Khởi nghiệp từ dao cạo râu

Vào thập niên 90, thị trường phần mềm kế toán, quản lý doanh nghiệp còn rời rạc, manh mún, Baland (FPT) và Scitic (tiền thân của Lạc Việt) là khái niệm đầu tiên về phần mềm kế toán ở thị trường miền Bắc. Còn lại, phần lớn cá nhân, DN viết phần mềm chỉ nhằm phục vụ cho chính công việc của mình. 
Lúc đó, chàng thanh niên Hồ Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm Effect có lượng khách hàng lên đến 4000 DN hiện nay, đã kinh qua không ít công việc trước khi góp được tiếng nói riêng cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam lúc bấy giờ. 
Anh Hồ Ngọc Thành sinh ra trong một gia đình công chức ở Thị Cầu, Bắc Ninh, sau đó chuyển nhà lên Hà Nội. Năm 13 tuổi, bố anh mất và để lại cho mẹ nuôi hai anh em. Là anh cả trong nhà, anh Thành thấu hiểu hơn hết sự nghèo khó và nỗi vất vả của mẹ, ngay từ bé suy nghĩ kiếm tiền giúp mẹ đã nhen nhóm trong đầu cậu học trò nhỏ.
Tốt nghiệp khoa Vật giá (nay là khoa Marketing) của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, anh Thành tiếp tục thi vào khoa Tin học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội với suy nghĩ “kết hợp hai thứ công việc sẽ tốt hơn”, không nghĩ phần mềm sau này lại là công việc chính và động lực giúp anh phát triển.
Năm 1994, anh Thành đi làm cho một công ty tổng đài viễn thông của người anh họ, ứng dụng luôn những kiến thức tin học đã thu lượm được. Tuy nhiên, công việc lập trình thời bấy giờ còn đơn giản khiến anh cảm thấy có phần buồn tẻ, mặc dù anh thú nhận cũng học hỏi được nhiều điều.

Khởi nghiệp từ dao cạo râu
Có thể nói, sự nghiệp kinh doanh của anh Thành phát triển từ chính các mối quan hệ thân cận. Một lần, bên Gillette Duracell mời DN bạn anh Thành phân phối sản phẩm vào thị trường Việt Nam. Mới nghe nói, anh Thành nghĩ: “Dao cạo râu thì có gì mà bán!”. Hồi đó, dao cạo râu chỉ có Croma là phổ biến, anh Thành không hiểu tại sao Gillette lại bán được.
Tình cờ, anh Thành đọc được cuốn ‘Marketing management’ của Philip Kotler (cha đẻ của marketing) bằng tiếng Anh. Trong sách, tác giả có lấy ví dụ về Gillette, anh mới biết đây là công ty nổi tiếng và bắt đầu hứng thú với phi vụ kinh doanh đầu tiên. 
Anh Thành thôi làm công ăn lương và rủ thêm vài người bạn lập ra công ty Ngọc Linh. Khi vào làm, anh được biết sản phẩm của Gillette vô cùng đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Hơn thế, anh được đào tạo bài bản bởi những người bán hàng giỏi của công ty. 
Sau khi công việc phân phối Gillette đã đi vào ổn định, Ngọc Linh tiếp tục mở rộng cung cấp một số mặt hàng thiết bị khác. Năm 1996, công ty mở thêm một siêu thị nhỏ. Làm việc vất vả, doanh số lớn, nhưng không hiểu tiền cứ đi đâu hết. Nguyên nhân nằm ở khâu hạch toán kế toán và quản lý tiền yếu kém. Anh quyết định đi tìm phần mềm thích hợp để làm kế toán. Khi tìm kiếm, anh Thành phát hiện một người viết phần mềm rất hay, đặc biệt là khả năng linh hoạt. Tuy nhiên, anh này lại mở công ty kinh doanh phần cứng vì lĩnh vực này vào những năm 1994-1996 bán rất chạy, thu lãi lớn.
Và ý tưởng kinh doanh phần mềm lóe lên trong đầu anh. Nhờ kỹ năng kinh doanh đã được rèn giũa ở Gillette, cộng với kiến thức tin học và ‘máu’ làm kinh doanh thị trường, trung tâm phần mềm Effect trực thuộc công ty Ngọc Linh được lập ra. 
Ngọc Linh rót toàn bộ tiền công ty vào trung tâm, còn người bạn kia chuyên tâm phát triển phần mềm. Mất vài năm đầu làm ăn thua lỗ, bởi nhiều người chưa nhận thức được những tiện ích mà phần mềm đem lại, bắt đầu từ năm 1997, Effect cùng với Fast song song phát triển và trở thành sản phẩm chính trên thị trường.

Đáp ứng những ca khó của DN
Năm 2008, công ty Effect ra đời. Đến nay, DN này đã có khoảng 4000 khách hàng trên toàn quốc, trong đó nhiều tập đoàn lớn có nhu cầu quản trị cao như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Công ty Cơ khí Sơn Hà, Công ty Nhựa Đông Á, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đòi hỏi tính toán giá thành phức tạp đến những khách hàng kỹ tính của Nhật như Công ty TNHH Phụ tùng xe máy – ô tô Machino. Công ty Effect cũng vinh dự nhận nhiều giải thưởng như Sao Khuê, 100 DN tiêu biểu của Bộ Công thương, Biz Cup,…
Năm 2011, thời điểm nhiều DN bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, công ty Effect lại có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, đến năm 2012, anh Thành bắt đầu nhận thấy sự ảnh hưởng: doanh số giảm sút do khách hàng hạn chế đầu tư.
Song, với quan điểm “Được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”, anh Thành thực hiện chính sách tiết kiệm, không đầu tư dàn trải để tránh bị ảnh hưởng kép. 
Tham vọng của anh là xây dựng công ty trường tồn nhằm giúp đỡ cán bộ công nhân viên, thứ nữa là cung cấp sản phẩm tốt nhất ra thị trường với chi phí hợp lý nhất. 
Trải qua khó khăn và sự nỗ lực từ hai bàn tay trắng, anh Thành nhận thấy những mục tiêu cá nhân của mình đều đã hoàn thành. Trong công việc, anh luôn cố gắng để tạo ra những sản phẩm tốt nhất và coi lợi nhuận là vấn đề đi sau. 
Anh chia sẻ: “Cái được lớn nhất là sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Vì vậy, mình muốn nhân viên phải hài hòa giữa bản thân và gia đình, rồi mới đến công ty. Mình không thể bắt nhân viên lăn xả vì công ty khi họ chưa giải quyết tốt vấn đề của cá nhân. Mình muốn chậm mà chắc, chứ không muốn cái gì ăn xổi”.

Theo marketingchienluoc