Biến sở thích thành công việc

Theo các chuyên gia việc làm, thành công của rất nhiều doanh nghiệp ngày nay bắt nguồn từ việc người chủ của nó biết theo đuổi sở thích riêng. Vậy tại sao bạn phải làm những thứ mình không thích, khi có những lời khuyên như sau về nghề nghiệp?

Những lời khuyên dưới đây là của Kate Lorenz, chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn nghề nghiệp kinh doanh CareerBuilder. Kate Lorenz đã có nhiều công trình nghiên cứu, điều tra cùng nhiều bài viết và sách về các đề tài nóng bỏng hiện nay như chiến lược kinh doanh, quản lý nhân sự, xu hướng nghề nghiệp thời hiện đại…
1. Khám phá khả năng
Hãy xem xét kiểu kiếm tiền nào khiến bạn thấy hứng thú nhất. Để làm điều này, bạn có thể lật mở những trang vàng trong danh bạ điện thoại hoặc lên mạng tìm kiếm các loại ngành nghề khác nhau để tham khảo.
Hoặc bạn có thể làm ngược lại: hỏi han và tham khảo xem thị trường địa phương của bạn đang có nhu cầu gì và xem trong số các nhu cầu đó, cái nào thích hợp với tầm tay và con tim của bạn nhất.
Chẳng hạn, bạn thích nuôi chó và thi thoảng dạy chúng vài trò thú vị. Hãy bắt đầu tìm đọc các sách báo, tạp chí liên quan tới nuôi dạy chó, bảo vệ và chăm sóc chó cũng như sách về tâm lý các loài vật nuôi.
Sau khi đọc hàng loạt tư liệu như vậy, nếu bạn máu mê kinh doanh, có thể bạn sẽ tìm ra được một việc gì đó để làm trong ngành nghề liên qua tới chó.
2. Hỏi ý kiến chuyên gia
Hãy tới các văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các cơ quan tương tự ở địa phương. Ngoài việc cung cấp cho bạn nhiều thông tin thực tế, học còn cho bạn cơ hội được tham gia nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp mà qua đó bạn có thể học hỏi và làm quen dần với công việc. Và thông qua những sự kiện như vậy, đừng bỏ qua bất cứ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nào mà nhà nước đưa ra.
Bạn cũng đừng quá vội vã mà hãy dành chút thời gian tham gia một khoá học ngắn hạn về kinh doanh tại một trung tâm hay trường đại học nào đó gần nhất. Bạn cũng nên tham gia làm việc tình nguyện cho một dự án hay công trình nào đó chỉ để lấy kinh nghiệm mà không màng tới lợi nhuận ban đầu. Đó chính là dịp để bạn có những mối quan hệ và kinh nghiệm đầu tiên trong kinh doanh mà mức độ trả giá sẽ không đáng kể.
3. Tiến hành cuộc điều tra thị trường nhỏ
Hãy nói chuyện với nhiều người, từ các doanh nghiệp cho tới người dân trong phạm vi bạn ở, về những gì liên quan tới công việc bạn sắp làm.
Sẽ rất bổ ích nếu một người đang muốn khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vật nuôi dành thời gian nói chuyện với các bác sỹ thú y địa phương, những người nuôi chó và chủ các cửa hàng chó trong khu vực. Đây sẽ là những thành phần có liên quan tới sự nghiệp của bạn trong tương lai với tư cách là khách hàng, đối tác hay địch thủ.
4. Lập một kế hoạch kinh doanh đơn giản
Có hàng trăm ngàn cuốn sách có thể hướng dẫn bạn từng bước một trong việc lập một kế hoạch kinh doanh cho mình từ chỗ chưa có gì thành hình. Bất cứ bạn định khởi nghiệp trong lĩnh vực gì, không được quên bước tối cần thiết này.
Bạn phải thấy rõ được mặt trái, mặt phải và những thực tế đang xảy ra thông qua bản kế hoạch này. Nói cách khác, kế hoạch này sẽ là khung hành động của bạn trong thời gian đầu.
5. Bắt tay làm đi thôi!
Một khi đã quyết định khởi sự doanh nghiệp từ một sở thích của mình, bạn phải làm ngay lập tức. Đó là kinh nghiệm của một phụ nữ yêu thích việc cắm hoa đã làm.
Sau nhiều năm cắm hoa giúp cho bạn bè và người thân trong các dịp trọng đại, người này đã có quanh mình hàng trăm kiểu thiết kế hoa khác nhau. Một ngày nọ, cô quyết định bắt chúng phải mang lại tiền bạc cho mình thay vì chỉ những lời cảm ơn trước kia.
Nghĩ là làm, cô chất 10 kiểu hoa khác nhau lên xe và bắt đầu đi từ cửa hàng hoa này sang cửa hàng hoa khác. Cuối buổi chiều, cô đã bán hết hoa và quan trọng hơn, nhận được nhiều đơn hàng cho các ngày tiếp theo. Ngày nay, cô đang nhận thầu số lượng lớn cho các cửa hiệu hoa trong vùng và đó là sự nghiệp chính của cô.

Theo Vietnamnet/CareerBuilder, CBS