Một khi hiệu suất công việc ngày càng đi xuống, không chỉ những người quản lý mà mỗi nhân viên đều phải chịu một phần trách nhiệm dẫn hậu quả này. Đã đến lúc bạn nên nhìn lại, kiểm điểm và khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong tác phong làm việc của mình.
1. Ỷ lại qui trình làm việc một cách cứng ngắc thụ động
Đo đếm, đánh giá tác phong của nhân viên, kết quả công việc… không phải lúc nào có những chuẩn mực nhất định (mặc dù trên lý thuyết, người quản lý vẫn thường đưa ra những qui định cụ thể). Trong thực tế, để đạt được kết quả mong muốn, người quản lý và nhân viên phải biết linh hoạt và nhạy bén hơn trong công việc.
Nói cách khác, những qui định của công ty chỉ giúp thiết lập một qui trình làm việc phù hợp. Điều này không có nghĩa là tuân thủ những qui tắc này một cách cứng ngắt là bạn đã có thể làm tốt công việc và trở thành một nhân viên giỏi.
Ví dụ như, theo qui định cơ quan, bạn phải đến văn phòng vào lúc 8 giờ và thông báo cho người quản lý mỗi khi cần ra ngoài gặp gỡ khách hàng, một trường hợp đặc biệt đến với bạn, khách hàng chỉ có thể gặp bạn cũng ngay vào lúc 8 giờ, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn yêu cầu dời cuộc hẹn vì bận đến cơ quan trình diện?
Theo đó, nếu thiếu động lực làm việc và một khả năng nhạy bén linh hoạt, bạn sẽ tốn thời gian vô ích mà chẳng đạt được kết quả như mong muốn. Vì thế, cho dù mỗi ngày bạn có mặt ở cơ quan 8 tiếng thì những năng lực của bạn vẫn chưa chắc được đánh giá cao.
2. Để nước đến chân mới nhảy
Bạn cần phải chuẩn bị cho mình một thái độ và tư thế luôn sẵn sàng trong công việc. Đây là chiếc chìa khóa giúp bạn mở một trong những cánh cửa đi đến đích thành công.
Thật đáng tiếc khi mà nhiều người trong chúng ta vẫn duy trì cung cách làm việc thụ động. Mỗi khi bắt tay vào những dự án mới hoặc tham dự những cuộc họp quan trọng, họ góp mặt mà không có một ý niệm cụ thể rõ ràng trong đầu, cũng như không dành thời gian đầu tư cho kế hoạch, tìm kiếm những thông tin cần thiết.
Những người nhân viên như thế không những chẳng đạt được kết quả công việc mong muốn mà còn tạo cho đồng nghiệp và đối tác ý nghĩ họ không phải là người nghiêm túc trong công việc.
3. Bảo thủ
Mọi người trong chúng ta thường có khuynh hướng xem công việc của mình là chuyện riêng tư cá nhân và cực kỳ dị ứng với lời nhận xét của người khác, đặc biệt là những lời phê bình tiêu cực. Thậm chí, chúng ta cũng không muốn tiếp nhận những lời góp ý có tính xây dựng giúp đỡ.
Trong các cuộc thảo luận không ít người có thể là cố ý hay vô tình tự tạo một thái độ đối phó rất tiêu cực là lấp liếm hay phủ nhận những lời ý kiến không đồng tình với họ. Điều này chẳng giúp ích gì cho việc thúc đẩy và tạo không khí làm việc chung tốt hơn.
Vì thế, bạn đừng nhẫm lẫn giữa hai khái nhiệm kiên định và bảo thủ. Cũng như, bạn đừng nên nghĩ rằng tiếp nhận ý kiến của người khác là không thể giữ vững và thể hiện được lập trường cá nhân.
4. Làm việc để ghi công
Người nhân viên giỏi cần nên hiểu rõ một điều họ phải thể hiện tác phong và năng lực làm việc nghiêm túc trong suốt cả năm chứ không chỉ trong một lúc nào đó, nhất là khoảng thời gian cuối năm, thời điểm để đánh giá xếp hạng và khen thưởng nhân viên.
