Giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2013

Do giá gạo giảm, khó bán, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2013, từ 7,5 triệu tấn còn khoảng 7-7,2 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3 tỷ USD.

Theo VFA, hiện xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 4,9 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 13% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 8/2013 tới nay, hợp đồng xuất khẩu gạo ký được rất ít, chủ yếu là thay đổi, điều chỉnh các hợp đồng cũ về số lượng, giá cả. Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines… hiện trong tình trạng nghe ngóng, do lượng gạo tồn kho ở các nước còn rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, ban đầu, VFA dự kiến xuất khẩu gạo năm nay đạt khoảng 7,5 triệu tấn. Tuy nhiên, với thị trường khó khăn như hiện nay, VFA dự kiến xuất khẩu gạo năm nay khoảng 7-7,2 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Theo ông Phong, bình quân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay khoảng 431 USD/tấn, giảm khoảng 15 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái.
“Mức giá này cũng gần bằng với giá gạo của Ấn Độ và Pakistan, nên khó bán. Gạo của Việt Nam phải thấp hơn 40-50 USD/tấn trở lên, tới khoảng 80-100 USD/tấn mới bán cạnh tranh được với gạo 2 nước trên. Bởi vì nguyên cước vận tải đã 35-85 USD/tấn; Ấn Độ hay Pakistan, cước phí chỉ khoảng 15-25 USD/tấn” – ông Phong nói.
Lãnh đạo VFA cho biết, hiện châu Phi tiêu thụ khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là gạo thơm (jasmine), gạo đồ, nếp… giá khoảng 520-540 USD/tấn. Còn gạo cấp thấp rất khó bán, vì không cạnh tranh được với gạo Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 40% xuất khẩu gạo Việt Nam) đã “khóa” hạn ngạch xuất khẩu chính ngạch, có nhiều hợp đồng bị hủy. Loại gạo thơm xuất sang thị trường Nhật Bản cũng giảm.
Theo ông Phong, mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của VFA, hỗ trợ thêm 1 tháng lãi suất để tránh các doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo bán tống, bán tháo, gây thiệt hại lớn, trong bối cảnh Thái Lan liên tiếp “xả” gạo tồn.

Theo Tiền phong