Không nên quan trọng lĩnh vực đó sản xuất được bao nhiêu, XK bao nhiêu mà quan trọng là làm sao sản xuất ra một sản phẩm có giá thấp nhất, mang lại gì cho người nông dân, đó mới là lợi thế cạnh tranh.
Một loạt ngành hàng được “đề cử” vào dự thảo Đề án “Ưu tiên phát triển DN thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao, giai đoạn 2013 – 2020”, do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, nhiều hiệp hội, ngành hàng tỏ ý không đồng tình với bản đề xuất này.
Ưu tiên chưa trúng
Theo ông Hoàng Thịnh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), các lĩnh vực/ngành được coi là có lợi thế cạnh tranh phải đáp ứng được 7 tiêu chí cơ bản như: Sử dụng lao động sẵn có trong nước; nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; được hưởng lợi nhờ các chính sách hội nhập; có dư địa đầu tư lớn; có nhu cầu trong nước lớn hoặc XK tốt; công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phát triển; chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, có công nghệ trong nước phát triển, đảm bảo hài hoà giữa kinh tế – xã hội – môi trường.
Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề cử danh mục gồm 28 ngành/lĩnh vực được tạm coi là có lợi thế cạnh tranh cao như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, vận tải và kho bãi, dịch vụ, thông tin và truyền thông, phần lớn đều dựa trên những ưu thế về lợi thế lao động, mức tăng trưởng, tỷ trọng so với thế giới… Tuy nhiên, góp ý vào đề án do Bộ Công Thương chắp bút xây dựng, nhiều hiệp hội, ngành hàng đều lên tiếng phản đối.
Dù sản xuất xe có động cơ là một trong những ngành được lựa chọn vào danh mục 28 ngành nghề được ưu tiên, nhưng ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam tỏ ra rất băn khoăn bởi ngành cơ khí chỉ có lĩnh vực này được đưa vào danh mục là chưa đủ.
Việc chỉ giới hạn lựa chọn ngành sản xuất trên sẽ không phản ánh được hết lợi thế của ngành mà còn không phù hợp khi đây là ngành có tỷ lệ nhập siêu lớn. “Ví dụ như lĩnh vực ô tô, các DN chưa có khả năng XK, chưa tìm được thị trường nên nếu ưu tiên phát triển sản xuất động cơ xe ôtô sẽ rất khó để tiêu thụ sản phẩm. Trong khi phụ tùng cho nhà máy xi măng, hóa chất phát triển rất tốt lại giúp giảm nhập siêu thì không được ưu tiên”, ông Long dẫn chứng.
Còn theo một vị đại diện của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), đề án có tính đến việc ưu tiên một số ngành nông nghiệp như trồng lúa gạo, rau; cây lâu năm như điều, hồ tiêu, cao su, cà phê… Tuy nhiên, phần lớn các ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đều có năng suất cao nhất, nhì thế giới, nên nếu ưu tiên tập trung vào nâng cao năng suất cây trồng, sản lượng khai thác và đánh bắt thủy hải sản thì sẽ là “thừa”.
Ví dụ như việc đề xuất trồng lúa vào danh mục có lợi thế cạnh tranh là ngược với thực tiễn, đi ngược với chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. “Không nên quan trọng lĩnh vực đó sản xuất được bao nhiêu, XK bao nhiêu mà điều quan trọng là làm sao sản xuất ra một sản phẩm có giá thấp nhất, mang lại gì cho người nông dân, đó mới là lợi thế cạnh tranh”, vị này nói.
Nhìn từ thực tế
Theo ý kiến các hiệp hội, ngành hàng, việc lựa chọn các ngành vào danh mục được “ưu tiên” chưa có sự phân tích đầy đủ cũng như cái nhìn toàn diện về thực trạng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong phát triển của từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Chính điều này đã khiến cho việc đánh giá và lựa chọn có tính khiên cưỡng và chưa phù hợp. Chẳng thế mà một số hiệp hội trong đó có Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã “lên tiếng” khi ngành điều không có trong danh mục này.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký VINACAS cho biết, ngành điều chưa có trong danh mục, dù đáp ứng đủ 7 tiêu chí. Hơn nữa, XK điều của Việt Nam đứng số 1 thế giới, lại không bị các yếu tố như phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật cản trở.
Bởi vậy, ông Đỗ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển cho rằng, đề án phải cẩn trọng tham vấn, có sự vào cuộc một cách sâu sắc từ phía các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng mới mong tìm ra được một danh mục thực sự có ưu thế cạnh tranh cao.
Còn theo ông Mai Ánh Hồng, Phó Chánh văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, trước khi đưa ra danh sách các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh giai đoạn tới thì điều cần làm là đánh giá giai đoạn trước (2007 – 2012) xem những lĩnh vực nào đã có lợi thế cạnh tranh? Nhà nước có cơ chế chính sách gì với những lĩnh vực đó, nếu có thì thực hiện đến đâu?
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ nhìn nhận, mục đích của đề án này, đúng như đầu đề là ưu tiên phát triển DN thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao, là cần phải chỉ đích danh ra được DN thuộc lĩnh vực cạnh tranh.
Như vậy, trước hết cần phải tìm ra được lĩnh vực cạnh tranh, để từ đó xác định DN có lợi thế cạnh tranh. Sau đó trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng của từng ngành, đã làm được gì, vướng ở đâu, từ đó để Chính phủ tháo gỡ bằng cơ chế chính sách.
Theo dự thảo Bộ Công Thương đề xuất, trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ ưu tiên phát triển 10 ngành: Trồng lúa; trồng rau, đậu các loại và hoa, cây cảnh; trồng cây ăn quả; trồng cây điều; trồng cây hồ tiêu; trồng cây cao su; trồng cây cà phê; khai thác thủy sản biển; nuôi trồng thủy sản biển; nuôi trồng thủy sản nội địa.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng gồm các ngành: Công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; công nghiệp dệt; công nghiệp sản xuất trang phục; công nghiệp hóa chất và sản phẩm hóa chất; công nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; công nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su; công nghiệp sản xuất sản phẩm từ điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; công nghiệp sản xuất xe có động cơ; xây dựng công trình đường bộ.
Đối với lĩnh vực dịch vụ sẽ ưu tiên phát triển các ngành như vận tải ven biển và viễn dương, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ cung cấp mạng internet…
Theo Báo hải quan