Thông thường, người quản lý có thể đề nghị những buổi họp thông báo kết quả đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên. Điều đó sẽ giúp bạn nhận ra và có những bước điều chỉnh kịp thời. Vì vậy, tại sao bạn không thể yêu cầu tổ chức những buổi họp như thế ngay cả khi cấp trên không đề xuất?
Cho dù ở thời điểm nào trong năm, bạn cần phải biết được mình có đang đi đúng hướng hay không? Cách xử lý và kết quả công việc có đúng yêu cầu hay chưa? Bạn có cần thay đổi điểm nào trong cung cách làm việc?
5. Sếp nói sao nghe vậy
Mọi việc sẽ thật đơn giản và dễ chịu, nếu bạn có một sếp giỏi trên mọi phương diện, nhưng rất tiếc nhân tài thì luôn không nhiều. Vì thế thỉnh thoảng, các mối quan hệ giao tiếp vì công việc giữa bạn và họ có những điều bất ổn.
Có những lúc, bạn cảm thấy bất đồng với những yêu cầu, nhận xét hoặc những lời đề nghị của cấp trên. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì có thể ông ấy /bà ấy cũng chưa nắm chắc về kế hoạch đó hoặc kỹ năng giải thích trình bày của họ không tốt.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cứ “sếp nói sao nghe vậy” thì rất dễ có khả năng bạn sẽ trở nên rối tính rối mù và không biết làm gì hoặc làm thế nào để cải thiện tình thế trong quá trình làm việc sắp tới.
Thật đơn giản, bạn có thể đề nghị những buổi họp lên phương án thực hiện công việc giúp hai bên nắm rõ vấn đề. Thảo luận trực tiếp như thế nhiều ý tuởng và giải pháp hay sẽ xuất hiện.
6. Thừa nhận những điều bất hợp lý
Một tác phong, môi trường làm việc lý tưởng là khi những cá nhân tham gia phải hiểu rõ vị trí và quyền hạn của họ. Người quản lý sẽ cố gắng tạo ra môi trường làm việc để nhân viên phát huy hiệu quả của mình, tuy nhiên có một vài người không thể thực hiện được.
Những buổi họp đánh giá công việc là những khoảng thời gian tuyệt vời để nhân viên đề nghị những giải pháp giúp họ làm việc tốt hơn, cũng như vứt bỏ những rào cản bất tiện ảnh hưởng đến công việc của mình. Bạn nên nhớ rằng sếp không thể đọc được ý nghĩ của bạn, mà bạn cần phải nói điều đó ra. Người quản lý giỏi luôn cần những nhân viên giỏi, đó là những người biết đóng góp ý kiến phát huy hiệu quả công việc.
7. Sợ thủng túi tiền
Thật đáng buồn, nhiều công ty đã hạn chế khả năng của nhân viên theo thành tích lao động, vô tình đã đặt người quản lý và nhân viên ở hai mặt đối lập nhau. Chính vì thế, bất cứ người nhân viên nào cũng nghĩ đến chuyện thu nhập và ngại ngùng đóng góp ý kiến về những cải tiến hoặc những lỗi lầm.
Bạn thử hình dung một viễn cảnh trong tương lai sẽ như thế nào nếu để những vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến quá trình làm việc, cản trở bước tiến công ty tồn tại. Bạn sẽ cùng công ty đi đến bên bờ vực thẳm hoặc bị sa thải nếu người quản lý nhận ra tác phong làm việc thiếu thiện ý của bạn.
Có thể bạn không phải là người giỏi nhất, tuy nhiên với một thái độ và tác phong làm việc tích cực sẽ giúp bạn luôn có một vị trí vững vàng trong bất cứ môi trường làm việc nào.
Theo HR Vietnam/Ezinearticle