Bản báo cáo vừa công bố của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) với tiêu đề “Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn của doanh nghiệp (DN) hàng đầu” cho rằng năm 2012 là một năm kinh doanh kém hơn năm 2011. Có tới 50% lãnh đạo các DN V1000 nhận định tình hình hoạt động của DN họ xấu hơn so với năm 2011. Chỉ có 19% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2012 tốt hơn so với năm 2011.
Ngoài sự bi quan về triển vọng kinh tế, các DN còn lo ngại về bất ổn trong môi trường kinh doanh, sự suy giảm về cầu tiêu dùng trên thị trường giá và nguyên vật liệu tăng. Ngoài ra, các DN cũng bày tỏ mối lo ngại về sự biến động trong chính sách quản lý cũng như sự khó khăn trong việc huy động vốn trong năm 2013.
Vào lúc tăng trưởng dự trù cho năm 2012 chỉ còn là 5,2%, mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay, Ngân hàng Nhà nước lại quyết định giảm lãi suất chỉ đạo lần thứ sáu trong năm nay. Lãi suất tái cấp vốn từ 10% mỗi năm sẽ chỉ còn là 9%/năm, trong lúc lãi suất tái chiết khấu từ 8% được cắt bớt còn 7%.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng cũng giảm từ 11% xuống 10%. Giải thích về quyết định của mình, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Sản xuất và kinh doanh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua thấp của thị trường, hàng tồn kho lại cao và nguồn vốn lại hạn hẹp, làm các DN bị mất khả năng”. Đây có lẽ là một tín hiệu vui giúp DN bước vào những ngày đầu năm 2013 với một tâm trạng lạc quan hơn.
Tuy nhiên, hiện thu ngân sách năm 2012 không đạt kế hoạch đề ra nên rất khó có chuyện Nhà nước tung tiền hỗ trợ DN, vì thế các DN sẽ phải tiếp tục tự lo cho mình. Do đó, với những khó khăn phía trước, DN vẫn phải tiếp tục tự tái cấu trúc, cắt lỗ, giảm chi phí hoặc thậm chí là định hướng lại kinh doanh… mới có thể xoay xở và tồn tại được.
Biết khó là phải tự cứu lấy mình nhưng từ thực tiễn của mình, giới kinh doanh và đầu tư trong và ngoài nước vẫn kiên trì gửi những kiến nghị của mình tới các nhà làm chính sách, và cũng tự coi đó là những hy vọng mà họ mong muốn sẽ thành hiện thực trong năm 2013 này.
Ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty Vissan: Mong mặt bằng đời sống tăng trưởng tốt
Những bất cập của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nhất là việc dòng tiền đang chôn trong các dự án bất động sản, đã kéo theo hệ lụy là thu nhập lẫn đời sống chung của cả xã hội giảm. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi thu nhập người dân giảm xuống dẫn đến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, hàng hóa không được lưu thông và vì vậy mà DN sản xuất lâm vào thế khó.
Trong bối cảnh này, DN không thể tự thân vận động mà cần hỗ trợ từ nhiều phía. Tuy nhiên, trong năm 2013, DN khối sản xuất chỉ mong chính sách từ phía Nhà nước tác động để tổng cầu phát triển. Muốn tổng cầu phát triển thì trước nhất là đời sống của người nông dân, người chăn nuôi, người công nhân… phải được nâng cao, nhất là tăng mức thu nhập.
Để làm được điều này, Chính phủ cần tháo khóa cho bất động sản, tham gia gỡ nợ xấu cho DN bất động sản, nhưng không phải dành cơ hội cho những nhà đầu tư tham gia thị trường để kiếm lợi mà tìm đúng nơi có khả năng đáp ứng nhu cầu bất động sản thực sự. Mặt khác, DN sở hữu những tài sản có giá đang bị mắc kẹt trong những thế chấp của ngân hàng.
Lãi suất huy động lên đến 12% và tín dụng không chảy vào sản xuất. Do vậy, Chính phủ cũng cần tạo một chu kỳ sản xuất mới, tái cấu trúc nợ cho DN để DN có thể tiến hành sản xuất mới. Tất nhiên, cũng cần đồng bộ hóa tất cả các giải pháp để nền kinh tế có thể sớm hồi phục, tạo điều kiện cho tổng cầu phát triển.
