Huyền thoại đầu cơ: George Soros

George Soros, một trong những tỷ phú nổi tiếng bậc nhất thế giới đang có mặt tại Việt Nam. Trong lĩnh vực tài chính, ông đã trở thành huyền thoại. “Khi mọi người đi đường bên tay phải, ông lặng lẽ tách khỏi mọi người để đi bên tay trái và rồi bất chợt mọi người nhận ra mình đang đi ở nước Anh” (nơi các phương tiện đi bên tay trái mới đúng luật). Đó là lời nhận xét mà tờ The Wall Street Journal giành cho nhà đầu tư vĩ đại bậc nhất thế giới George Soros.

Từ 5000 USD đến 7,2 tỷ USD
George Soros là người gốc Do Thái. Ông sinh năm 1930 ra tại Hungary. Có thể nói ông sinh ra vào thời điểm khó khăn nhất mà những người gốc Do Thái phải trải qua. Thế chiến II bùng nổ, những người gốc Do Thái bị săn đuổi dữ dội, bị thiêu rụi trong những lò thiêu người.
May mắn sống sót nhưng sau khi Thế chiến chấm dứt, kinh tế Hungary tan hoang. George Soros đã một thân một mình tìm đường di cư sang London – Anh năm1947. Tại thủ đô hoa lệ London, ông xin làm bồi bàn ở quán ăn Quaglino. Thời gian rảnh rỗi ông làm thêm nghề thu hoạch táo và sơn nhà thuê.
Tiền dành dụm sau những năm tháng khổ cực, George Soros đem tất cả để ghi danh vào Học viện kinh tế London. Có thể nói đây là thương vụ đầu tư đáng kể nhất của Soros bởi sau đó ông nổi tiếng không phải với vai trò của một nhà đầu tư mà là một nhà đầu cơ đầy nhạy cảm và quyết đoán.
Để có thể trang trải cuộc sống sinh viên, ông phải gác đêm ở một ga tàu hỏa sau giờ học. Tuy nhiên những nỗ lực của ông đã được đền đáp, Soros tốt nghiệp trường Kinh doanh London vào năm 1952.
Sau khi tốt nghiệp, George Soros làm nhân viên tại Công ty Singer & Friedlander. Công việc khá buồn tẻ và khi biết có một hãng môi giới chứng khoán có trụ sở tại thành phố New York đang khuyết một chân thử việc, ông lập tức chuyển đến Mỹ.

Tại đây, với 5.000 USD khởi nghiệp, ngày nay George Soros đã có tổng tài sản 7,2 tỷ USD, là người giàu thứ 24 trên thế giới.
Một trong những yếu tố đem lại thành công cho George Soros đó là khi chuyển đến sinh sống ở Mỹ, ông là người am hiểu rất rõ thị trường châu Âu trong khi những nhà đầu tư Mỹ thì hoàn toàn mù mịt thông tin trước thị trường đầy tiềm năng này.
Sau khi làm môi giới ở Wall Street, ông khuyên hai thân chủ của mình mua thật nhiều cổ phiếu hãng bảo hiểu Allianz bởi theo ông giá cổ phiếu của công ty này đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế.
Ông cũng thuyết phục Ban giám đốc của Allianz rằng giá của Allianz đáng nhẽ phải lớn hơn nhiều nếu công ty này biết quảng bá hình ảnh thương hiệu nhiều hơn. Quả nhiên sau đó cổ phiếu của Alllianz tăng vọt. Thương vụ đầu tiên của Soros thành công mỹ mãn.
Những chiến thắng liên tiếp khiến Soros trở nên nổi tiếng hơn. Cùng với người đồng sự là Jim Rogers, ông lập ra Quỹ Soros Quantum Fund. Lượng vốn ban đầu của 2 người là 4 triệu USD nhưng sau đó quỹ đã có lúc đạt tới tổng giá trị 12 tỷ USD.
Sau khi sát nhập Soros Quantum Fund với Quantum Emerging Growth Fund và đổi tên thành Quantum Endowment Fund, Soros nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc của Quỹ.

Một trong những bí quyết thành công của Soros đó chính là sự nghiêm túc trong công việc. Là một trong những nhân vật quyền lực và giàu có bậc nhất trong thế giới đầu tư nhưng Soros vẫn làm việc cật lực và miệt mài như những ngày tháng xa xưa khi ông đứng bồi bàn trong nhà hàng ở London. Những người cộng sự nói ông chỉ chủ 2 giờ mỗi đêm.
Ông miệt mài thu thập các thông tin, tỉ mỉ phân tích, xét đoán thị trường rồi ra quyết định mua bán. Quỹ Quantum Endowment Fund luôn được coi là một trong những quỹ đầu tư thành công và uy tín số một. Đó cũng là quỹ đầu tư hùng mạnh bậc nhất trên thế giới hiện nay.

