Câu chuyện của Kềm Nghĩa

Xuất thân từ anh thợ mài kềm ở vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM, nhưng tham vọng của ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, với chiếc kềm bé nhỏ mang thương hiệu Việt lại chẳng nhỏ chút nào: trở thành thương hiệu quốc gia.

Từ căn bệnh HIV và nghề nail ở Mỹ
Bắt đầu từ năm 1990 với cái tên Nghĩa Sài Gòn, đến năm 2008 phát triển thành Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, có thị trường xuất khẩu mở rộng, chiếm khoảng 30% (bao gồm xuất khẩu trực tiếp và cả tiểu ngạch) trên tổng doanh số bán ra, Kềm Nghĩa hiện có 3 nhà máy sản xuất với tổng diện tích gần 20.000 m2 tại TP.HCM.
Lịch sử phát triển của Kềm Nghĩa có 2 cột mốc doanh số bán ra tăng mạnh và giữ vững được tốc độ ổn định cho đến hôm nay. Ông Tuấn cho biết, đó là khi các kênh truyền thông cảnh báo nhiều về căn bệnh HIV tràn vào VN những năm đầu thập niên 1990. “Từ nỗi lo sợ về sự lây lan của căn bệnh này, nhiều người cố gắng sắm cho mình một chiếc kềm, do đó doanh số bán ra của Kềm Nghĩa giai đoạn này tăng vọt”. Mốc thứ 2 là khi ở Mỹ rộ lên nghề làm móng, khoảng những năm cuối thế kỷ 20, mà đa số người Việt làm nghề này và khi về nước họ được giới thiệu mua, rồi truyền miệng nhau về chất lượng chiếc kềm Nghĩa.
Câu chuyện làm thương hiệu của ông chủ Kềm Nghĩa có thể coi là điển hình của “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, theo lập luận của ông, quan trọng nhất phải có hàng chất lượng tốt, ổn định. “Nếu chỉ vì lời giới thiệu của người mua trước, nhưng sản phẩm làm ra có chất lượng không ổn định, giá cả không cạnh tranh cũng không dễ gì thành công”, ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ có mặt hàng kềm, từ năm 2010, Kềm Nghĩa phát triển thêm các kênh thương mại mới, đó là nhập khẩu và bán mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp. Ông Tuấn cho rằng sự phát triển này nằm trong chiến lược kinh doanh của công ty. “Khi đã có thương hiệu mạnh, chúng tôi phải nghĩ ra các dòng sản phẩm mới để kinh doanh có hiệu quả”, ông Tuấn nhấn mạnh. Nhờ đó, trong 3 năm qua, doanh thu của Kềm Nghĩa tăng gần gấp đôi, từ 216 tỉ đồng năm 2009 lên 400 tỉ đồng năm 2012.
Nói vậy không phải Kềm Nghĩa luôn thuận lợi. Ông Tuấn từng đưa ra những quyết định táo bạo, đi ngược thông lệ thị trường và phải… trả giá. Chẳng hạn, năm 2007, khi kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, ông quyết định tăng giá bán 2 lần lên đến 75%, khiến doanh số bán ra của công ty giảm 40%, buộc lòng phải thu hẹp sản xuất. Ông cho đó là bài học kinh nghiệm lớn trong kinh doanh.
“Nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy mình không làm sai, chỉ sai khi tung ra không đúng thời điểm. Bởi chiến lược về giá của công ty lúc đó là đánh vào dòng sản phẩm cao cấp chứ không phải sản phẩm thấp cấp”, ông Tuấn nói.
Đặt nặng chuyện chất lượng nên quan điểm về giá bán sản phẩm của ông Tuấn cũng khá hiện đại. Theo ông, không phải cứ hàng giá rẻ là cạnh tranh được. “Cái tệ ở nước mình là luôn nghĩ đến việc làm sao để rẻ hơn, thay vì làm thế nào cho tốt hơn. Cứ định giá mình rẻ thì không nghèo mới lạ”, ông Tuấn bộc bạch.

Tới tham vọng tập đoàn
Ông Tuấn kể một chi tiết khá thú vị, ngay tại thị trường Trung Quốc, người Trung Quốc chỉ làm giả kềm mang nguồn gốc xuất xứ “made in Vietnam”, chứ không phải là “made in USA”. “Chứng tỏ Kềm Nghĩa đã thành công về mặt chất lượng và thương hiệu không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà với thế giới”.
Làm xuất khẩu, mở ra nhiều kênh thương mại khác ngoài chiếc kềm ngày khởi nghiệp, ông Tuấn không giấu tham vọng trở thành tập đoàn tầm quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp những dụng cụ, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp mang thương hiệu Việt.
Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Ý, Nga, Nhật… Ông Tuấn tiết lộ, tháng 9.2013, Kềm Nghĩa sẽ chính thức mở showroom tại Hà Lan và đây là cơ hội cực tốt để sản phẩm sớm có mặt trong hệ thống bán lẻ ở các nước châu Âu.
Năm 2012, khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất gặp không ít khó khăn về tài chính, nhưng ông Tuấn lại bỏ ra 500.000 USD để tái cấu trúc nhân sự, thuê CEO, mở văn phòng lớn… Để thực hiện được tham vọng “làm lớn”, ông Tuấn không ít lần chia sẻ muốn tìm đối tác ngoại nhằm hợp tác đầu tư mở rộng. 
Hiện Kềm Nghĩa đang trong giai đoạn đàm phán với một số doanh nghiệp Đức, Nga, Qatar, Dubai… để quảng bá thương hiệu sang các thị trường này. Ngoài ra, tại thị trường Trung Quốc, công ty đã có một đối tác lớn chuyên phát triển giao thương và hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu của mình.
Chọn đối tác nước ngoài bởi theo ông Tuấn, họ có kinh nghiệm quản trị và phát triển thị trường nước ngoài rất tốt: “Mục đích hợp tác để xây dựng thương hiệu Việt lên tầm quốc tế, nên Kềm Nghĩa sẽ luôn luôn giữ thế chủ động và không để rơi vào cơn sóng bị thâu tóm”. Tuy nhiên, đó là những gì ông Tuấn mong muốn khi chưa hợp tác với đối tác ngoại nào, hồi sau của câu chuyện tìm đối tác chiến lược của cây Kềm Nghĩa vẫn còn bỏ ngỏ…

Theo Thanh Niên