thủ. Điều này cho thấy, trách nhiệm của những người này là tìm kiếm người có năng lực để gánh vác việc nước là vô cùng quan trọng. Nếu nguyên thủ quốc gia mà thành thực cầu hiền, muốn kén chọn nhân tài, lại được các quan chức thuộc quyền tiến cử bằng sự minh bạch, sáng suốt, ngay thẳng và không vụ lợi thì người tài sẽ xuất hiện, đem hết tâm sức cùng đưa thế nước đi lên. Nói như Nguyễn Trực cách đây 568 năm thì những bậc hiền tài, kẻ sỹ khí tiết đó sẽ “đưa vua đi đúng đường và đặt vua vào chỗ không lầm lỗi”.
Nếu trong việc tiến cử người vào các chức vụ quan trọng mà có chuyện mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền, kéo bè kéo cánh, để bọn sâu mọt chui vào hàng ngũ quan chức thì sẽ làm thế nước nguy nan, khiến nguyên thủ đi lạc đường và rơi vào lầm lỗi.
Khi có được hiền tài, thế nước sẽ mạnh. Ngược lại, khi kẻ tiểu nhân và dốt nát được trao những trọng trách thì thế nước suy yếu vì những hành xử của họ. Và khi ấy nhân tài sẽ rũ áo mà đi, quay lưng với thời cuộc, cho dù họ đã từng có những nỗ lực đóng góp trước đó. Họ đi ẩn cư nơi rừng sâu núi thẳm, lánh tục tìm nhàn, ngâm thơ vịnh nguyệt, bạn cùng hạc nội mây ngàn. Họ ẩn cư ngay giữa chốn phồn hoa đô hội, bằng sự im lặng, “giả điếc, giả câm” của mình. Sự lãng phí không biết nói sao cho hết!
Hiểu xưa để biết nay, như lời người xưa “biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai”, thiết nghĩ chúng ta nên phải tổ chức lại việc cầu hiền tài trong thời đại mới. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều tỉnh thành quyết tâm thực hiện việc chiêu hiền đãi sĩ, nhưng việc này chưa thực sự có hiệu quả. Chưa có ai thống kê được các tỉnh thành đó đã đón được bao nhiêu nhân tài về làm việc. Quan niệm về nhân tài hiện nay cũng chưa được đưa ra một cách thống nhất. Người ta vẫn coi các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các Đại học là những nhân tài, cần được trải thảm đỏ đón về, mà không hiểu rằng việc có kết quả xuất sắc ấy, nhiều khi chỉ là “học gạo”. Lại cũng có những bạn trẻ tài năng than rằng, thảm đỏ có trải ra thật, nhưng bước lên đó lại đầy chông gai.
Để chiêu dụ nhân tài, các tỉnh thường đưa ra các tiêu chí về học hàm học vị, nhưng thực chất của các học hàm học vị đó ra sao thì không ai kiểm chứng được. Để chiêu dụ nhân tài, các tỉnh thường đưa ra các ưu đãi như: cấp cho các căn hộ, trả lương ở mức cao, bổ nhiệm cho chức vụ… Nhưng những người tài cao vẫn chỉ về rồi lại đi. Họ vấp phải một môi trường làm việc cũ kỹ, không phát huy được trí lực của bản thân họ. Họ không muốn bị biến thành một công chức “sáng vác ô đi, tối vác về”. Họ lại ra đi! Vì nhà cửa, tiền lương, chức vụ không phải là cái mà người tài bận tâm trước nhất!
TS Nguyễn Xuân Diện
Theo Giamdocdieuhanh