Nhập gia tùy tục với văn hóa công ty

Khi làm việc trong các công ty nước ngoài, chúng ta vẫn thường phạm những lỗi đáng tiếc mà nguyên nhân chính là do hiểu sai văn hóa công ty ấy. Chẳng phải ông bà ta vẫn dạy: “Nhập gia tùy tục” đó sao?
Thanh Uyên vốn là sinh viên Khoa Ngoại thương Đại học Kinh tế TPHCM. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Uyên dễ dàng tìm ngay cho mình một cơ hội việc làm tại công ty liên doanh có tiếng tại TP. Lúc đầu, Uyên được phân công vào bộ phận kinh doanh với công việc là nhân viên bán hàng, mức lương thử việc 100 USD/tháng.
Hai năm không tăng lương: Nên thay đổi việc
Vốn năng động trong kinh doanh, sau 3 tháng phấn đấu, cô được bổ nhiệm làm quản lý bộ phận kinh doanh của cửa hàng với thu nhập tăng lên gấp đôi. Liên tiếp 6 tháng sau, Uyên lại được đề bạt làm trưởng phòng kinh doanh công ty với mức lương 350 USD/tháng. So với bạn bè cùng trang lứa, Uyên thật hãnh diện với mức lương của mình. Nhưng kể từ ngày được nhận chức trưởng phòng kinh doanh đến nay (đã 2 năm), cô không hề được tăng lương mặc dù không ai có ý chê trách gì công việc cô đang làm. Uyên tâm sự: “Mấy người bạn cùng làm chung lúc trước lương rất thấp nhưng bây giờ so ra thu nhập của họ cũng bằng mình. Thật ra mình không biết công ty có dự tính gì đối với mình nữa không”.
Nhiều nhân viên khi làm việc trong các công ty khác cũng xem đây là chuyện riêng không biết giãi bày cùng ai. Bạn N. T hiện làm việc trong Công ty IC Việt Nam cho rằng: “Trước đây, tôi cũng như bạn ấy làm việc tại một công ty trong thời gian dài mà không được tăng lương. Một lần tình cờ đi chơi với bạn bè tôi mới biết đấy chính là điều mà công ty hay áp dụng cho những người mà họ không muốn sử dụng nữa. Chính vì thế tôi đã tìm cơ hội việc làm mới”.
Theo ông Trần Hoàng Bảo, Chủ nhiệm CLB 2030, thì: Đây cũng là nguyên tắc chung của các công ty liên doanh, nước ngoài. Bởi hầu hết các công ty trả lương theo năng lực của nhân viên và không ai được công khai mức lương với đồng nghiệp. Bạn còn được trọng dụng thì thu nhập hằng năm của bạn được tăng theo. Còn ngược lại, sau thời gian 2-3 năm, khi thấy mình không được chuyển đổi một công việc khác quan trọng hơn, bạn nên tìm một cơ hội việc làm khác.
Đào tạo lại: Bạn đang bị đánh giá lại?
Một nguyên tắc khác mà các công ty hay áp dụng để đánh giá năng lực của nhân viên là thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện để nhân viên tự đánh giá lại mình. Anh P.K.M hiện phụ trách nhân sự của một tập đoàn siêu thị kể lại: “Lúc trước, tôi làm việc tại một công ty nước ngoài. Vốn là nhân viên mới ở bộ phận kinh doanh nên tôi cố gắng học hỏi rất nhiều từ những người đi trước cách làm việc sao cho hiệu quả và cả những kỹ năng buôn bán. Chỉ trong 1 năm làm việc, tôi được sếp đặc cách cho tham dự các khóa huấn luyện về kỹ năng quản lý, các chương trình đào tạo về nhân lực trong và ngoài nước.
Lúc đầu, khi tham dự các khóa học này tôi thấy những gì được đào tạo không đúng với công việc mình đang làm. Rất lo lắng vì sợ công ty đầu tư không đúng người, tôi đem chuyện bày tỏ với sếp. Ông ta chỉ cười và bảo tôi cứ học. Không ngờ chỉ chờ khi tôi kết thúc các khóa đào tạo, ông ta liền đưa cho tôi quyết định “chuyển tôi sang làm việc ở bộ phận nhân sự” và phụ trách khâu quản lý. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ”.
Theo ông Trần Hữu Đức – chuyên viên tư vấn nhân sự: Đây là điều mà các công ty hay áp dụng để cho nhân viên tự nhìn nhận lại mình. Nếu bạn được công ty cử đi dự các khóa đào tạo mà bạn nghĩ là xưa như quả đất hay đã được học rồi thì bạn đang bị đánh giá lại về năng lực. Còn nếu bạn thường xuyên được công ty cử đi dự các khóa đào tạo những kỹ năng mới hoặc không mấy liên quan công việc hiện tại thì bạn được đánh giá là có tiềm năng và đáng tin cậy. Rất có thể cơ hội thăng tiến nghề nghiệp đang đến với bạn.
Hạn chế những việc làm ngoài phạm vi công việc
Các công ty nước ngoài đều có những nét văn hóa riêng. Do vậy dù có hòa hợp với môi trường chung nhưng các công ty cũng có ít nhiều điều cấm kỵ hay nguyên tắc đặt ra cho nhân viên dù không quy định thành văn bản. Chính vì thế khi làm việc với người nước ngoài, có những điều cấm kỵ như nói xấu đồng nghiệp trước mặt sếp, nói “yes” mà không thực hiện được, hay than phiền những khó khăn trong công việc mà không đưa ra giải pháp thực hiện…
Ngược lại đức tính dám hỏi những gì mà mình chưa biết luôn được ngợi khen. Theo ông Dương Xuân Giao – Giám đốc Công ty NetViet: Người nước ngoài không thích trong giờ làm việc mà bạn làm việc khác. Nếu bạn luôn sẵn sàng làm tốt công việc không thuộc phạm vi của mình chỉ để bày tỏ lòng tôn trọng sếp, không khéo bạn bị kết luận là người không có năng lực, không tập trung vào công việc hiện tại.

Theo Sức Trẻ VN