Số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 31/8/2013, cán cân thương mại hàng hóa (kim ngạch xuất khẩu/kim ngạch nhập khẩu) của Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu nhẹ.
Tính đến hết ngày 31/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt khoảng 170,1 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt 85,16 tỷ USD, tăng 15,1% (tương ứng khoảng 11,19 tỷ USD); nhập khẩu đạt khoảng 84,99 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng khoảng 10,69 tỷ USD).
Như vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2013 đã vượt lên cao hơn so với giá trị kim ngạch nhập khẩu khoảng 176 triệu USD. Xét về cán cân thương mại, 8 tháng năm 2013 Việt Nam xuất siêu nhẹ.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam có giá trị kim ngạch lớn trong 8 tháng năm 2013 tăng so với thực hiện 8 tháng năm 1012 gồm điện thoại và linh kiện đạt 13,39 tỷ USD (tăng 5,98 tỷ USD); dệt may đạt 11,45 tỷ USD (tăng 1,64 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt 6,78 tỷ USD (tăng 2,01 tỷ USD); giầy dép đạt 5,47 tỷ USD (tăng 0,71 tỷ USD); máy móc, thiết bị đạt 3,87 tỷ USD (tăng 0,17 tỷ USD); phương tiện vận tải đạt 3,47 tỷ USD (tăng 0,42 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,38 tỷ USD (tăng 0,39 tỷ USD).
Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại 8 tháng 2013 chuyển sang trạng thái xuất siêu nhẹ do trong nửa cuối tháng 8/2013 (tính từ ngày 16 đến 31/8/2013) xuất khẩu đã thặng dư 755 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 8 đạt khoảng 6,49 tỷ USD, tăng 18,5% so với nửa đầu tháng 8).
Nguyên nhân đạt được thặng dư thương mại trong nửa cuối tháng 8 chủ yếu là bởi những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gia tăng như điện thoại và linh kiện (tăng 318 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 87 triệu USD); gạo (tăng 86 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng khác (tăng 81 triệu USD); hàng thủy sản (tăng 72 triệu USD); hàng dệt may (tăng 75 triệu USD)….
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nửa cuối tháng 8 lại giảm nhẹ khoảng 3,3%, (tương ứng 195 triệu USD) so với thực hiện trong nửa đầu tháng 8.Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm nửa cuối tháng 8 gồm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (giảm 382 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 233 triệu USD); dầu thô giảm (81 triệu USD)….
Cán cân thương mại chuyển sang xuất siêu không chỉ thể hiện sự chuyển đổi về vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài mà còn góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng khả năng dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá giữa ngoại tệ và VND… . Xuất siêu cũng có nghĩa là hoạt động xuất khẩu hàng hóa được gia tăng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn khó khăn, thị trường vẫn chưa khởi sắc, tỷ lệ hàng tồn kho của doanh nghiệp còn khá cao…. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, cũng có nhận định, đánh giá ở góc độ khác là xuất siêu đạt được trong bối cảnh hiện tại rất có thể còn do nền kinh tế vẫn khó khăn, nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của thị trường còn hạn chế kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng giảm.
Rất cần có đánh giá sát thực để có những giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Theo Báo kinh tế Việt Nam