Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến 2020, tổng sản lượng thủy sản khoảng 7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu khoảng 11 tỷ USD
Đến 2030, các con số này tăng lên khoảng 9 triệu tấn và 20 tỷ USD.
Giảm dần nghề khai thác gây hại nguồn lợi thủy sản
Về khai thác thủy sản, sẽ tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đổi mới các hình thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Cụ thể, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản 2,4 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản 2,2 triệu tấn, sản lượng khai thác nội địa 0,2 triệu tấn.
Ngoài ra, sẽ quy hoạch cơ cấu nghề khai thác theo 7 họ nghề (lưới kéo, rê, vây, câu, vó mành, nghề cố định và các nghề khác) theo hướng giảm dần những nghề khai thác gây hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường; phát triển các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương; giảm mạnh các nghề lưới kéo, nghề cố định, nghề lưới vó, nghề mành và giảm dần một số nghề lưới rê ven bờ.
Về nuôi trồng thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp đối với các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực, phù hợp tiềm năng và thế mạnh của từng vùng và yêu cầu của thị trường; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Hình thành 6 Trung tâm nghề cá lớn
Về chế biến và thương mại thủy sản, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu; ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống.
Đến năm 2020 các đối tượng như tôm, cá tra và nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) đông lạnh vẫn là nhóm sản phẩm quan trọng, chiếm trên 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Theo Quy hoạch, sẽ mở rộng và tổ chức thị trường trong nước theo hướng hình thành các kênh phân phối sản phẩm thủy sản từ bán buôn tới bán lẻ, từ chợ truyền thống tới hệ thống siêu thị, với sự đa dạng các sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Bước đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản nội địa.
Hình thành 6 Trung tâm nghề cá lớn, trong đó 5 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm: Trung tâm nghề cá Hải Phòng, gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; Trung tâm nghề cá Đà Nẵng, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Trung tâm nghề cá Khánh Hòa, gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; Trung tâm nghề cá Bà Rịa-Vũng Tàu, gắn với ngư trường Đông Nam bộ; Trung tâm nghề cá Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam bộ; Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Chinhphu.vn