“Đọc” tín hiệu sa thải

Bạn cứ vô tư làm việc mà không biết điều tồi tệ gì sắp xảy ra với mình. Đùng một cái, bạn nhận được tin sét đánh: bị sa thải. Hãy biết “đọc” trước những tín hiệu để chuẩn bị trước tinh thần cho tin xấu này.

Bị đứng ngoài lề
Bạn không còn nhận được những thông tin mới mẻ, cập nhật về công ty như bao đồng nghiệp khác, dường như bạn bị mất tiếng nói trong các cuộc họp, trong những cuộc bàn bạc của tổ chức, tập thể. Thậm chí bạn không được tham gia các buổi họp quan trọng mà trước đây không hề thiếu vắng bạn.
Sếp để mắt tới bạn
Bạn cảm thấy sao hàng ngày sếp cứ hay để ý đến mình, săm soi từng lỗi nhỏ, hình như sếp không còn tin tưởng bạn nữa.
Quyết định, ý tưởng bạn đưa ra luôn bị đặt dấu hỏi, bản báo cáo của bạn bị đặt dưới kính hiển vi, và dường như bạn không có cơ hội để làm việc độc lập.
Bị đối xử “hà khắc”
Trước đây, bạn cùng tham gia bàn tán về mọi lĩnh vực: kinh doanh, xã hội… Bây giờ, đồng nghiệp cứ tránh bạn và thường kết thúc cuộc nói chuyện bắt buộc với bạn bằng những câu đùa nhạt nhẽo.
Nhận tín hiệu phản hồi không tốt
Bạn nhận được những đánh giá, xếp hạng tồi trong công việc, thiếu cân đối, không công bằng so với mọi người. Nếu bạn nhận được lời cảnh cáo hoặc “phương án nâng cao nghiệp vụ”, đã đến lúc bạn phải “khăn áo ra đi” rồi. 
Cấp trên không nhắc nhở trực tiếp
Sếp của bạn hình như chỉ còn giao tiếp với bạn bằng giấy bút thôi. Bạn nhận được những bản góp ý về những sai sót của bạn, phê bình bạn đủ điều về cách thức làm việc.
Bạn và sếp không còn hợp nhau nữa
Các giám đốc luôn miệng nói không để tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến công việc chung. Nhưng nếu bạn không còn hợp với sếp nữa thì hậu quả là không thể lường trước. Công việc của bạn sẽ bị đem ra cân đong đo đếm và giám đốc sẵn sàng sa thải những nhân viên mà họ không ưa.
Người bảo trợ ra đi
Người bảo trợ bạn, luôn ủng hộ bạn, hậu thuẫn cho bạn không còn làm ở công ty nữa. Một là bạn rất tài năng, hai là bạn phải ra đi vì “cây cổ thụ” che chở đã bị đốn ngã. 
Mắc lỗi nghiêm trọng
Vô tình bạn mắc lỗi vô cùng trầm trọng một cách công khai, làm cho sếp khó xử, lung túng và làm ảnh hưởng đến thanh danh uy tín của công ty. Lúc này, nếu bạn có được ở lại thì cũng chỉ là một kẻ ngớ ngẩn, một quân tốt đen mà thôi.
Cách mạng cải cách
Công ty của bạn sắp sửa nâng cao uy thế, cần phải tổ chức, cơ cấu lại và lãnh đạo của bạn bỗng dưng ra đi. Một bộ máy mới cũng cần có đội ngũ nhân viên mới, lúc đó số mệnh của bạn như ngàn cân treo sợi tóc.
Như cô Tấm ngồi nhặt thóc gạo
Bạn bị giao một công việc rất khó thực hiện nhưng thật sự chả quan trọng gì hoặc chẳng mang lại lợi ích gì cho công ty. Thậm chí, khi giao cho bạn cái việc “giời ơi đất hỡi” ấy, sếp cũng chả buồn nói với bạn thời hạn phải hoàn thành.
Bị tước đoạt
Bạn bị yêu cầu soạn thảo một bản báo cáo về dự án bạn đang theo đuổi, bàn giao cho người khác rồi bị đẩy sang làm một dự án vô nghĩa khác mang tên “dự án đặc biệt”. 
Nghe lời đồn thổi
Nếu bạn nghe đâu đó những lời bàn tán, đồn thổi về sự ra đi hay sự “thất sủng” của mình, đừng coi thường. Hãy nhớ tới câu “Không có lửa làm sao có khói”. 
Nếu thời gian gần đây, bạn chợt nhận thấy những tín hiệu này, hãy chủ động cải thiện tình hình, tìm nguyên nhân để khắc phục, hoặc chuẩn bị sẵn cho mình một hướng đi mới. Nếu cảm thấy bị đối xử không công bằng, tại sao không chủ động là người ra đi và khẳng định mình ở một nơi khác xứng tầm hơn?

Theo Careerbuilder