Không phải bạn chuyển đến một công ty mới, mà là một vị sếp mới đến công ty bạn. Đối xử với đồng nghiệp mới đã có nhiều tế nhị, cư xử với sếp mới còn khó hơn. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với sếp mới của mình.
Trung lập
Khi một chức vụ cao bị bỏ trống, có nhiều người ở công ty tin rằng họ xứng đáng được đề cử vào vị trí đó. Và khi người mới đến, họ thường tỏ ra dè bỉu, chọc ngoáy hoặc cố tình gài bẫy để người này phạm sai lầm. Tốt hơn cả, bạn đừng theo phe những người đó. Hãy luôn ở thế trung lập, làm tốt phận sự của mình và đánh giá sếp mới một cách khách quan.
Hãy tỏ ra luôn sẵn sàng là trợ thủ đắc lực cho sếp mới nhưng đừng quá hăm hở hay tỏ ý xu nịnh. Nếu bạn thật sự có năng lực, sếp mới sẽ nhanh chóng nhận ra thôi.
Chọn thời điểm tiếp cận
Trở thành người đầu tiên tiếp cận sếp mới không phải là cách gây ấn tượng tốt nhất. Trong những ngày đầu tiên, một số người sẽ vồ vập với sếp mới, dồn dập quảng cáo với sếp về khả năng trợ thủ của mình. Bạn hãy đứng ngoài, chờ khi nhóm người này chán nản với trò quảng cáo thái quá của mình, thì bạn bước vào.
Hãy cư xử nhã nhặn và tự giới thiệu bản thân một cách đúng mực. Nói rõ cho sếp biết vị trí hiện tại, năng lực, công việc hàng ngày của bạn để sếp tiện giao việc và liên lạc. Tiếp cận thẳng thắn, không màu mè, không lèo lá và đặc biệt là nên ngắn gọn để không làm mất thời gian của cả hai.
Tình nguyện làm những việc nhỏ
Khi sếp còn trong giai đoạn làm quen với công ty mới, có nhiều bỡ ngỡ, hãy dành thời gian rỗi của bạn để giúp sếp những việc nhỏ như giới thiệu những đồng nghiệp, sắp xếp chỗ làm việc, tìm thông tin,…
Khi sếp mới chuẩn bị thiết lập kế hoạch hành động, bạn hãy cho sếp biết giá trị của mình. Trợ giúp sếp bằng những việc nhỏ, rồi lớn hơn một chút, can thiệp không quá sâu vào một vài việc quan trọng, sếp dần nhận ra giá trị của bạn.
Ngoài ra, bạn nên đảm nhận những việc mà nhiều người khác không muốn làm, sếp chắc chắn sẽ hàm ơn bạn đấy. Hãy kiên trì thiết lập quan hệ để có được lòng tin của sếp.
Đừng cố tỏ ra là một người biết tuốt
Nỗ lực tạo ấn tượng tốt với sếp mới không phụ thuộc vào việc phải hiểu biết tất cả mọi lĩnh vực. Dĩ nhiên bạn muốn xuất hiện như một tài năng lớn, nhưng không phải bằng cách “ra vành ra vẻ” và phóng đại sự thật. Hơn nữa, cố tỏ ra là người biết tuốt sẽ gây ấn tượng “thùng rỗng kêu to” và gây khó chịu cho đồng nghiệp.
Đây là những câu mà bạn nên nói: “Tôi sẽ tìm hiểu thêm” hay “Tôi thấy về vấn đề này thì anh A. hiểu biết hơn tôi”, … Khi bạn không biết, hãy biết học hỏi người khác để có câu trả lời, đó là một cách để bạn bổ sung kiến thức.
Tái lập hình ảnh mới
Không phải ai cũng cần làm điều này. Nếu trước đây bạn đã là một “number One” ở công ty thì bây giờ hãy tiếp tục duy trì hình ảnh đó. Nhưng nếu trước đây bạn có mâu thuẫn với sếp cũ, bạn đã từng làm hỏng một hợp đồng, bạn đã từng bị liệt vào danh sách vô kỷ luật vì thường đi muộn về sớm, thì đây chính là cơ hội để bạn sửa sai.
Bắt đầu bằng mối quan hệ tốt đẹp với sếp mới. Hoàn thành tốt mọi công việc, luôn cố gắng hết mình và tỏ ra là một nhân viên gương mẫu. Khi đó, dù ai có nói gì đi nữa thì sếp mới vẫn tin rằng bạn quả là một nhân viên tuyệt vời.
Khi đôi bên đã thân tình, bạn có thể chân thành thú nhận rằng quả đã có lúc bạn như thế, nhưng bây giờ bạn đã thật sự muốn sửa sai. Sếp chắc chắn sẽ càng quý bạn hơn đấy.
Đón nhận vai trò của sếp mới
Dù là người mới thì sếp vẫn là cấp trên của bạn. Hãy biết giữ khoảng cách nhất định, tôn trọng sếp, cư xử đúng mực. Đừng nghĩ rằng khi là người mới, người ta sẽ không biết gì. Đừng coi thường người mới, đừng tụ tập sau lưng sếp, nhận xét và chỉ trỏ.
Theo Askmen