Thành viên độc lập là ai

Chúng tôi sẵn sàng trả lương cao và các ưu đãi đi kèm cho những người có thể đại diện cho chúng tôi làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị (HĐQT) những doanh nghiệp nơi chúng tôi góp vốn – tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết.
Tìm kiếm người làm thành viên độc lập trong HĐQT đang không chỉ là vấn đề đối với các tổ chức, quỹ đầu tư mà còn của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Thành viên độc lập, anh là ai? Và vì sao thị trường tài chính lại cần đến anh vào lúc này?
“Độc lập” trên giấy
Hai năm trước ở một công ty sản xuất dầu ăn niêm yết trên sàn TPHCM đã xảy ra mâu thuẫn giữa HĐQT và ban tổng giám đốc. Hai thành viên độc lập trong HĐQT đại diện cho các quỹ nước ngoài, “đấu tranh” bảo vệ tổng giám đốc, nhưng đã không có kết quả vì chủ tịch HĐQT đại diện cho phần vốn nhà nước 51% có quyền phủ quyết tại đại hội. Cuối cùng các thành viên độc lập từ chức, quỹ đầu tư thoái vốn. Sự rút lui của họ cho thấy vai trò của thành viên độc lập chưa thể thể hiện hiệu quả trong những hoàn cảnh nhất định.
Khoản 1, điều 11, Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13-3-2007 về việc ban hành quy chế quản trị doanh nghiệp áp dụng cho các công ty niêm yết, quy định số lượng thành viên HĐQT một đơn vị ít nhất là 5 người, nhiều nhất 11 người, trong đó một phần ba là thành viên độc lập không điều hành. Khái niệm về thành viên độc lập theo các văn bản pháp lý cho đến nay chỉ có thế. Ngoài ra không ở đâu, không văn bản nào định nghĩa thành viên độc lập là gì, họ phải đáp ứng những tiêu chí nào, trình độ, kinh nghiệm ra sao.
Không có tiêu chí, cũng chẳng có hướng dẫn, nhưng các công ty niêm yết vẫn phải bầu cho được thành viên độc lập vào HĐQT. Vì thế, trong các đợt tập huấn công ty đại chúng, nhiều doanh nghiệp đứng lên hỏi, song đại diện cơ quan quản lý cũng không biết trả lời ra sao. Hỏi không được trả lời, nhưng vẫn phải thực hiện quy định.
Ở nhiều nước, thành viên độc lập là một nghề, được đào tạo hẳn hoi và được trả lương xứng đáng. Việt Nam chưa có một nghề như vậy!
Yêu cầu về thành viên độc lập có từ bao giờ? Bà Trần Anh Đào, Trưởng phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết HOSE, cho biết yêu cầu này xuất hiện trong điều lệ mẫu dành cho các công ty niêm yết từ những năm 2002-2003. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện không nhiều vì yêu cầu có tính khuyến khích, không chế tài. Điều lệ mẫu cũ đòi hỏi mỗi năm công ty niêm yết phải bầu lại một phần ba HĐQT. Các công ty thường lấy những thành viên có phiếu bầu thấp nhất lần trước ra bầu lại. Cách làm này không hiệu quả, gây xáo trộn HĐQT, nên sau đó bị bỏ.
Bây giờ hầu hết các công ty niêm yết ở HOSE đã có thành viên độc lập trong HĐQT. Nhưng sự “có” đó chỉ mang tính hình thức.
Tìm đâu thành viên độc lập?
Bà Đào nhấn mạnh theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), thành viên độc lập hoàn toàn không liên quan đến lợi ích công ty (mà một trong số đó là không nắm giữ cổ phiếu). Nhưng luật pháp Việt Nam chưa quy định điều này. Các công ty Việt Nam chọn thành viên độc lập theo hai xu hướng. Thứ nhất từ các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược, công ty chứng khoán… Những thành viên đó trên thực tế không độc lập hoàn toàn vì họ đại diện cho một nhóm cổ đông hoặc cho tổ chức đầu tư nơi họ làm việc. Thứ hai, những thành viên trước đây tham gia điều hành doanh nghiệp (phó tổng, tổng giám đốc) nay không điều hành nữa, nghĩa là từ không độc lập trở thành “độc lập”.
