Đừng đợi đến lúc khó khăn mới làm!

Chỉ 10 doanh nghiệp trong số gần 700 công ty đã công bố báo cáo tài chính năm 2011 là có giá vốn hàng bán giảm trong khi doanh số và lãi ròng trước thuế tăng.
Công ty Tấm Lợp Vật Liệu Xây Dựng Đồng Nai (DCT) đã công bố mức tăng lợi nhuận 18% trong năm 2011 trong khi doanh thu lại giảm 8%.
Có được mức tăng lợi nhuận này là nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh. Cụ thể, tỉ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu của DCT đã giảm từ 81% năm 2010 xuống còn 71% trong năm qua. DCT là một trong những điểm sáng trên thị trường khi hàng loạt doanh nghiệp niêm yết báo lỗ do chi phí tăng cao.
Theo thống kê của NCĐT, trong khoảng gần 700 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính năm 2011, chỉ 10 doanh nghiệp có giá vốn hàng bán giảm trong khi doanh số và lãi ròng trước thuế tăng. Trong đó, có những tín hiệu đáng mừng từ các doanh nghiệp sản xuất như Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), Công ty Cổ phần Vải sợi May mặc Miền Bắc (TET). Báo cáo tài chính của IMP cho thấy tỉ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu liên tục giảm qua các năm từ 57% vào năm 2008 xuống còn 50% năm 2011. Tại TET, mức giảm còn ấn tượng hơn khi qua 4 năm giảm 32%, tức trung bình giảm 8% năm.

Giảm giá vốn: Chiến lược dài hạn
Chi phí giá vốn giảm là kết quả từ chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (AGD), chẳng hạn, đã chủ động được 80% nguyên liệu, qua đó giảm giá vốn hàng bán từ 79% xuống còn 72%. Trung bình một kg cá tự nuôi, Công ty tiết kiệm được 2.500 đồng. Để đạt được kết quả này, từ năm 2010, AGD đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích vùng tự nuôi từ 50 ha lên 120 ha. Doanh nghiệp này cũng đã mua lại nhà máy chế biến thức ăn tại Vĩnh Long với công suất 6 tấn thành phẩm/giờ nhằm cung cấp thức ăn cho vùng nuôi cá. Năm nay, AGD sẽ tiếp tục xây nhà máy chế biến phụ phẩm từ sản phẩm cá nhằm trao đổi hàng với các nhà máy cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Tại Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), việc giảm chi phí giá vốn lại là một câu chuyện khác. Từ năm 2008 đến nay, tỉ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu thuần giảm 15% chủ yếu là nhờ chi phí khấu hao giảm nhanh qua các năm và tận dụng các sáng kiến về sản xuất. Trong một cuộc trao đổi mới đây trên đài VOV, ông Lê Văn Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc DPM, cho biết trong quá trình vận hành nhà máy Đạm Phú Mỹ, Công ty thường xuyên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để hạ giá thành. DPM cũng đưa vào ứng dụng các sáng kiến của đội ngũ kỹ sư nhằm hợp lý hóa sản xuất. Năm qua, doanh nghiệp này đã thực hiện 106 sáng kiến và làm lợi khoảng 37 tỉ đồng.
Từ năm 2012, DPM chính thức phân phối sản phẩm từ Nhà máy Đạm Cà Mau, dự kiến sẽ nâng thị phần của Công ty từ 40% lên 85% thị trường phân đạm cả nước. Tuy nhiên, nhà máy mới này sẽ đẩy cao chi phí giá vốn của Công ty do những hạn chế về mặt công nghệ và tỉ lệ khấu hao cao hơn so với Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Một khoản chi phí đã khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết lao đao trong năm qua là chi phí tài chính. Chẳng hạn, Tập đoàn Thái Hòa (THV) đã báo cáo mức lỗ ròng năm 2011 lên tới 198 tỉ đồng so với mức lãi 34,8 tỉ đồng cùng kỳ. Lý do lỗ lớn, theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc THV, là chi phí tài chính tăng cao bất thường. Điều này có nguyên nhân từ việc Công ty đã phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, năm qua cũng đã ghi nhận một số doanh nghiệp có chi phí tài chính giảm mạnh so với năm 2010 nhờ sử dụng vốn vay rất ít như Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định (BMC), Công ty Cổ phần Bê tông Becamex (ACC), Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR)… Một số doanh nghiệp khác thì nhờ việc giảm đi các khoản lỗ đầu tư tài chính. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (AAM) có chi phí tài chính giảm 60%, trong đó riêng khoản lỗ đầu tư chứng khoán giảm 74%.
Rõ ràng, nhận thức được hậu quả của việc chạy đua đầu tư trái ngành, gần đây các doanh nghiệp đã dần rút ra khỏi các lĩnh vực này và tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Công ty Cổ phần Thương mại Công nghiệp Sông Đà (STP) cho biết sẽ dần rút khỏi đầu tư chứng khoán, tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã tuyên bố sẽ rút khỏi bất động sản và quay về với ngành nghề cốt lõi là thép.

Đừng xem nhẹ chi phí bán hàng và quản lý
Một khoản chi phí khác, ít được doanh nghiệp quan tâm là chi phí bán hàng và quản lý, vì thường chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí của doanh nghiệp (khoảng 2-5%). Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win-Win, cho rằng: “Thực hiện việc tiết giảm chi phí ở bộ phận quản lý và bán hàng, điều doanh nghiệp thu được không chỉ là khoản chi phí tiết kiệm được mà sâu xa hơn là xây dựng ý thức và tinh thần tiết kiệm của toàn thể nhân viên”.
Ông Việt, DPM, cũng cho biết: “Tiết giảm chi phí quản lý và bán hàng là chiến lược lâu dài của Công ty. Đây không đơn giản chỉ là phát động phong trào trong doanh nghiệp mà còn là xây dựng ý thức cho toàn thể cán bộ nhân viên”.

Theo thống kê của NCĐT, trong năm qua, chỉ có 23 doanh nghiệp niêm yết có chi phí quản lý và bán hàng giảm so với cùng kỳ năm trước mà vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Đa phần trong nhóm này là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Theo ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Tài chính Doanh nghiệp Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, tiết giảm chi phí là để tổ chức hợp lý hơn hoạt động sản xuất kinh doanh, bỏ đi các động tác thừa mà quản trị ở mỗi cấp độ phải thường xuyên quan sát, đánh giá và thực hiện. “Điều này phải được thực hiện thường xuyên trong quá trình quản trị doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh chứ không phải đợi đến lúc khó khăn mới cắt giảm”, ông nói thêm.

Theo strategy