Trong khi các DN thép, xi măng phản đối áp khung giá điện riêng thì hiệp hội năng lượng lại cho rằng nên xem xét kỹ và có thể tăng để các DN ngành này có “ý thức hơn trong việc sử dụng năng lượng”.
Vừa qua, Bộ Công Thương có dự thảo lần 3 hoàn thiện dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện. Trong đó, Bộ đề xuất giá điện cho các ngành sản xuất dự kiến sẽ tăng, riêng ngành thép và xi măng sẽ có giá riêng, cao hơn từ 2 – 16% so với trước.
Ý kiến đưa ra ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngành thép, xi măng. Trong khi đó, hiệp hội năng lượng lại cho rằng, nên điều tra kỹ và tăng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp ngành này có “ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sử dụng năng lượng”.
“Thép, xi măng đâu tốn điện hơn ngành khác”
Trong buổi Tọa đàm trực tuyến về ngành thép và xi măng do Báo Công Thương tổ chức ngày 24/7, đại diện hai ngành đều tỏ ra rất bức xúc trước đề xuất này, cho rằng như vậy là bất hợp lý, thiếu công bằng.
Ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ 2005 đến nay, các nhà đầu tư đã dần đổi mới công nghệ. Thực tế, công nghệ sản xuất của ngành thép Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực. Chẳng hạn như công ty thép Việt đầu tư công nghệ thiết bị của G7; lò điện Hồ quang công suất lớn 120 tấn/mẻ.
“Lượng tiêu thụ điện trung bình của thép là 450kwh/tấn sản phẩm, đây là mức tiêu hao năng lượng tiên tiến của các nước Đông Nam Á”, ông Nghi cho biết.
Đại diện ngành thép cho biết, thực tế ngành thép được đầu tư từ sau đổi mới, nếu đưa giá điện ngành này cao hơn các ngành khác là không công bằng và thiếu thuyết phục. “Đặc biệt hơn, đây là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp nên nếu áp dụng ở thời điểm này thì đã đi ngược Nghị quyết 02 của Chính phủ”, ông nói.
Cùng quan điểm với ông Nghi, ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực, trung bình tiêu tốn 90 – 100 kwh/tấn xi măng. Cuối năm 2013, dự tính tổng công suất cả nước đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó 68,5 tấn được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng. Chỉ có 1,5 triệu tấn là được sản xuất bằng các lò đứng chưa đảm bảo về mặt công nghệ. Tuy nhiên những lò đứng này theo quy hoạch cũng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2015.
Ngoài ra, đến năm 2015 tất cả dự án xi măng sẽ có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, giúp các nhà máy xi măng tự sản xuất được khoảng 15% lượng điện tiêu thụ.
“Có thể thấy xi măng không hề lãng phí điện mà đang tìm mọi biện pháp để tiết kiệm”, ông Thiện nhận định.
Năng lượng “phản pháo”
Trong khi thép và xi măng một mực khẳng định mình dùng năng lượng tiết kiệm và cho rằng ngành điện đang có biểu hiện độc quyền , ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng lại đưa ra ý kiến có phần trái ngược.
Theo ông Ngãi, ngành thép và xi măng không chỉ chiếm 11-12% tổng sản lượng điện sử dụng mà chắc chắn chiếm tỷ lệ cao hơn. Trong tổng số 70% điện năng bán ra thị trường trong ngành công nghiệp, trong đó thép và xi măng chiếm tỷ lệ lớn. Tỉ lệ tiêu hao của hai ngành này cũng lớn. Thêm vào đó, rất nhiều đơn vị thép nhỏ lẻ nhập dây chuyền cũ của Đài Loan, Nhật Bản rất tốn điện năng.
“Chúng ta phải xem tỉ trọng chiếm tiêu thụ điện năng của ngành thép, xi măng trong nền công nghiệp là bao nhiêu %. Ảnh hưởng của nó tác động tới ngành điện như thế nào, từ đó mới tính đến việc tăng thêm.
Theo tôi mức tăng sẽ thấp thôi, để đảm bảo ngành thép, xi măng phải có trách nhiệm với ngành điện”, ông Ngãi nhận định. Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên thông cảm với ngành điện, vốn phải chịu lỗ rất lớn trong thời gian qua. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, điện, than, khí đã lỗ hơn 10.000 tỉ đồng
Hạ hồi phân giải
Câu chuyện ngành thép và xi măng có tiêu tốn nhiều điện hơn các ngành sản xuất khác hay không, có lẽ vẫn còn nhiều điều phải bàn cãi. Cuộc tranh luận giữa Hiệp hội năng lượng và đại diện 2 ngành cũng kết thúc mà không đưa ra một câu trả lời cụ thể. Mỗi bên đều có cái lý của mình, không ai chịu ai. Trong khi đó, Cục Điều tiết Điện lực cũng có tham dự và chứng kiến cuộc tranh luận giữa đại diện ngành thép, xi măng và hiệp hội năng lượng nhưng không đưa ra ý kiến gì.
Ông Bùi Quang Chuyện, phó chủ tịch vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo mới đây của EVN, đối với việc tiêu thụ điện của 2 ngành thép và xi măng đang ngày càng giảm xuống. Dự báo năm 2013 giảm xuống khoảng 10%. Giá điện đối với các sản phẩm trong cán thép chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng từ 5 – 6%, vì thế nhân định ngành thép lợi dụng điện giá rẻ là chưa hiểu đúng về sản xuất thép.
Về việc đưa ra một khung giá điện cao hơn cho ngành thép và xi măng, ông Chuyện cho biết, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Mức tăng đặc biệt thì chưa biết, chỉ có một điều được khẳng định, giá điện chắc chắn sẽ tăng, và tăng có lộ trình để bù đắp cho những khoản lỗ hàng chục nghìn tỉ mà ngành điện đang vướng phải.
Ông Lại Quang Trung – phó tổng giám đốc công ty thép Việt – Úc : “Tăng thu mà giết nguồn thu thì sẽ không có gì để thu”
Đối với Doanh nghiệp, tăng giá điện đã khó, mà lại tăng trong cảnh phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thì càng không chấp nhận được. Đằng sau các doanh nghiệp, mỗi người công nhân là gia đình của họ và sự ổn định của cả xã hội.
Hiện tại, trung tâm thép của Việt Nam là Hải Phòng đang có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, cụ thể là 4 doanh nghiệp luyện thép công suất 1 triệu tấn phải đóng cửa; 3 doanh nghiệp cán thép công suất 60 ngàn tấn cũng đã dừng hoạt động. Đằng sau việc đóng cửa của doanh nghiệp là các gia đình khó khăn, an ninh xã hội bất ổn. Với 2.000 lao động không có việc làm thì cần 30.000 tỷ đồng để khôi phục việc làm cho họ, đây là nguồn vốn quá lớn.
Tăng giá điện lên để kiếm một khoản tiền thì dễ nhưng tác động của nó vào nền kinh tế lại không nhỏ. Đấy là chưa kể tăng giá điện chưa chắc ngành điện đã thu được tiền bởi doanh nghệp đóng cửa thì doanh nghiệp sẽ không thu được tiền điện, các chi phí cho doanh nghiệp để có điện sản xuất cũng không về được. Tăng thu mà giết nguồn thu thì sẽ không có gì để thu
Theo Trí Thức Trẻ