Lãi lớn không chỉ nhờ tăng trưởng tự nhiên

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đà tăng trưởng doanh số của Vinamilk nói riêng và của các doanh nghiệp sữa nói chung, đang dựa trên nền tảng tăng trưởng khá ấn tượng của toàn thị trường sữa tại Việt Nam.

Vinamilk, doanh nghiệp dẫn đầu thị phần sữa tại Việt Nam vừa công bố kết quả lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm lên đến 3.347 tỉ đồng, tăng 22,16% so với cùng kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế đang khó khăn, nhưng Vinamilk vẫn tăng trưởng không là điều ngạc nhiên bởi thị trường sữa tăng trưởng tự nhiên theo quy mô dân số, thu nhập. Thực tế không hẳn như vậy.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đà tăng trưởng doanh số của Vinamilk nói riêng và của các doanh nghiệp sữa nói chung, đang dựa trên nền tảng tăng trưởng khá ấn tượng của toàn thị trường sữa tại Việt Nam. Mức tăng rơi vào biên độ 21 – 22% trong giai đoạn 2006 – 2011 và dự báo 12% các năm từ 2011 – 2016, theo đánh giá của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor. Euromonitor cũng chỉ ra thực trạng phân phối trên thị trường sữa của Việt Nam đang thuộc về một số “đại gia” như Vinamilk chiếm 35%; Dutch Lady 24%; 22% là các sản phẩm sữa bột nhập khẩu như Mead Johnson, Abbott, Nestlé… 19% còn lại là các hãng nội địa như Anco Milk, Hanoimilk, Mộc Châu, Hancofood, Nutifood…
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dư địa tăng trưởng thị trường sữa tại Việt Nam còn khá lớn. Bà Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong năm năm qua, mức tiêu thụ sữa tươi của người Việt Nam tăng từ 5 lít/người lên mức 13 – 15 lít/người/năm, nhưng vẫn thấp so một số nước như Thái Lan là 23 lít/người/năm, Trung Quốc 25 lít/người/năm. Bà Lâm cho rằng: “Khi thu nhập đầu người tăng cùng với điều kiện sống không ngừng được nâng cao thì tăng trưởng ngành sữa là khá cao, trong đó sữa thanh trùng, tiệt trùng khoảng 10%/năm và sữa bột là 11%/năm”.

Đánh vào số đông
Trong các doanh nghiệp sữa nội địa, Euromonitor cũng khẳng định Vinamilk đã vượt lên dẫn đầu thị trường trên cả hai phân khúc gồm: sữa công thức dành cho trẻ em 0 – 6 tháng tuổi và 6 – 12 tháng tuổi, với tổng thị phần (tính theo khối lượng tiêu thụ) tương ứng là 29% và 31,1%. Ngoài sữa bột, sữa nước tiếp tục là mặt hàng chủ lực của Vinamilk khi công ty này nắm tỷ trọng đóng góp lớn nhất với 50% thị phần, mang về khoảng 40% doanh thu. Vinamilk còn thắng thế ở một số phân khúc sữa khác như sữa đặc có đường chiếm 75% thị phần, sữa chua 90%… Trong những năm gần đây, doanh số của Vinamilk liên tục tăng trưởng 20 – 30%. Đến năm 2012, tổng doanh số đã đạt 27.300 tỉ đồng, trong đó xuất khẩu gần 180 triệu USD và dự kiến năm nay sẽ là 34.000 tỉ, trong đó xuất khẩu 240 triệu USD.
Vinamilk cho biết sở dĩ đạt kết quả lợi nhuận tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm là do doanh thu bán ra của công ty tăng 14,48% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời do thay đổi cơ cấu sản phẩm tiêu thụ, đa dạng hoá sản phẩm để đáp ứng nhu cầu số đông người dùng, thay vì chỉ tập trung vào một vài phân khúc sản phẩm cho đối tượng thu nhập cao. Ngoài ra, việc quản lý và kiểm soát chi phí hiệu quả cũng là lý do giúp công ty tăng mạnh lợi nhuận. Thực tế, nếu như cả năm ngoái, Vinamilk chỉ tung ra thị trường khoảng 4 tỉ sản phẩm sữa, thì trong sáu tháng đầu 2013, số sản phẩm đã gần 3 tỉ. Bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại Vinamilk, cho biết: tăng trưởng của Vinamilk trong điều kiện công ty không tăng giá bán, mà ngược lại, Vinamilk còn tham gia bình ổn thị trường sữa nên giá bán có tính cạnh tranh cao với hàng nhập khẩu.

Rượt đuổi công nghệ
Sáu tháng đầu năm nay, sữa bột ngoại tăng giá ít nhất bốn lần, từ 5 – 18%. Sữa ngoại độc diễn về giá, nhờ công nghệ và chất lượng. Chính vì vậy, sữa nội, muốn gầy dựng lòng tin nơi người dùng, buộc phải đầu tư sâu vào công nghệ, tạo ra sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn.
Bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, cho biết Vinamilk đứng đầu về thị phần sữa bột với khoảng 30%, nhưng giá trị lại chỉ xếp thứ ba với 18%. “Chúng tôi muốn lấy thị phần nhanh hơn nữa qua việc đầu tư mạnh vào công nghệ, trang thiết bị, công thức dinh dưỡng đạt chuẩn quốc tế và cách quản lý hiện đại để tiết giảm chi phí, có giá cạnh tranh”, bà nói. Cuối tháng 4 vừa qua, Vinamilk đưa vào hoạt động nhà máy sữa bột Dielac công suất 54.000 tấn/năm. Ngay sau đó, bà Hương cho hay sản phẩm sữa bột đóng hộp thương hiệu Dielac có mặt tràn ngập trên thị trường, giá bán chỉ bằng 40 – 50% so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại nên được người dùng đón nhận.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính dồi dào cho phép Vinamilk đầu tư công nghệ hiện đại vào quản lý nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cuối tháng 2.2013, Vinamilk triển khai hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến trên phạm vi cả nước ứng dụng công nghệ 3G, GPS vào quản lý hệ thống phân phối. Bà Bùi Thị Hương cho biết, bằng việc trang bị máy tính bảng cho nhân viên bán hàng đã giúp công ty quản lý tốt hàng tồn kho, số ngày lưu thông sản phẩm được rút ngắn nhờ đẩy nhanh vòng quay sản phẩm ra thị trường, qua đó người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tươi mới hơn.

Theo Sài gòn Tiếp thị