Nội dung nổi bật:
– Thị trường bán lẻ Việt Nam nổi bật với cuộc chiến giữa hai thương hiệu Co.opmart và Big C. Big C theo đuổi chiến lược giá rẻ, Co.opmart theo đuổi chính sách giá hợp lý, giá tốt nhất.
– Sau 12 năm hoạt động, Metro không còn “một mình một chợ” khi kinh doanh bán sỉ đã bắt đầu sôi động hơn với sự xuất hiện của Co.opXtraplus.
– Ngoài việc phát triển hệ thống phân phối, cả Metro, Big C, Co.opmart đều không ngừng đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu riêng, chiếm 8-12% tổng doanh thu của chuỗi.
——————————————–
Co.opmart đấu giá với Big C
Mặc dù thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn từ nước ngoài nhưng cạnh trạnh ở kênh siêu thị hiện nay vẫn là cuộc đối đầu giữa Co.opmart và Big C.
Nếu như Big C chọn “Giá rẻ cho mọi nhà” thì Co.opmart làm “Bạn của mọi nhà”. Trong đó, hàng ngàn mặt hàng ở Big C được xem là có giá thấp hơn các siêu thị khác từ 1-3%.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại Big C, cho rằng: “Việc kinh doanh của Big C nhắm đến chính sách giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đi kèm với chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ và dịch vụ phân phối tiện lợi và hiện đại”.
Để triển khai chính sách giá tốt nhất, khuyến mãi là một trong những giải pháp kinh doanh chủ đạo của Big C, vì hiệu quả mang lại và những lợi ich thiết thực nhất cho các bên có liên quan: giá tốt nhất cho khách hàng, gia tăng bán hàng và tăng doanh số cho nhà cung cấp, đồng thời góp phần năng động hóa trong kinh doanh của Big C.
Không xem hàng hóa giá rẻ là cách cạnh tranh nhằm tăng thị phần trên thị trường bán lẻ, nhưng Co.opmart cũng liên kết với các nhà sản xuất để “tinh giảm chi phí, tạo ra giá hợp lý và giá tốt nhất”.
Co.opmart đã và đang phối hợp cùng hàng trăm nhà sản xuất, nhà cung cấp để luân phiên thực hiện chương trình “Giá tốt mỗi ngày”, tập trung vào thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm để thiết thực hỗ trợ khách hàng.
Các chuyên gia thương hiệu cho rằng, Co.opmart quá hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt Nam và Big C cũng rất am tường thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như tập quán mua sắm, thị hiếu khách hàng nên nắm bắt, đón đầu và phục vụ hiệu quả nhu cầu ấy.
Vì thế, mà tỷ lệ hàng nội địa tại hai đơn vị này đều chiếm đến 90 -95% trong cơ cấu hàng hóa. Không những thế, cả Co.opmart và Big C đều tận dụng mọi khả năng có thể để liên kết với các trang trại, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp để tăng cường ngày càng nhiều sự hiện diện của hàng Việt.
Đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh là yếu tố then chốt để thu hút khách hàng cũng được hai thương hiệu này khai thác triệt để. Tuy nhiên, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanet, hiện nay, Big C đang dẫn đầu thị trường trong việc xây dựng được hình ảnh giá cả tốt và khuyến mãi hấp dẫn.
Saigon Co.op chiếm thị phần vào khoảng gần 50% với 70 siêu thị Co.opmart dự kiến đến cuối năm 2013.
Cuộc đối đầu giữa hai thương hiệu này bắt đầu khi Big C bước chân vào Việt Nam năm 1998. Sau khi mua lại siêu thị Cora Đồng Nai từ tay một nhà bán lẻ đồng hương Pháp, Big C đã áp dụng chiến lược bán lẻ với mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng và giá cao hoặc ngang bằng với Co.opmart.
Các điểm bán sau này của Big C cũng áp dụng chiến lược này nhưng vẫn chưa thể “địch lại” nhà kinh doanh siêu thị 100% Việt Nam là Co.opmart.
Tuy nhiên, do không thể tối ưu hóa được mức chi phí và lợi nhuận dù đã từng thành công với mô hình này ở nhiều nước, nên bắt đầu từ sau 2005, Big C thay đổi toàn bộ chiến lược kinh doanh. Và chiến lược “giá rẻ” đã được triển khai, mang lại thành công cho Big C nhiều năm nay.
Theo Euromonitor, tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Hiện tại, hàng tiêu dùng nhanh vẫn là lợi thế cạnh tranh của cả Co.opmart và Big C.
Tỷ trọng hàng thực phẩm tại Big C lẫn Co.opmart chiếm khoảng 55 – 60% doanh số toàn hệ thống. Cả hai đều khai thác tối đa nhóm ngành hàng thực phẩm tươi sống và nấu chín.
Nếu như Big C có Big C Bakery ở tất cả các siêu thị trong hệ thống thì Co.opmart cũng có Co.op Bakerry ở những siêu thị có mặt bằng rộng. Khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống được mở rộng tại siêu thị của cả hai bên.
Danh sách các mặt hàng từ thủy hải sản, gia súc, gia cầm… chế biến sẵn đang ngày càng dài thêm ở từng siêu thị của mỗi hệ thống. Do “lép vế” về diện tích của từng siêu thị nên Co.opmart khai thác ở mật độ dày đặc của 63 siêu thị trong hệ thống trên toàn quốc.
Co.opXtraplus lấn sân Metro
Metro không còn “một mình một chợ” khi kinh doanh bán sỉ đã bắt đầu sôi động hơn với sự xuất hiện của Co.opXtraplus.
Không dừng lại ở mô hình bán lẻ, giờ đây Co.opmart “lấn sân” sang phân khúc bán sỉ với sự ra đời của hai thương hiệu đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraplus của Saigon Co.op (thương hiệu mẹ của Co.opmart). Giữa tháng 5 vừa qua, Co.opXtraplus có diện tích gấp 4-5 lần, lượng hàng hóa cũng gấp 2-3 lần so với siêu thị Co.opmart đã chính thức vận hành.
Để khai thác tốt phân khúc khách hàng này, Co.opmart đã tìm đến NTUC FairPrice – hợp tác xã hàng đầu tại Singapore, được thành lập bởi nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu, hiện chiếm đến khoảng 60% thị trường bán lẻ Singapore.
Co.opXtraPlus có mô hình tương đối giống nhà phân phối đến từ Đức là Metro Cash & Carry. Bởi, không chỉ hướng vào người tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình, Co.opXtraPlus còn hướng đến các công ty, xí nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn…
“Đại siêu thị và các thành viên khác của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opFood sẽ tương hỗ nhau dựa vào phân bố về vị trí địa lý, nhu cầu sức mua và đối tượng mua của từng khu vực, cũng như chủng loại hàng hóa được phân bố dựa trên nhu cầu đặc trưng của từng loại hình.
Có sản phẩm có thể tìm thấy ở tất cả các hệ thống bán lẻ vừa đề cập, nhưng sẽ có một sản phẩm, mặt hàng chỉ có thể mua được hoặc ở đại siêu thị, hoặc ở Co.opmart hoặc chỉ có thể ở Co.opFood.
Đối với nội bộ, bản thân các đơn vị thành viên cũng tự tạo áp lực cạnh tranh với nhau nhằm thúc đẩy cùng phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết.
Lâu nay, thế mạnh của Co.opmart là bán lẻ, với sự ra đời của Co.opXtraPlus, Saigon Co.op quyết cạnh tranh trong cả trong lĩnh vực bán sỉ lẫn bán lẻ.
Nếu như bán sỉ vốn là “lãnh địa” của Metro Cash & Carry Việt Nam từ hơn chục năm nay thì nay có thêm Co.opXtraPlus. Còn trong lĩnh vực bán lẻ, Saigon Co.op ngoài chuỗi 63 siêu thị Co.opmart, nay gia tăng thêm Co.opXtra sẽ cạnh tranh quyết liệt với Big C.
Vì ngoài việc tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opFood…, doanh nghiệp này tiếp tục việc phát triển mô hình mới (đại siêu thị, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn). Đây được xem là bước đi cần thiết để Saigon Co.op xác lập vị thế, gia tăng thị phần trên thị trường.
Trước động thái mới của Saigon Co.op, gần đây, Metro Cash & Carry Việt Nam đã triển khai chiến lược kinh doanh mới. Lâu nay, Metro được biết đến là doanh nghiệp cung cấp tất cả các chủng loại mặt hàng tại một địa điểm, nhằm phục vụ tốt nhất các doanh nghiệp độc lập.
Nay, thay vì chỉ tập trung vào các nhóm khách hàng chuyên nghiệp, như khách sạn, nhà hàng, các công ty dịch vụ và cung cấp suất ăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, văn phòng, công sở thì gần đây, doanh nghiệp này mở rộng ra nhóm khách hàng cụ thể, gồm các quán ăn, nhà hàng, các cửa tiệm tạp hóa, bếp ăn tập thể, văn phòng và nhà máy.
Trả lời báo giới cách đây chưa lâu, ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, cho biết, ngoài việc tiếp tục cung cấp tới khách hàng nhiều chủng loại mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh, với mục tiêu “hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp kinh doanh thành công”, Metro Cash & Carry Việt Nam triển khai các dịch vụ mới như giao hàng và tư vấn cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ nhằm tăng cường tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho họ.
Không chỉ vậy, Metro còn mở rộng và đa dạng hóa phân phối với nhiều kênh bán hàng như dịch vụ giao hàng, thanh toán bằng hình thức ghi nợ… như là cách bổ sung quan trọng cho mô hình bán sỉ cash & carry truyền thống.
Nếu so với Co.opXtraplus mới ra đời, Metro đã có thâm niên hơn 12 năm với hệ thống 24 trung tâm trong cả nước. Điều mà các nhà kinh doanh lo ngại là Metro đang có lợi thế từ chính sách ưu đãi từ Chính phủ, đặc biệt là vị trí của các trung tâm phân phối.
Hoạt động dưới hình thức bán sỉ, nhưng nhiều cơ sở Metro Cash & Carry Việt Nam lại nằm rất gần trung tâm các thành phố lớn như ở Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột. Nhờ vậy, tập đoàn này đang cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ có giá bán cao hơn.
Điều mà những nhà điều hành Metro Cash & Carry Việt Nam tâm đắc là khi Metro rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam, mô hình kinh doanh bán sỉ toàn cầu từ kinh doanh đến kinh doanh (B2B) của Metro không chỉ phát triển mạnh ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng hay Cần Thơ mà còn thích hợp ở những thị trường xa như Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Lắk…
Thời gian gần đây, Metro bị “lùm xùm” với chuyện “lách thuế”, “lách luật” để bán lẻ và mới đây là vụ bán cá tầm lậu. Hiện những vụ việc này vẫn chưa có kết luôn điều tra nhưng cũng là lợi thế cho Saigon Co.op khi thâm nhập lĩnh vực mới.
Thường thì cái gì mới cũng khó nhưng Saigon Co.op cho biết không dừng lại ở một Co.opXtraplus mà sẽ xây dựng chuỗi Co.opXtra và Co.opXtraplus với kế hoạch mỗi năm mở 1 – 2 điểm mới để có thể đạt được 20 đại siêu thị trước năm 2020.
Bám đuổi hàng nhãn riêng
Với doanh thu chiếm khoảng 8 – 12% trong tổng doanh thu của chuỗi, hàng nhãn riêng trở thành một lợi thế cạnh tranh của tất cả các nhà phân phối.
Không chỉ cạnh tranh từ chính hàng hóa, giá, khuyến mãi…, các nhà kinh doanh mô hình phân phối hiện đại còn cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc hàng nhãn riêng.