Ở những công ty xuất thân từ gia đình, tính đại chúng hạn hẹp, thành viên độc lập trong HĐQT có thể là anh em, người thân, người có liên quan đến tổng giám đốc, phó tổng giám đốc. Họ thậm chí là người điều hành công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp niêm yết. Sự độc lập đúng nghĩa ở đây, do đó, bị xóa mờ.
Các quỹ, tổ chức đầu tư thường bỏ vốn vào nhiều công ty. Họ không có đủ người để tham gia HĐQT, nên có trường hợp một người làm thành viên HĐQT 5 -7 doanh nghiệp. Tuy nhiên, Quyết định 12 quy định một thành viên HĐQT không được là thành viên HĐQT của quá năm công ty. Thế nên các quỹ, các tổ chức lao vào tìm kiếm người có thể làm đại diện cho họ trong HĐQT các công ty. Những người này phải có trình độ, kinh nghiệm, tham gia các cuộc họp, góp ý các quyết sách kinh doanh, theo dõi hoạt động các doanh nghiệp đó cho họ. Tìm được những người như thế không dễ. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nói ở nhiều nước thành viên độc lập là một nghề, được đào tạo hẳn hoi và được trả lương xứng đáng. Việt Nam chưa có một nghề như vậy!
Xung đột lợi ích
Vai trò của thành viên độc lập là gì? Thêm một lỗ trống mà văn bản pháp quy không làm rõ. Theo khoản 2-3, điều 25, Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ngày 19-3-2007 về việc ban hành điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết, vai trò của thành viên độc lập cũng giống như những thành viên HĐQT khác.
Thực tế lại đang phản ánh những hiện tượng phức tạp trong hoạt động của công ty niêm yết mà chỉ có thành viên độc lập mới phát hiện, giải quyết được. Theo OECD, chẳng hạn, tôi là thành viên HĐQT một doanh nghiệp niêm yết, nhưng đồng thời là chủ một công ty (sân sau) chuyên tiêu thụ sản phẩm của đơn vị niêm yết làm ra. Nếu tổng doanh số tiêu thụ hàng năm của công ty tôi vượt 20% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp niêm yết, thì giao dịch này phải được đại hội đồng cổ đông thông qua; nếu dưới 20% thì phải được HĐQT thông qua và khi HĐQT quyết định, tôi không được bỏ phiếu. Trong trường hợp đó, tiếng nói (lá phiếu) của thành viên độc lập là vô cùng quan trọng. Điều này mới đây đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào Thông tư 09 về công bố thông tin. Trong đó nêu rõ báo cáo tài chính hàng quí, hàng năm phải công khai giao dịch dạng trên của các bên liên quan nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích.
Hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến thành viên HĐQT đang khiến nhà đầu tư đau đầu, đòi hỏi phải có thành viên độc lập ở vai trò giám sát. Thí dụ công ty cho thành viên HĐQT vay tiền hoặc ngược lại; thành viên HĐQT dùng tài sản của mình thế chấp ở ngân hàng cho công ty niêm yết vay tiền hoặc ngược lại; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết mà thành viên HĐQT có cổ phần… Từ những mối quan hệ chằng chịt này, đã xảy ra việc chuyển lời lỗ từ các công ty niêm yết về các công ty con làm các thành viên có lợi ích liên quan được hưởng lợi. Các nguyên tắc quản trị công ty của OEDC chỉ ra rằng trong HĐQT phải lập ra các tiểu ban đề giúp HĐQT như tiểu ban lương thưởng, kiểm toán, nhân sự… và trưởng các tiểu ban bắt buộc phải là thành viên độc lập HĐQT. Việt Nam chưa hề có một quy định bắt buộc như thế.
Thị trường tài chính Việt Nam còn trẻ, nhà đầu tư phần lớn ngắn hạn, chưa quan tâm đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mới chỉ chú ý đến công ty sinh lời nhanh, thiếu các tổ chức tạo lập thị trường… Trên cái nền đó, chỗ đứng của thành viên độc lập HĐQT chưa thể nổi bật. Nhưng khi thị trường càng lớn, xung đột lợi ích giữa các chủ thể phát sinh càng nhiều, thành viên độc lập sẽ trở thành nhân vật không thể thiếu để bảo vệ nhà đầu tư. Sự hoàn chỉnh quy định về thành viên độc lập phải bắt đầu từ khía cạnh pháp luật bằng sự sửa đổi, bổ sung, cập nhật quy định về mẫu hình này.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn