Vượt qua bất đồng để tạo dựng giá trị

Làm thế nào để tối đa hoá khả năng hợp tác thành công của các công ty khi họ liên kết với nhau?
Chuyên gia Tom Herd từ Trung tâm tư vấn chiến lược Accenture đã đưa ra những giải pháp giúp các liên danh có thể vượt qua những thách thức trong quá trình hợp nhất cũng như những khó khăn về mặt quản lý mà họ có thể gặp phải.
Mặc dù rất nhiều thương vụ liên doanh thành công nhưng nhiều chuyên gia tin rằng việc làm hài lòng các cổ đông của một công ty liên doanh thường khó hơn nhiều ở một công ty được mua bán và sáp nhập thuần túy. Trong khi các phân tích của Accenture cho thấy lợi ích của cổ đông sau sáp nhập công ty bị giảm trong 50% thời gian thì con số này ở các liên doanh và các hình thức liên minh khác lên tới 75% thời gian.
Các công ty liên doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc liên kết với nhau, những thử thách trong quản lý giữa các đối tác trong một liên minh, tất cả khiến cho việc kiểm soát càng trở nên khó khăn.
Theo nghiên cứu do Accenture tiến hành năm 2009 thì đa số các công ty tham gia vào liên doanh cho rằng những dự án quá tham vọng cùng việc thiếu gắn kết giữa các đối tác cơ bản là hai nguyên nhân chính dẫn đến liên minh thất bại. Các giám đốc cấp cao cho rằng việc thiếu lòng tin, những quan niệm chia rẽ bè phái tiêu cực hay mối nghi ngờ về việc lợi nhuận bất bình đẳng và việc thiếu sự đối thoại giữa các bên là những dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy mối quan hệ giữa các liên minh đang có vấn đề. 
Dưới đây là một vài cách thức nhằm tăng khả năng thành công của các liên doanh, đồng thời tạo ra những giá trị chung mà các bên cùng chia sẻ:

1. Đảm bảo rằng các mục tiêu và các chiến lược rút khỏi thị trường của công ty bạn cũng thống nhất với đối tác.
Việc công khai chia sẻ những mục tiêu chiến lược và những giải pháp khi rút khỏi liên minh là điều hết sức cần thiết, cần được các bên tôn trọng và cần xem xét lại thường xuyên trong suốt quá trình liên doanh. Sau 25 năm liên kết General Motors và Toyota đã chính thức tan rã nhưng bản hợp đồng này lại thu về những thắng lợi đáng kể cho cả hai bên. Một liên minh mang tính đột phá như thế này cho thấy hai đối thủ cạnh tranh khốc liệt lại có thể hợp tác thành công. GM mong muốn tiếp xúc với kỹ thuật sản xuất của Toyota trong khi nhà sản xuất ô tô Nhật
Bản mong muốn các mẫu xe của mình được công nhận trên thị trường Mỹ. Cả hai mục tiêu này đều tương thích với nhau, không gây ra xung đột cho bất cứ bên nào.

2. Xác định rõ người sở hữu và đưa ra quyết định chủ chốt
Mặc dù cấu trúc liên doanh sở hữu tương đương 50 – 50 có thể khiến đối tác đồng thuận dễ dàng hơn, thì chúng lại khiến quá trình quyết định mất nhiều thời gian hơn, và dễ xảy ra bất đồng lợi ích hơn. Mô hình sở hữu 51/49 mà nhiều liên doanh sử dụng tại châu Á và Âu là cách để một tập đoàn tên tuổi tìm hiểu thị trường mới, nhu cầu khách hàng địa phương trong khi vẫn kiểm soát được nhãn hiệu, tài sản của mình được sử dụng như thế nào.

3. Cân bằng rủi ro
Mỗi liên doanh cần đề ra một cấu trúc quản trị cân bằng mục tiêu với rủi ro. Các công ty mẹ cần xác định rõ và dự đoán liên doanh có thể bị lạm dụng như thế nào, siết chặt các biện pháp quản lý và xử phạt để tránh tình huống xấu đó. Việc tiến hành phân tích các kịch bản có thể xảy ra hoặc tìm kiếm một cá nhân khách quan để quản lý rủi ro và giám sát quá trình liên doanh vận hành, tất cả đều là cách tốt để giảm thiểu rủi ro.

4. Xây dựng mối quan hệ dựa trên lòng tin
Không có cấu trúc quản trị nào có thể chống chọi được với mọi rủi ro có thể xảy ra hay những bất đồng về mục tiêu hay cam kết chung. Hơn thế nữa, bởi những quá trình hoạch định chiến lược như phân bố vốn có thể gây ra căng thẳng giữa các bên, những chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cần phải có những buổi thảo luận bên ngoài ban quản trị để nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các công ty mẹ. Họ cũng cần lập ra một ban đại diện những người trực tiếp tham gia vào quá trình hợp tác này để giúp thắt chặt sợi dây liên kết với các công ty bằng những mục tiêu dài hạn và có tầm nhìn.
Mặc dù, việc hợp tác và liên kết đem lại những cơ hội mới nhưng mọi công ty tiềm năng cần hiểu rằng liên doanh thường không dễ quản lý và vận hành. Cách tốt nhất là họ phải lựa chọn đối tác một cách sáng suốt, duy trì mối quan hệ tốt cả trong và ngoài ban quản trị. Những cách thức này có thể không đảm bảo sự thành công của một liên doanh nhưng nó tạo ra nền tảng vững chắc cho những dự án hợp tác sau này.

Theo khoinghiep