Giai đoạn thử việc quyết định 70% khả năng được tuyển dụng chính thức của bạn. Thử việc là giai đoạn bản lề, góp phần quyết định sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người lao động. Nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng của giai đoạn này nên bỏ lỡ cơ hội làm việc của chính mình.
Thử việc tức là tìm sự thích nghi
Trường học và công sở là hai môi trường hoàn toàn khác nhau, cho nên giai đoạn thử việc chính là khoảng thời gian để sinh viên vừa tốt nghiệp hòa nhập với môi trường làm việc mới.
Đối với những người từng đi làm, doanh nghiệp (DN) cũng không bỏ qua giai đoạn này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công ty Atico, lý giải: “Có thể họ đã quen với môi trường làm việc, nhưng mỗi công ty có bản sắc riêng, đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải có sự thích nghi, hòa nhập và tạo dựng được những mối quan hệ tốt, tạo dựng được niềm tin từ lãnh đạo và đồng nghiệp”.
Theo một số chuyên viên nhân sự, đây chính là giai đoạn hữu ích cho cả NLĐ và người sử dụng lao động. NLĐ có điều kiện “tiền trạm” để có sự hiểu biết cần thiết về DN và DN cũng dễ dàng “nhận diện” NLĐ để đi đến một sự thỏa thuận hợp tác lâu dài. Qua đó, nếu không thích nghi được, NLĐ có quyền tìm kiếm một lối đi khác cho mình.
Đừng đứng núi này trông núi nọ
Trong giai đoạn thử việc, vai trò của NLĐ trong DN còn khá mờ nhạt, lương bổng và quyền lợi bị hạn chế… đó là những lý do khiến nhiều người “ngán” và nuôi tư tưởng đứng núi này trông núi nọ.
Theo bà Nguyễn Thu Giao, phụ trách nhân sự Công ty Interflour Việt Nam, đó chính là sai lầm của NLĐ, bởi vì đa số các DN đều áp dụng giai đoạn thử việc từ 1 đến 3 tháng đối với nhân sự mới. Do đó, nếu người nào không kiên nhẫn thì sẽ mãi ở… giai đoạn thử việc.
Trường hợp của Lê Trọng Huy là một ví dụ. Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh ĐH Văn Lang từ năm 2001, Huy vào làm nhân viên tiếp thị cho một công ty vi tính, một tháng sau nhảy sang làm nhân viên phân phối hàng cho một siêu thị, sau đó làm quản lý nhà hàng được 20 ngày. Cứ nghĩ tốt nghiệp QTKD là phải xách cặp đi đàm phán chuyện làm ăn, Huy thất chí sinh ra thất nghiệp nửa năm trời. Qua Hội chợ Việc làm TP vừa rồi, Huy đã có việc nhưng vẫn còn trong giai đoạn thử thách tại một công ty may.
Nhiều NLĐ quan niệm rằng, các DN chủ động kéo dài thời gian thử việc và cố tình thay đổi nhân sự liên tục trong giai đoạn này để giảm thiểu chi phí tiền lương. Tại một hội thảo về việc làm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, khẳng định: “Không có DN nào muốn quanh năm suốt tháng quanh quẩn với chuyện tuyển dụng nhân sự vì chi phí rất tốn kém. DN chú trọng khả năng thực hành của NLĐ nên thông qua giai đoạn này để kiểm chứng và đánh giá xác thực. Ai cũng cần phải qua giai đoạn thử việc”.
Nên làm gì trong giai đoạn thử việc?
Năng lực của NLĐ được phản ánh khá chính xác qua giai đoạn này, góp phần tác động đến việc DN có tuyển dụng chính thức người đó hay không. Vì vậy, NLĐ nên xem đó là cơ hội tốt nhất để “tiếp thị” mình, đồng thời phải biết cách thể hiện cho đúng. Các chuyên gia nhân sự đã đưa ra những lời khuyên bổ ích:
– Làm tốt và hết mình với công việc được giao: Điều này thể hiện khả năng chuyên môn và sự cống hiến của bạn. Có thể đôi khi bạn không hoàn thành tốt công việc, nhưng biết say mê, tận tụy với nó, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên.
– Tuân thủ kỷ cương của DN: Bên cạnh năng lực, đạo đức NLĐ cũng được DN xem trọng. Nếu không tự ý thức và ràng buộc chính mình với chính sách, nguyên tắc… của DN tức là tự đào thải mình.
– Tìm tiếng nói chung với cộng sự: Những người còn xa lạ trong công ty hôm nay sẽ là bạn đồng nghiệp của bạn trong ngày mai, cho nên phải chủ động làm quen và hòa nhập với mọi người, tạo dựng niềm tin ban đầu và không quên phối hợp, hỗ trợ với các đồng nghiệp trong những trường hợp cụ thể.
– Hãy cho biết mình là ai: Là nhân viên mới của DN, bạn hẳn sẽ có những ý tưởng mới. Không nên quá thụ động rập khuôn theo những mô thức đã có sẵn của DN và phải biết áp dụng cái mới. Cụ thể, nếu bạn biết cách lưu trữ hồ sơ bằng vi tính chẳng hạn, tại sao lại không trình bày điều đó với sếp?
Theo Người Lao Động