MISA chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng AI tại tọa đàm “Việt Nam và AI: Chuyển từ chính sách sang hành động”

Sáng 12/11/2024, tại tọa đàm “Việt Nam và AI: Chuyển từ chính sách sang hành động” do World Bank Vietnam tổ chức, ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA (MISA) đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của MISA. 

Toàn cảnh tọa đàm “Việt Nam và AI: Chuyển từ chính sách sang hành động”.

Sự kiện có sự tham dự của ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Trần Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN; bà Kathleen Whimp – Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án, World Bank (WB) cùng các chuyên gia AI và đại diện các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT MISA tham gia chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng AI của MISA tại tọa đàm.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI của MISA, ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT MISA khẳng định hiện nay, MISA đã ứng dụng AI toàn diện vào các hoạt động của công ty từ phát triển sản phẩm, marketing – bán hàng, quản lý vận hành đến chăm sóc khách hàng.

Cụ thể, đối với phát triển phần mềm, MISA ứng dụng công cụ AI như GitHub để tăng tốc độ lập trình, giúp tăng năng suất lên gấp 1,5 lần. Đối với công tác tư vấn khách hàng, MISA phát triển thành công Trợ lý trí tuệ nhân tạo MISA AVA dưới dạng chatbot, hỗ trợ tự động trả lời những thắc mắc của khách hàng, giúp công tác chăm sóc và hỗ trợ được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Đối với công tác bán hàng – marketing, MISA ứng dụng trợ lý MISA AVA cùng với một số công cụ AI phổ biến như Chat GPT, Fliki…để viết nội dung email marketing, quảng cáo, thiết kế đồ họa, giúp gia tăng năng suất công việc.

Không chỉ ứng dụng AI hiệu quả cho chính hoạt động của công ty, MISA còn ứng dụng AI vào các nền tảng số để triển khai cho khách hàng. Theo đó, MISA đã tích hợp thành công trợ lý AI MISA AVA vào các giải pháp số như Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS do công ty phát triển. “Với gần 1 triệu doanh nghiệp hiện nay, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), MISA nhận thấy rằng để giúp họ tận dụng AI, chúng ta cần tích hợp công nghệ này trực tiếp vào phần mềm mà khách hàng đang sử dụng”, ông Nguyễn Xuân Hoàng nhận định.

MISA tích hợp trợ lý trí tuệ nhân tạo MISA AVA vào nền tảng quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp tự động hóa các tác vụ thủ công, truy vấn và phân tích dữ liệu nhanh chóng để nâng cao hiệu quả quyết định và gia tăng lợi thể cạnh tranh.

Với trợ lý MISA AVA được tích hợp trong nền tảng MISA AMIS, khách hàng có thể tự động hóa các tác vụ thủ công như nhập liệu, truy vấn giao dịch ngân hàng, nhận diện và trích xuất thông tin ứng viên từ CV, xây dựng kịch bản tiếp cận khách hàng, ghi chú những thông tin quan trọng trong quá trình trình trao đổi với khách hàng….. giúp tiết kiệm tới 80% thời gian làm việc. Bên cạnh đó, MISA AVA cũng hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp truy vấn và xem nhanh các số liệu, báo cáo, phân tích,… trực quan chỉ với một câu lệnh bằng text hoặc giọng nói, đồng thời có khả năng phân tích và dự báo dựa trên dữ liệu, giúp lãnh đạo ra quyết định tức thời và hiệu quả.

Tiềm năng của AI trong việc ứng dụng vào thực tiễn là rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm AI không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có trình độ cao. “Để đáp ứng yêu cầu này, MISA đã thành lập một trung tâm nghiên cứu AI, kết nối và hợp tác với các chuyên gia quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, MISA cũng tích cực tuyển dụng và đào tạo các sinh viên trẻ đầy tiềm năng để bổ sung nguồn lực trong lĩnh vực AI”, ông Hoàng cho biết. 

Để hỗ trợ những doanh nghiệp công nghệ như MISA có điều kiện phát triển các sản phẩm AI đột phá, ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ. Thứ nhất, MISA kỳ vọng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ và nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI nhằm tạo nền tảng cho các doanh nghiệp công nghệ có đội ngũ mạnh về AI. Thứ hai, chi phí sử dụng các công cụ AI hiện nay là khá lớn, do đó, MISA đề xuất Chính phủ xây dựng các trung tâm AI (AI Center) và có những chính sách hỗ trợ việc nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Thứ ba, Chính phủ ưu tiên mua sắm các giải pháp chuyển đổi số sử dụng AI, để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ xây dựng các sản phẩm dịch vụ thông minh hơn ứng dụng AI. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư triển khai các sản phẩm dịch vụ ứng dụng AI, tạo ra nền kinh tế số, xã hội số hiện đại văn minh, Việt Nam hùng cường.

Kết thúc bài tham luận, ông Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh AI đang tác động lên các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Doanh nghiệp không kịp thích ứng với làn sóng AI có nguy cơ cao tụt hậu và mất đi sức cạnh tranh. Với thế mạnh 30 năm trong lĩnh vực công nghệ, MISA tiên phong ứng dụng tối đa khả năng của AI để tăng hiệu suất làm việc cho chính MISA và khách hàng, góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến lên trong kỷ nguyên số.