Nhà đầu cơ số 1
Nếu ai đó ghét từ “đầu cơ” thì George Soros được coi là một trong những nhà đầu cơ quyền lực và thành công bậc nhất. Một trong những thương vụ nổi tiếng của Soros là vụ đầu cơ vào đồng bảng Anh.
Năm 1992, sau khi nhận định về tiên đoán về sự biến chuyển của thị trường tiền tệ thế giới, Sorros đã dùng toàn bộ gia sản và thậm chí còn vay hàng tỷ Bảng Anh đem mua đồng Mac Đức. Chỉ sau đó 1 tuần, đồng bảng Anh rớt giá thảm hại do không đủ điều kiện gia nhập đồng Euro.
Khi đó ông đổi tiền Mac Đức về Bảng Anh rồi trả nợ, số tiền thu lợi được từ thương vụ để đời này của Soros là 1 tỷ dollar. Sau vụ việc này người ta đặt cho Soros danh hiệu: “Kẻ khuynh đảo giá trị đồng tiền”.
Sau những thương vụ “buôn tiền” thành công của mình, dường như nhận định trên càng trở nên xác đáng khi hiện nay đứng sau Soros là cả phố Wall, thị trường chứng khoán London và hàng loạt những tổ chức tài chính khác sẵn sàng nhắm mắt đầu tư theo Soros bởi uy tín và sức ảnh hưởng của ông.
Có thể nói quan điểm đầu tư của Soros hoàn toàn trái ngược với cây đại thụ đầu tư khác là Warren Buffet. Nếu như Buffet nổi tiếng với hai nguyên tắc “1.Không để mất tiền; 2.Không quên nguyên tắc 1” thì Soros sẵn sáng mạo hiểm. Chính bởi sự mạo hiểm đó mà Soros đã nhiều lần chịu những tổn thất tài chính không nhỏ.
Tháng 10/1987, khi mọi người nghi ngại trước sự tăng trưởng bong bóng cả thị trường chứng khoán Mỹ thì George Soros vẫn đẩy mạnh đầu tư. Và sau đó sự kiện “Ngày thứ hai đen tối” nổ ra. Chỉ số Dow Jones đã giảm kỷ lục 508 điểm, tức 22,61% chỉ trong một ngày. Sự kiện đó khiến George Soros cũng bị thiệt hại 300 triệu USD.
Thương vụ sau còn đau đớn hơn nhiều. Năm 1999, Soros tiên đoán những công ty Công nghệ thông tin sẽ suy sụp và bán toàn bộ cổ phiếu của những công ty này ra công chúng.

Tuy nhiên thị trường Công nghệ thông tin vẫn làm ăn phát đạt và giá cổ phiếu vẫn tăng. Soros chịu tổn thất 700 triệu USD do bán sớm cổ phiếu. Sau đó nghĩ rằng mình sai lầm, ông bỏ tiền ra mua lại những cổ phiếu Công nghệ thông tin với mức giá cao mà không biết rằng mình đang phạm sai lầm kế tiếp.
Năm 2000, chỉ số chứng khoán công nghệ NASDAQ cuối cùng đã rớt thê thảm kéo theo gần 3 tỷ USD tiền đầu tư của George Soros.

Sau thương vụ để đời này George Soros quyết định “rửa tay gác kiếm”, nói lời giã biệt với những biến động không ngừng và khắc nghiệt của phố Wall.
Tuy có vấp váp thất bại nhưng có thể nói những thương vụ thành công của Soros đã tạo ra những khoản tài chính dồi dào đủ lấp đầy nhiều lần lỗ hồng tài chính của những lần thất bại. Vậy nên ông vẫn rất trung thành với quan điểm đầu tư của mình: “Bạn có thể quyết định đúng hay sai. Điều đó không quan trọng. Quan trọng nhất là bao nhiêu tiền sẽ được và mất từ những quyết định đó”.
Cách làm của Soros có thể được coi là phương thức đầu tư của một người theo trường phái phân tích kỹ thuật (tecknical analysis) điển hình: “Thị trường tiền tệ phụ thuộc vào người mua và người bán. Và họ thường hành động theo cảm tính”.

George Soros cố gắng hiểu được hướng đi của số đông nhưng ông cũng biết tạo ra những hướng đi riêng và rồi kéo mọi người đi theo.
Lọc lõi và ranh ma trên thương trường nhưng trong đời sống, George Soros luôn được mọi người kính trọng bởi những hoạt động từ thiện và những đóng góp to lớn của ông vì một xã hội tốt đẹp hơn. Ông đáng kể là nhà đầu cơ vĩ đại bậc nhất thế giới.

Theo Hoàng Tùng