Việt Nam được xem là “thiên đường” về internet, khi mà người dùng có thể truy cập wifi ở bất kỳ quán càphê, các địa điểm công cộng hay bằng kết nối 3G… Internet là một trong số ít lĩnh vực đạt được thành công nhờ mở cửa thị trường: các nhà mạng cạnh tranh đã đẩy mạng lưới phổ rộng nhanh chóng và dịch vụ có mức giá thấp dần. Theo liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), nhờ dân số trẻ, Việt Nam có vị trí đặc biệt về internet, trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới. Con số này còn phản ánh tiềm năng về phát triển các ngành công nghiệp phái sinh trên nền internet.
Đuổi kịp thế giới
Định lượng về sự phát triển sau 15 năm: lưu lượng trao đổi tăng lên hàng trăm triệu lần, băng thông kết nối trong nước đạt gần 500Gbps, băng thông kết nối quốc tế cũng đạt gần 350Gbps, theo đó giá cước internet đã giảm đi hơn 100 lần. Theo TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông: “Chặng đường đó đã đưa viễn thông – internet Việt Nam từ lạc hậu và nhỏ bé đuổi kịp viễn thông thế giới, từ khoảng chỉ trăm ngàn thuê bao điện thoại cố định những năm 1990, đến nay là hơn 130 triệu, internet từ “điểm trắng” đến hơn 35% dân số sử dụng”.
Năm 1997, bốn nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) Việt Nam đầu tiên được cấp phép, gồm VDC, FPT Telecom, Netnam và Viettel. Internet chỉ với kết nối Dial-up nhưng nhanh chóng được thị trường đón nhận như “vị khách quý” dù giá cao ngất ngưởng (400 đồng/phút), chưa đầy một năm VDC đã đạt đến 1,5 tỉ phút truy cập, FPT cũng đạt đến 1 tỉ phút. Thị trường từ đó biến động không ngừng và theo hướng tích cực dần là điểm sáng của lĩnh vực internet, với 16 ISP tham gia và công nghệ mới cũng liên tục được ứng dụng.
Theo số liệu của công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC), ngay năm 2007 VDC đạt hơn 1.000 thuê bao. Đến 2001 mạng truy nhập VNN qua thoại phủ đến 61/61 tỉnh thành với kênh quốc tế 42Mbps, năm 2002 chỉ số dung lượng kênh quốc tế/thuê bao Việt Nam đã đạt 600Mbps, cao hơn Malaysia nhiều và xấp xỉ Thái Lan. Đến năm 2003, băng rộng ADSL được VDC khởi xướng, tiếp theo là wifi, đã tạo ra các bước đột phá lớn trên thị trường internet. Hiện nay VDC/VNPT đang thử nghiệm dịch vụ vô tuyến LTE cho tốc độ đến 60Mbps – là môi trường lý tưởng cho các ứng dụng đa phương tiện yêu cầu băng thông lớn.
Nhớ lại câu chuyện phát triển doanh nghiệp, tổng giám đốc FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa kể: thập kỷ 90 FPT Telecom từng tự hào với chương trình Trí tuệ Việt Nam đã kết nối hàng chục ngàn thành viên “online” qua phương tiện “chat” ngay khi mà mạng xã hội, blog, hay nhắn tin đa phương tiện chưa có. Khởi đầu của dịch vụ internet (do ông Trương Đình Anh khởi xướng) đã tạo ra một sân chơi bổ ích và FPT cũng chính thức bước vào lĩnh vực dịch vụ internet.
Năm 2005 FPT khởi đầu truyền hình internet (IPTV), năm 2006 tiên phong cung cấp dịch vụ truy cập internet bằng cáp quang (FTTH), đến nay hầu hết các ISP đều chú trọng đến phát triển mạng cáp quang. Theo ông Khoa, internet Việt Nam khởi đầu với kết nối quay số điện thoại (dial-up) đến nay ADSL đã phổ biến với khách hàng cá nhân và FTTH phổ biến trong khối doanh nghiệp. Các ISP Việt Nam cũng đang triển khai các công nghệ truyền dẫn phù hợp như ADSL2+, VDSL, FTTH nhằm thoả mãn tối đa các phân khúc tiêu dùng.
Thách thức từ lượng sang chất
Bức tranh internet còn phản ánh qua hai ngành công nghiệp đang phát triển hiện nay là phần mềm và dịch vụ trực tuyến – nội dung số. Ngành nội dung số với khoảng 500 doanh nghiệp tham gia cho tốc độ tăng trưởng hàng năm 40% với tổng doanh thu năm 2011 đạt 1,16 tỉ USD, tăng gấp chín lần năm 2005. Công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia, trở thành ngành kinh tế quan trọng với tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm và năm 2011 đạt gần 1,2 tỉ USD, gấp bốn lần năm 2005.
Theo bộ Thông tin và truyền thông, hiện internet băng rộng đã được kết nối đến 99,85% xã khu vực thành thị và 84,5% xã nông thôn. Tỷ lệ hộ gia đình kết nối internet đạt 8,2% trên tổng số 12,6% hộ gia đình có máy tính. Tuy nhiên, tỷ lệ người sử dụng internet giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch rất lớn: 19,7 và 5,5% khiến độ thâm nhập internet tại Việt Nam vẫn chưa thể đẩy lên cao hơn trong những năm tới.
Các mô hình web phổ biến trên thế giới đã được xây dựng ở Việt Nam trong hơn mười năm qua. Một hệ thống dịch vụ trực tuyến đã thành hình đầy đủ hướng đến người dùng internet và điện thoại di động, từ thông tin trực tuyến, dịch vụ giải trí, mạng xã hội đến thương mại trực tuyến, thanh toán điện tử, tài chính, giáo dục… Nhiều công ty kinh doanh dịch vụ internet đang vươn lên dẫn dắt thị trường nội dung như VCCorp, VNG, FPT, VTC cùng với sự tham gia mạnh mẽ của Yahoo, Facebook đang tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn về dịch vụ web ở Việt Nam.
Theo ông Khoa, giai đoạn đầu của internet là sự bùng nổ về “lượng”: gồm số người dùng và phạm vi cung cấp. Nhưng lượng sẽ đến ngưỡng bão hoà và đòi hỏi sự thay đổi về chất. Một đường truyền tốt chưa đủ mà cần dịch vụ trên xa lộ đó, xu hướng mới về “chất” của internet là các dịch vụ gia tăng (VAS) được ISP cung cấp cho thị trường mà người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn. “Người dùng đang dịch chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp” khi việc truy nhập internet phổ biến từ máy tính chuyển sang điện thoại, máy tính bảng, tivi… đòi hỏi khối lượng nội dung phong phú, sinh động và sát với thực tế cuộc sống nhất”, ông Khoa nói.
Theo chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp, gần 1/3 dân số đã biến internet thành môi trường trao nhận thông tin trong 15 năm là sự phát triển vượt bậc, nhất là trong bối cảnh khởi đầu thiếu máy tính, thiếu mạng truyền dẫn. Tuy nhiên, nếu nhìn từ những góc độ quan trọng như bảo mật và chất lượng để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp IT, chính phủ điện tử, thương mại điện tử và các hoạt động “e” (điện tử) trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thì vẫn còn là thách thức lớn của Việt Nam. “Một nền tảng truyền dẫn chất lượng và ổn định để cộng đồng IT phát triển ứng dụng, xây dựng tài sản dữ liệu sẽ là ưu tiên lớn nhất trong giai đoạn mới của thị trường internet”, ông Diệp nhận định.
Theo Tuyết Ân