Đến thời điểm này, khi chỉ còn một tháng nữa là năm 2012 đi qua, có thể khẳng định, tăng trưởng tín dụng của năm 2012 chắc chắn không thể đạt chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra.
Mức tăng cả năm dự báo là 5% mới bằng một nửa so với mức 8 – 10% đã điều chỉnh hồi giữa năm, và chỉ bằng 1/3 so với mức 15% NHNN đề ra đầu năm.
Điều này đồng nghĩa với việc, so với dự kiến, gần một năm qua, nền kinh tế chỉ có thể nhận được tối đa 1/3 nguồn vốn tín dụng cho đầu tư phát triển. Điều này cũng cảnh báo rằng, nếu không khơi thông được dòng vốn tín dùng, thì khả năng nền kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 cũng sẽ rất khó khăn.
Cần nhắc lại rằng, mức tăng trưởng tín dụng khoảng 4% hiện nay và dự báo cả năm 2012 ở mức 5% cũng đã là bước tiến lớn so với tình hình những tháng đầu năm, bởi tính đến tháng 4/2012, tín dụng của nền kinh tế vẫn tăng trưởng âm.
Công bằng mà nói, sau nhiều năm liên tiếp tăng trưởng tín dụng quá nóng, ở mức trên dưới 30%, việc hãm đà tăng tín dụng là cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, hãm đột ngột đến mức, “mạch máu” của nền kinh tế gần như ngừng chảy trong nhiều tháng và đến nay vẫn còn tắc nghẽn nhiều nơi, thì rõ ràng cần phải xem xét lại chính sách điều hành tiền tệ, tín dụng. Điều này càng nghiêm trọng đối với nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào vốn như nước ta.
Hậu quả của chính sách “phanh gấp” tín dụng đối với nền kinh tế đến nay đã hiển hiện, tổng đầu tư toàn xã hội sút giảm mạnh, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng chục vạn lao động mất việc làm…
Hệ lụy của việc nguồn vốn bị đóng băng còn có thể kéo dài nhiều năm, nhưng trước mắt phải đảm bảo vốn cho các mục tiêu phát triển nền kinh tế năm 2013. Chính vì thế, cùng tái cơ cấu ngân hàng, khơi thông tín dụng là một nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2013. Dĩ nhiên, không thể tăng tín dụng bằng mọi giá, mà phải đi kèm chất lượng và hiệu quả.
Trước hết, để khơi thông tín dụng, hệ thống ngân hàng phải tiếp tục tái cơ cấu, tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với giá hợp lý.
Bên cạnh đó, chính sách điều hành của NHNN cũng phải sát hơn với thực tế. Việc NHNN phân nhóm ngân hàng, giao chỉ tiêu tín dụng, sau đó lại “tháo khoán” cho một số ngân hàng năm 2012 đã ít nhiều làm giảm niềm tin của thị trường.
Giải pháp thành lập Công ty mua bán nợ xấu cũng cần nhanh chóng được triển khai. Để xử lý nợ kịp thời, đúng trọng tâm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tập trung ngân sách xử lý nợ xấu tại một số ngân hàng hoạt động hiệu quả, mà không nên cứu mọi ngân hàng yếu kém.
Để khơi thông luồng vốn, một mình ngành ngân hàng là chưa đủ, bởi nếu cơ thể nền kinh tế còn ốm yếu, chưa thể hấp thụ được vốn thì đẩy vốn ra cũng không có ý nghĩa. Chính vì thế, không thể không tiến hành đồng bộ các chính sách và giải pháp tháo gỡ những nút thắt lớn của nền kinh tế hiện nay, như phá băng thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo Hà Tâm