Kết hợp với việc phát triển hệ thống phân phối, cả Metro, Big C, Co.opmart đều không ngừng đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu riêng, tập trung vào phân khúc hàng tiêu dùng thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc…
Với kinh nghiệm từ các thị trường khác trên thế giới, Metro liên tục giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam hàng loạt nhãn hàng riêng ở rất nhiều ngành hàng, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến đồ dùng nhà bếp, văn phòng hay hàng may mặc mang nhãn hiệu Fine Food, Aro, Horica Fine Dreaming, Sigma…
Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, ba hệ thống chuỗi lớn nhất là Co.opmart với 63 siêu thị và một đại siêu thị, Big C có 25 đại siêu thị còn Metro có 24 trung tâm.
Nghiên cứu của Euromonitor dự tính, quy mô toàn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ USD vào năm 2016. Năm 2011, tổng quy mô thị trường bán lẻ thực của Việt Nam là 29 tỷ USD.
Trước đó, ngay từ năm 1998, khi đặt chân vào Việt Nam bằng việc mua lại một siêu thị của Pháp là Cora, tính đến nay, ở cả ba phân khúc hàng cao cấp Casino, trung bình Big C và giá rẻ WOW đều được Big C khai thác tốt với hơn 2.500 mặt hàng.
Trong đó, hàng Casino được Big C nhập trực tiếp từ tập đoàn mẹ, ba nhãn hàng Big C, WOW và eBon được doanh nghiệp này khai thác tại Việt Nam.
Nhóm mặt hàng Bakery Big C đã được đơn vị này khai thác thành công mà nhiều năm nay, nói đến Big C người ta nhớ ngay đến “bánh mì Pháp”.
Nhắm thấy đây là xu thế tất yếu của thị trường, bắt đầu từ năm 2004, Co.opmart khai thác phân khúc mặt hàng này. Do đi sau, nên Co.opmart chọn hướng giá rẻ, chất lượng phù hợp với người tiêu dùng.
Nhà bán lẻ này đã thành lập một phòng chuyên nghiên cứu và phát triển nhãn hàng riêng, thay vì chỉ có một bộ phận nhỏ thuộc phòng kinh doanh như trước đây. Bên cạnh đó, Co.opmart còn mời chuyên gia tư vấn để phát triển một cách bài bản dòng hàng này.
Hiện có khoảng 200 mặt hàng nhãn riêng tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống – chế biến, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, may mặc, như gạo, nước mắm, bún gạo, trà, trứng, bánh tráng, thịt nguội, giò lụa, đồ hộp, hóa phẩm, đồ dùng trong nhà, quần áo…
Theo chia sẻ của một chuyên gia thương hiệu, những nhãn hàng riêng thành công nhất thường thuộc các ngành hàng như bột giặt, nước rửa chén, nước rau nhà, khăn giấy, giấy vệ sinh… đây là những ngành hàng mà người tiêu dùng không khó tính lắm về chất lượng và có xu hướng chọn sản phẩm giá rẻ.
Theo kết quả điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, hàng nhãn riêng của các nhà bán lẻ tại Việt Nam được nhiều người tiêu dùng quan tâm, nhận biết.
Về mức độ quan tâm của người tiêu dùng, hàng nhãn riêng thương hiệu Co.opmart của Liên Co.opmart dẫn đầu với 28%, xếp thứ hai là nhãn hàng Wow của BigC với 25%. Kế đến là nhãn hàng đồ nguội eBon (BigC) và một số nhãn hàng của Metro.
Dù cạnh tranh quyết liệt trong mọi mặt nhưng bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại Big C, cho rằng, cạnh tranh lành mạnh là chất xúc tác để các nhà bán lẻ đầu tư đổi mới và chuyên nghiệp hóa hơn nữa dịch vụ phân phối của mình để chinh phục khách hàng, qua đó sẽ góp phần đưa thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển cao hơn, chuyên nghiệp hơn và phục vụ hiệu quả hơn nữa người tiêu dùng. Việc thị trường cạnh tranh hơn cũng góp phần khẳng định sự hấp dẫn và tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo Doanh nhân Sài Gòn