Nếu bạn đang cùng với người thân, họ hàng mở công ty, hãy làm theo những lời khuyên sau để có thể dung hòa các mối quan hệ và gặt hái được nhiều thành công.
Rachel Shelasky, 33 tuổi, là chủ tịch của công ty gia đình Hollywood Fourth, một công ty thiết kế, may đo quần áo ở New York (Mỹ) do kỵ cô thành lập năm 1907. Cô đứng ra quản lý công ty cùng với cha mình là Edward. Shelasky là người duy nhất muốn kế tục công việc kinh doanh của gia đình còn các anh chị em của cô đều chọn theo đuổi sự nghiệp riêng của họ.
Theo nhà tư vấn Karen Calcango (San Francisco), công ty gia đình có lợi thế là kinh nghiệm được lưu giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này cũng gặp phải những vướng mắc rất đặc trưng, đó là khó phân định đúng nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm cũng như tách bạch giữa tình cảm và công việc. Các quyết định sai lầm cũng từ đây mà ra.
Nếu bạn đang cùng với người thân, họ hàng mở công ty, hãy làm theo những lời khuyên sau để có thể dung hòa các mối quan hệ và gặt hái được nhiều thành công.
1. Tận dụng lợi thế của từng thành viên: theo Calcango, việc phân định rõ ràng nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một công ty gia đình. “Với công ty gia đình, tôn ti, trật tự là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết bởi cùng một lúc bạn bị chi phối bởi hai mối quan hệ” – Calcango nhận định.
Về Shelasky, công việc của cô trong công ty là thiết kế và tìm kiếm khách hàng trong khi cha cô quản lý giấy tờ, sổ sách và điều hành Hollywood Uniforms – công ty mẹ của Hollywood Fourth. Shelasky tỏ ra khá thú vị với trọng trách của mình và chê công việc của Edward là buồn tẻ: những công ty tôi đến làm việc đều rất tân tiến, thức thời còn khách hàng của cha tôi thì toàn những là người đặt may đồng phục cho nhà thờ hay bộ phận bảo vệ.
2. Không để tình cảm xen vào công việc: Khác với quan hệ đồng nghiệp thông thường, những người thân trong gia đình thường biết thói ăn, nết ở của nhau quá rõ và điều này khiến họ rất dễ xâm phạm ranh giới giữa công việc sang gia đình. Shelasky không thể tưởng tượng mình có thể phê phán, chỉ trích đồng nghiệp nếu làm ở doanh nghiệp nào khác nhưng cô cũng phải công nhận là nhiều khi cũng khó mà giữ bình tĩnh khi tình cảm gia đình xen vào. Lúc ấy, “bạn sẽ nói với cha mẹ mình những điều mà bạn không bao giờ nói ra ngoài”.
Khi ở nơi làm việc, hãy cố gắng gạt tình cảm sang một bên và ghi nhớ trước mặt mình là những người đồng nghiệp chứ không phải là cha mẹ, anh chị, cô dì hay chú bác mình.
3. Hiểu và cảm thông với thế hệ khác: Mặc dù Shelasky và cha mình rất gắn bó với nhau nhưng cả hai đều thừa nhận đôi khi khoảng cách giữa hai thế hệ cũng gây ra những căng thẳng không đáng có. Shelasky tâm sự: “Cha tôi vẫn sử dụng chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sĩ từ những năm 50 để in hóa đơn và nhiều khi ông phải đánh lại 5-6 lần vì thiếu chữ. Có lúc bực mình tôi lại nói ông ‘Ba dùng máy tính đi cho lành”.
Sự khác biệt giữa các thế hệ có thể gây ra nhiều rắc rối nhưng Shelasky vẫn rất trân trọng sự từng trải và am hiểu mà cha cô dành cho công ty. Cô cũng nói chính việc dung hòa giữa cách làm mới và cách làm cũ đã làm khách hàng quan tâm, chú ý đến công ty hơn.
4. Giờ nào việc nấy. Đáng ra, khi làm việc thì không được bàn chuyện gia đình và khi ở nhà thì đề cập đến công việc. Nhưng nhiều công ty gia đình không làm được thế. ‘Điều hành một doanh nghiệp khác hẳn với điều hành một gia đình’ – Calcango nhận định. “Nên đặt ra quy định trong bữa ăn chỉ bàn chuyện cơ quan trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó thì không ai được nói đến chuyện công việc nữa”.
Mặc dù không sống với bố mẹ nhưng Shelasky vẫn cho rằng 8 tiếng ở cơ quan với cha mình mỗi ngày cũng là quá nhiều. Đôi khi nó làm cô thấy ngột ngạt và phải trốn ra quán ngồi. Dĩ nhiên, cô vẫn trân trọng sự gắn bó giữa hai cha con kể từ khi cô kế tục sự nghiệp của ông. Cô cho biết sẽ không đánh đổi nó để lấy bất kỳ công việc nào khác.
Theo kienthuckinhte.com