Bên cạnh đó, DN khối chế biến thực phẩm còn có một mong mỏi riêng. Đó là sản xuất tiến đến việc truy xuất được nguồn gốc để khép kín được quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, loại thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường cho người dùng an tâm hơn với bữa ăn của mình.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty CP Đồng Tâm (DTG): Kỳ vọng lãi suất giảm thêm
Năm 2012, mặc dù lãi suất ngân hàng đã được giảm trong thời gian vừa qua nhưng hầu hết các DN vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn mà nguyên nhân chính là không đáp ứng được điều kiện cho vay do ngân hàng đặt ra. Với mức lãi suất DN phải “gánh” trong thời gian qua, thành quả tích góp hơn 4 năm qua của DN coi như mất trắng.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong quá trình tiếp cận vốn của DN còn quá rườm rà, DN thiệt hại nhiều khâu dẫn đến giá thành cao, thị trường thu hẹp, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình đốn. Do vậy, kỳ vọng của DN trong năm 2013 là ngân hàng cần “kích cầu” hợp lý, đúng địa chỉ.
Chỉ khi được Chính phủ hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi trong trung và dài hạn, các DN mới có điều kiện nhập khẩu máy móc, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng thành phẩm. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài mong muốn được đáp ứng các khoản cho vay mới với lãi suất hợp lý, nhiều DN còn mong muốn trong năm 2013 tới, ngành ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ cũ, giảm lãi suất các khoản vay này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động cơ cấu lại bộ máy, thúc đẩy hoạt động sản xuất để nhanh chóng vượt qua khó khăn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Ông Phạm Văn Hùng, PGĐ Công ty Ba Huân: Mong nhận thức về thực phẩm sạch từ phía người tiêu dùng tăng
Kinh tế khó khăn nhưng khó khăn này là của chung cả thị trường. Tuy nhiên, vừa khó khăn, DN lại vừa đối mặt với cơ chế cạnh tranh gay gắt từ phía các DN nước ngoài do cơ chế hội nhập, mở cửa thì khó càng thêm khó.
Mặc dù vậy, nhìn vào mặt bằng chung vẫn thấy rằng, khả năng sản xuất, kiểm soát chất lượng… của DN Việt Nam vẫn đang tốt, đủ khả năng để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. DN Việt cũng đang nỗ lực trang bị thế mạnh để có thể vững vàng trong những thử thách của năm mới. Phía Ba Huân cũng không nằm ngoài guồng quay này.
Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy chăn nuôi gia cầm công nghệ cao của mình. Đây là trại gà ứng dụng công nghệ chăn nuôi từ Mỹ, khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ cung cấp thức ăn, thu gom thức ăn thừa, thu trứng, dọn phân…
Đây không chỉ là cố gắng của riêng Ba Huân. Các DN sản xuất, chế biến thực phẩm trong nước cũng đang tiến đến chuẩn hóa và sạch hóa chuỗi sản xuất của mình để có thể đưa ra thị trường sản phẩm tốt và cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu đang tràn lan trên thị trường.
Để không hoài phí cố gắng của DN trong nước và tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển bền vững, chúng tôi mong có chính sách thông tin tốt cho người dùng biết và trân trọng thực phẩm sạch hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần góp tay với DN, xây dựng và củng cố hệ thống phân phối hàng hóa tốt hơn để người dùng dễ tiếp cận hàng Việt.
Nhà nước có thể liên kết các hệ thống phân phối lại với nhau để giảm được các chi phí phát sinh trong quá trình phân phối. Đồng thời, khi sức mua tăng cao thì giá thành sản xuất cũng sẽ giảm, DN đỡ phải đối mặt với các chi phí vượt quá, sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, TGĐ Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận – Maseco: Chính sách cần thiết thực
Năm 2013 được nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán còn nhiều khó khăn, thách thức đối với DN. Do vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, có những động thái thiết thực để hỗ trợ DN bước qua giai đoạn khó khăn.
Cụ thể như giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20%, giảm thuế VAT từ 10% xuống 7%, giảm lãi suất ngân hàng, đồng thời bơm tiền để người dân mua nhà ở, vừa cứu thị trường bất động sản… như Chính phủ vừa có Nghị quyết sau khi làm việc với lãnh đạo chính quyền và DN ở TP.HCM và thủ đô Hà Nội vừa qua là những việc làm thiết thực và rất đáng hoan nghênh.
Ngoài ra, cần phải sửa đổi hành lang pháp lý cho chặt chẽ tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh phát triển ổn định, nâng cao đời sống người dân, làm cho cuộc sống của người lao động ngày một tốt hơn, cuộc sống vật chất, tinh thần không chỉ được cải thiện mà còn được nâng cao.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có sự chuyển biến tích cực từ thị trường để tạo chuyển biến xã hội, cuộc sống người dân ngày càng tiến bộ thì nhu cầu sử dụng hàng hóa mới tăng lên, DN mới bán được hàng.
Ông Phạm Xuân Hồng, TGĐ Công ty CP May Sài Gòn 3: Chưa thể dự báo các chi phí liên quan
Viễn cảnh thị trường 2013 đối với ngành dệt may được các DN kỳ vọng sẽ tốt hơn so với năm 2012. Điều này được căn cứ vào hai yếu tố: Thứ nhất, tình trạng hàng tồn kho vào dịp cuối năm đã dần được cải thiện, nhiều DN trong ngành cũng đã có đơn hàng đến hết quý I/2013. Ngay như Sài Gòn 3 cũng đã có đơn hàng đến quý II/2013.
Thứ hai, thị trường đang bắt đầu có sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước lân cận, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam. Mỹ và Nhật vẫn là hai thị trường đang được không ít các DN trong ngành tập trung chú trọng xúc tiến.
Song, ở thị trường nội địa, các DN vẫn không dám mở rộng mà phần đông vẫn tập trung xuất khẩu là chính. Vì thế, yếu tố chi phí đến nay vẫn luôn là nỗi lo của các DN.
Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở nào để dự báo các chi phí liên quan như lương, phí bảo hiểm xã hội, xăng, dầu, điện, nguyên vật liệu… sẽ không tăng trong thời gian tới. Do đó, điều mà các DN có đông nhân công, trong đó có ngành dệt may, luôn kỳ vọng là một chính sách ổn định.
Cụ thể, Chính phủ nên tạo điều kiện cũng như xem xét lại việc ban hành các mức phí, thuế, chính sách lương… để không chỉ hợp lý với người lao động mà ngay chính nhà điều hành DN cũng có điều kiện để chăm lo cho cán bộ, công nhân viên của DN được tốt hơn trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Điền, TGĐ Công ty May Thêu Đan giày An Phước: Giãn thuế để doanh nghiệp dễ thở
Theo dự đoán, năm 2013 sẽ còn khó khăn hơn nhiều nên chúng tôi mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN, kích cầu tiêu dùng. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng chính sách ngân hàng ổn định, đặc biệt là lãi suất giảm hơn nữa đồng thời với các quy định về hạn mức tín dụng nên giữ nguyên như trước để tạo điều kiện cho DN phát triển. Thêm vào đó, Chính phủ nên có thêm những chính sách giảm thuế, giãn thuế để DN “dễ thở” hơn.
Thách thức trước mắt là trong tháng 1, DN sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu cho cán bộ, công nhân viên. Đây là áp lực rất lớn vì chi phí đầu vào quá nhiều. Dẫu biết sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện nay, các ngân hàng đang muốn thu hồi vốn, đang sáp nhập, chúng tôi không thể phát triển hàng ngang được mà phải cơ cấu lại, xem xét lại mọi hoạt động của công ty, từ tổ chức, con người, nhà xưởng, hỗ trợ thêm công nghệ thông tin, quản trị rủi ro tốt hơn…
Trong điều kiện này, một mặt chúng tôi củng cố thị trường nội địa, mặt khác tìm thị trường mới. Ngoài thị trường Nhật, Đức, An Phước sẽ phát triển thị trường Myanmar.
Ông Don Lâm – TGĐ Tập đoàn VinaCapital: Có khả năng quý II/2013, kinh tế sẽ phục hồi!
Không ít DN Việt Nam đang gặp khó khăn do chịu chi phí lãi cao với lãi suất 12 – 13%/năm, trong khi DN Thái Lan, Malaysia… chỉ vay với mức 5-6%/năm. Điều này khiến DN Việt Nam rất khó để cạnh tranh, mà DN khó thì những quỹ đầu tư như chúng tôi, người đầu tư vào các DN cũng không dễ dàng.
Do đó, trong năm 2013, kinh tế vĩ mô phải ổn định và lãi suất phải giảm xuống thì DN Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh. Về phía bản thân các DN, hai năm nay họ cũng đã thay đổi tư duy khá nhiều, họ bắt đầu quản lý chặt chẽ hơn vấn đề tài chính, quy trình hoạt động… và cũng không đầu tư ngoài ngành hay dàn trải như trước đây.
Vì vậy, tôi tin rằng, DN nào “sống” được qua giai đoạn khó khăn này thì sẽ phát triển lớn mạnh trong tương lai. Nhìn chung, do Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập nên không phụ thuộc quá nhiều bởi những chuyển biến của tình hình kinh tế thế giới nên chủ yếu là vấn đề điều hành tốt kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nếu chính sách đưa ra hợp lý trong quý I/2013 thì có khả năng đến cuối quý II, nền kinh tế sẽ phục hồi, ngược lại phải đến quý III.
Ông Andreas Klingler, TGĐ Công ty TNHH Xe Hơi Thể Thao Uy Tín: Chính phủ cần hành động!
Tình hình khủng hoảng kinh tế đã tác động đến thị trường ô tô. Ở phân khúc xe nhập khẩu, chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng, dù là ít hơn các phân khúc khác. Trong bối cảnh hiện nay, dù người mua xe Porsche đa phần là những người có nhiều tiền nhưng họ cũng không thể đưa ra quyết định mua xe ngay.
Có người đang đổ tiền vào bất động sản và đang bị kẹt vốn trong đó nên phải chờ. Có người mua xe phải vay ngân hàng, trong khi lãi suất ngân hàng hiện nay cũng không thấp, khoảng 14%/năm. Có người mua xe dưới danh nghĩa công ty nhưng trong lúc khó khăn, họ không thể rút tiền công ty ra để đi mua xe.
Thị trường ô tô bị tác động bởi sự lên, xuống của nền kinh tế. Trong năm 2013 tới, chúng tôi chỉ kỳ vọng thị trường sẽ như năm 2012, tức chỉ cần không giảm thấp hơn đã là tốt. Điều quan trọng là, theo tôi, Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ phải có động thái để cải thiện thị trường ô tô đang bị cho là xấu đi trong năm mới.
Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ hành động và thị trường ô tô sẽ tốt hơn, nhất là khi cột mốc năm 2015 đang đến gần. Lúc ấy, thị trường ô tô sẽ mở cửa rộng hơn. Điều này sẽ kích thích thị trường ô tô Việt Nam vốn nhiều tiềm năng.
Ông Masayuki Igarashi, TGĐ Honda Việt Nam: Cần nhiều hỗ trợ về hạ tầng, kỹ thuật
Do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, năm 2013 được dự báo sẽ là năm hết sức khó khăn với DN sản xuất ô tô, xe máy, trong đó có Honda. Không khí ảm đạm trên thị trường ô tô, xe máy thời gian vừa qua được dự đoán trước do hàng loạt thay đổi về chính sách cũng như thị trường tài chính thắt chặt khiến cho các khách hàng kinh doanh cũng như tiêu dùng ô tô, xe máy khó tiếp cận hơn với vốn vay từ các ngân hàng…
Trong hoàn cảnh đó, Honda mới đây đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo của Bộ Công Thương để nói về thị trường năm 2013 và những vấn đề liên quan đến sự khó khăn của ngành công nghiệp sản xuất xe (chủ yếu là ô tô). Lý do vì hiện tại Honda đang gặp khó khăn cả xe máy lẫn ô tô, nếu không được sự hỗ trợ từ chính quyền, Honda sẽ khó duy trì và tồn tại ở Việt Nam.
Cụ thể, năm 2013 Honda sẽ tiếp tục phát triển các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp phụ tùng, Honda cũng cam kết sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng cao. Đổi lại, Honda kỳ vọng sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và các biện pháp kỹ thuật từ phía Chính phủ Việt Nam trong những năm tới.
Dự kiến trong năm tới, Honda sẽ thực hiện chiến lược tập trung xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, những sản phẩm được ưa chuộng tại Việt Nam như xe máy (thành phẩm lẫn linh kiện phụ tùng) nhằm thúc đẩy thị trường cũng như cải thiện môi trường kinh doanh trong năm tới.
Theo strategy