Nghiên cứu của bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải chịu nhiều thiệt thòi, do khó khăn của nền kinh tế cũng như hệ thống chính sách. Quy mô của doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp lại – nghĩa là số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không phát triển được ngày càng gia tăng. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại diễn đàn “Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức hôm qua (11.12), tại Hà Nội.
Cục trưởng cục Phát triển doanh nghiệp, bộ Kế hoạch và đầu tư Hồ Sỹ Hùng cho biết, so với cùng kỳ năm trước, tính đến 30.8.2012, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 11,5% (46.064 doanh nghiệp); trong khi doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng 7,7% (35.483 doanh nghiệp). Một số lĩnh vực gặp khó khăn như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có 206 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 53,7%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 934 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 31,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1.804 doanh nghiệp, tăng 24,8%…
Từ 74 xuống còn 34 lao động/doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải chịu nhiều thiệt thòi, do khó khăn của nền kinh tế cũng như hệ thống chính sách.
Theo kết quả điều tra của bộ Kế hoạch và đầu tư được phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cung cấp, doanh nghiệp gặp khó khăn toàn diện: 66% gặp khó khăn do giảm cầu; 53,6% khó khăn trong tiếp cận vốn; 49,2% khó trong mua nguyên liệu đầu vào; 23,6% do bất ổn vĩ mô; 10% do thị trường nước ngoài suy giảm; 12% khó tuyển dụng lao động…
Kết quả điều tra cho thấy một số điểm đáng chú ý. 78,5% doanh nghiệp phải trả lãi suất 16% năm trở lên, hơn một nửa phải trả 18%/năm trở lên. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do lãi suất cao gần gấp đôi so với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thủ tục phiền hà, phức tạp gây khó khăn cho 30,5% doanh nghiệp tư nhân trong nước; trong khi con số này với doanh nghiệp nhà nước là hơn 19% và doanh nghiệp FDI là 17%. Một vài con số như trên đã phần nào cho thấy, khó khăn đã đổ dồn lên khối doanh nghiệp tư nhân, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Điểm đáng chú ý khác, được ông Lương Minh Huân, viện Phát triển doanh nghiệp, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đó là quy mô của các doanh nghiệp có xu hướng giảm xuống, từ mức bình quân 74 lao động/doanh nghiệp năm 2002 xuống còn 34 lao động/doanh nghiệp trong năm 2010 – có nghĩa là “số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và 99,21% doanh nghiệp siêu nhỏ là nằm ở khu vực ngoài nhà nước”.
Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng bổ sung thêm, trong số 2.500 DNNVV, trong vòng hai năm, chỉ có hai trường hợp lớn lên thành doanh nghiệp vừa. Thực trạng này được bà Hằng ví von: “Nền kinh tế của chúng ta như một gia đình rất nghèo, sinh sôi nảy nở đông như đàn con cứ lít nha lít nhít không lớn lên được”. Nguyên nhân thì rất nhiều, như trong vấn đề tín dụng, các DNNVV chiếm tỷ trọng 35% tổng dư nợ, nhưng lượng bảo lãnh cho khối này chỉ khoảng 9.000 tỉ đồng, chiếm 1,1% số vốn hiện nay. “Câu hỏi là chính sách bảo lãnh tín dụng đó có hiệu quả hay không, từ đó đặt vấn đề các chính sách của chúng ta đi vào doanh nghiệp, nhất là khối DNNVV có hiệu quả không?”, bà Hằng nói. Hay như theo bà, quy định không cho các doanh nghiệp lập văn phòng trong khu chung cư mới đây cũng là một chính sách gây khó cho doanh nghiệp.
Nhà nước cũng nợ doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi doanh nghiệp “chết” là chết thực, người lao động mất việc làm thực, vì số doanh nghiệp đăng ký mới đa phần chưa hoạt động ngay, chưa sử dụng lao động ngay, nên không thể bù đắp cho số “chết” đi được.
Theo bà Lan, hệ thống chính sách dành cho DNNVV rất tốt nhưng chưa được thực hiện tốt; một số mặt hàng tăng giá, giảm giá thiếu sự phối hợp; cơ quan này hỗ trợ, tạo điều kiện thì cơ quan khác lại gây khó dễ, gây khó khăn nhiều hơn; các công cụ pháp luật ban hành quá nhiều… Bà nói: “Nông dân cùng với DNNVV phải chịu hậu quả của bất động sản: người dân mất đất, phí, thuế đất cao, doanh nghiệp phải chịu giá mặt bằng quá cao…
Để doanh nghiệp lớn lên phải có quá trình, nhưng các chính sách của chúng ta nặng về khuyến khích phát triển theo quy mô mà không ưu tiên quan tâm về chất lượng, công nghệ…” Bà Lan dẫn chứng trường hợp công ty cổ phần Giấy Sài Gòn định đầu tư một dây chuyền công nghệ xử lý nước thải hiện đại của Đức, nhưng ba năm qua vẫn chưa xin được giấy phép để đầu tư. “Ba năm, hết ban này, ngành kia đến làm việc, thẩm định, chi phí kiểm định chất lượng lên tới 750 triệu đồng, nhưng đến nay dự án vẫn để không, trong khi chi phí mặt bằng, thuế… vẫn phải trả cho Nhà nước”, bà nói.
Chia sẻ câu chuyện lãi suất, tín dụng, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Đại Lai nhận định, nếu các ngân hàng quản trị tốt, chi phí quản lý chỉ cần 2%, cùng lắm 2,5% là đủ trang trải mọi hoạt động, trong đó đã bao gồm cả dự phòng rủi ro. “Do vậy, nếu lạm phát năm 2013 dự kiến 7,5%, lãi suất huy động chỉ cần 8% là thực dương, sau khi cộng chi phí quản lý, lãi suất cho vay vốn chỉ khoảng 10,5% là ngân hàng đủ sống khoẻ, còn nếu cao hơn là ngân hàng đã “ăn” vào doanh nghiệp”, ông Lai nói. Liên quan đến việc hỗ trợ DNNVV, ông Lai cho rằng, các chính sách còn nhiều ưu đãi cho khối DNNN. Chẳng hạn, DNNN chiếm một nửa dư nợ tín dụng của nền kinh tế; khai phần lớn tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn ODA, chưa kể vốn Nhà nước đọng ở khối này gần 700.000 tỉ đồng không thu được đồng lợi tức nào.
Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, mục tiêu của chúng ta là phát triển thị trường, nền kinh tế thị trường, chứ không phải một vài phần trăm tăng trưởng GDP. Để thực hiện mục tiêu đó, quan trọng nhất là thể chế, là doanh nghiệp, doanh nghiệp chính là tài sản của nền kinh tế. Để xử lý các vấn đề hiện nay của nền kinh tế, theo ông Thiên, chúng ta cần xác định nhanh, rõ ràng: nợ xấu là bao nhiêu; cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian để xử lý nợ xấu cũng như các vấn đề của thị trường bất động sản… “Doanh nghiệp nợ ngân hàng, nhưng Nhà nước có nợ doanh nghiệp không? Theo báo cáo thẩm tra của Quốc hội mới đây, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố lên tới hơn 91.000 tỉ đồng. Nếu khoản nợ này không được trả, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “chết” và có thể nói là chết oan”, ông Thiên nhận định.
Theo Thảo Nguyễn