Một phi vụ thu hút trót lọt quỹ đầu tư cũng mất tối thiểu 6 tháng đến một năm. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải biết tự “làm đẹp” trong mắt các quỹ đầu tư.
Dù kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp CNTT vẫn có “sức hút” đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm. (Ảnh minh họa chụp ở Công ty Viet Union). Ảnh: Kinh Luân.
Thu hút quỹ đầu tư là một việc không hề dễ dàng, bởi một điều đơn giản là quỹ đầu tư không bao giờ chi tiền vào một sản phẩm, một công ty mà không có khả năng thành công trong tương lai. Đó là chưa kể để một “phi vụ” trót lọt cũng mất tối thiểu 6 tháng đến một năm. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải biết tự “làm đẹp” trong mắt các quỹ đầu tư.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc thu hút đầu tư là niềm vui nhưng đôi khi cũng là nỗi buồn nếu không quy định chặt chẽ về quyền hạn và nghĩa vụ. Điều này có thể dẫn đến nội bộ chia rẽ, hoặc tệ hơn là bị đối thủ cạnh tranh thâu tóm qua những lần thoái vốn của các nhà đầu tư.
Lập công ty để bán
Các công ty công nghệ, đặc biệt là những công ty khởi nghiệp, thường không có thế mạnh về tài chính. Chính vì thế, ngay từ ban đầu phải xác định thành lập công ty là để… bán và mô hình công ty cổ phần thường được lựa chọn bởi không giới hạn số lượng cổ đông. Tuy nhiên, bán ở đây phải được hiểu theo nghĩa bán cổ phần để đưa công ty phát triển một cách nhanh nhất.
Để làm được việc này, theo ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty Cộng Đồng Việt (VietUnion), về mặt quản trị các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng công ty trong mắt nhà đầu tư. Cụ thể hơn, các quy trình phải chuyên nghiệp, tính an toàn dữ liệu cao và đặc biệt là minh bạch về tài chính, chi tiêu rõ ràng theo các quy định về luật kế toán Việt Nam hoặc quốc tế.
Các nhà đầu tư thường có kế hoạch đầu tư dài hạn, chính vì thế việc chọn một công ty có chất lượng đồng nghĩa với sự an toàn của nguồn vốn đầu tư được nâng cao, ít nhất là về mặt tinh thần. “Các công ty gia đình thường không nằm trong tiêu chí lựa chọn của các quỹ đầu tư”, ông Ly nói.
Điều thứ hai, theo ông Ly, chính là đội ngũ lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, năng lực cao. Việc có thêm một vài nhà đầu tư trước đó cũng là lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Ở góc độ thị trường, ông Hồ Minh Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Naiscorp, cho biết các doanh nghiệp cần phải chứng minh sản phẩm-dịch vụ của mình có gì khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và khả năng phát triển của nó. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến yếu tố thương mại hóa thành công sản phẩm.
Một vấn đề khác cần được doanh nghiệp quan tâm là quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp kêu gọi đầu tư. Từng có trường hợp đội ngũ phát triển sản phẩm của công ty sau khi nghỉ việc, đầu quân cho công ty khác và phát triển sản phẩm có chức năng tương tự. Công ty sau khi phát hiện cũng không làm được gì vì quên đăng ký sở hữu trí tuệ về bản quyền và mã nguồn sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn khá hạn chế, các sản phẩm được bảo vệ thường là hữu hình như tên gọi, mã nguồn sản phẩm. Các tài sản sở hữu trí tuệ về ý tưởng dù đã có luật định nhưng vẫn rất khó vì phải hiện thực hóa trên giấy mới có thể đăng ký được.
Ứng xử với nhà đầu tư
Một vấn đề khác được đặt ra là lựa chọn quỹ đầu tư nào cho phù hợp với chiến lược phát triển của công ty. Mặt khác, mục đích cuối cùng của các quỹ đầu tư là lợi nhuận từ các công ty họ đầu tư vào, chính vì thế họ luôn có lộ trình thoái vốn cụ thể. Các doanh nghiệp nên có kế hoạch ứng phó với tình huống này như thế nào?
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft, các nhà đầu tư được phân theo hai tiêu chí là đầu tư tài chính và đầu tư chiến lược với vai trò khác biệt nhau. Theo đó, các nhà đầu tư tài chính đơn thuần (thông thường là các quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG, SoftBank) hầu như chỉ đầu tư vốn, góp ý về chiến lược phát triển, xem xét số liệu kinh doanh thông qua báo cáo tháng/quý chứ không trực tiếp tham gia điều hành hoặc đóng góp chuyên môn. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược (thông thường là các cá nhân hoặc doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực họ đầu tư vào, như eBay/PayPal đầu tư vào PeaceSoft), ngoài đầu tư vốn thì còn có thể tham gia điều hành, góp ý về chuyên môn… nhưng họ có thể định giá doanh nghiệp thấp hơn so với các nhà đầu tư tài chính, vì họ hiểu rõ hơn hoạt động của doanh nghiệp mà mình sắp đầu tư.
Chính vì thế, theo ông Bình các công ty nên định hướng cho các nhà đầu tư tài chính thoái vốn ra các nhà đầu tư chuyên nghiệp (như trường hợp PeaceSoft làm với IDG, SoftBank sau đó là eBay) thì sẽ có lợi nhất, vì theo thời gian sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược sẽ đóng góp thêm giá trị gia tăng cho công ty về lâu dài.
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông Ly của VietUnion, các doanh nghiệp cần có quy định rõ ràng để cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư. Cụ thể hơn phải có thỏa ước cổ đông về các vấn đề mua bán, sáp nhập, trao đổi…
Đơn cử như quyền từ chối đầu tiên quy định cổ đông khi có ý định thoái vốn bằng cách bán cổ phần cho một tổ chức bên ngoài, giao dịch đó chỉ thành công khi các cổ đông còn lại đồng ý bán cho tổ chức đó. Điều này theo ông Ly là rất quan trọng, vì nếu không quy định rõ ngay từ đầu, sẽ khó tránh khỏi việc mua bán cổ phần công ty một cách tự do, đồng nghĩa với việc đối thủ cạnh tranh cũng có quyền mua vào.
Bên cạnh đó, cũng cần phải dựa trên Luật Doanh nghiệp và xây dựng điều lệ công ty rõ ràng để xác định rõ vai trò, quyền hạn và quyền lợi của mỗi người khi tham gia vào công ty.
Còn theo ông Đức của Naiscorp, các công ty – nhất là công ty mới thành lập – khi tiếp cận với nhà đầu tư thường có cảm giác mình “dưới cơ”. Điều này là không nên, vì theo ông đây là một cuộc đàm phán ngang bằng, những giá trị (trong tương lai) mang lại cho nhau phải dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Theo kienthuckinhte