Mở cửa ngay ngành da giày

Ngành da giày mong muốn mở cửa ngay thị trường khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP hay FTA với châu Âu.

Xu hướng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty giày Gia Định (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình đơn hàng ổn định và có mức tăng trưởng từ 15 – 20% so với năm ngoái. Có xuất hiện xu hướng các khách hàng của Trung Quốc (TQ) dịch chuyển sang VN.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), phân tích hiện nay chi phí về nhân công ở TQ đang tăng cao, trong ngành giày bình quân gần 400 USD/người/ tháng trong khi VN dao động từ 200 – 250 USD khiến ngành giày ở TQ mất sức hấp dẫn. 
Ở một góc độ căn cơ hơn, VN đang tham gia đàm phán TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương – NV), nếu thành công thuế xuất khẩu của ngành giày VN và một số ngành khác vào Mỹ sẽ bằng 0%. Vì vậy, các nhà nhập khẩu muốn chuyển dần các đơn hàng từ TQ qua VN để được hưởng ưu đãi về thuế. 
“Đối tượng khách hàng dịch chuyển sang VN được phân thành 2 loại. Thứ nhất là những khách hàng có sẵn ở VN như Nike, Adidas muốn cơ cấu lại đơn hàng, tăng dần sản lượng ở thị trường nội địa và giảm dần ở TQ để hưởng lợi ngay khi TPP được ký kết. 
Thứ hai là những khách hàng trước đây hoàn toàn đặt hàng ở TQ nhưng nay muốn di chuyển đơn hàng sang VN. Đối tượng khách hàng này đang tìm kiếm đối tác VN để cung ứng sản phẩm cho họ. Chính vì vậy, chúng tôi có đặt vấn đề là khi tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do chúng ta mở cửa ngay thị trường ở lĩnh vực này để tận dụng cơ hội. Mở cửa càng chậm, DN VN càng mất cơ hội”, ông Kiệt đề xuất. 

Doanh nghiệp FDI có lợi?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sản lượng xuất khẩu chiếm đến 70% nên chính các DN FDI sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi có TPP. Bởi thực tế các DN trong nước vẫn còn nhiều hạn chế về điều kiện tiếp thị, công nghệ, vật tư, mẫu mã, vốn… nên vẫn làm gia công là chủ yếu. Trong 20% DN lớn của ngành da giày hiện nay, số DN VN chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
Vì vậy, rất khó để nói đến việc chớp cơ hội. Một DN trong nước thú thật: “Làm gia công vẫn an toàn hơn vì mình chỉ bỏ sức lao động mà thôi. Khách hàng đầu tư hết nên họ cũng “ăn” hết. 
Còn các DN FDI thường đầu tư cả nhà máy thành phẩm và sản xuất nguyên phụ liệu – chỉ cung cấp riêng cho họ, không bán ra bên ngoài. Do đó, số liệu về nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành có tăng theo từng năm nhưng DN nội địa vẫn loay hoay tìm nguyên liệu”.
Đại diện một doanh nghiệp có quy mô trung bình ở TP.HCM cũng lo lắng, nếu TPP được ký kết thì DN da giày trong nước vẫn còn gặp nhiều thách thức. Để được hưởng thuế suất ưu đãi thì phải sử dụng 60% nguyên liệu hoặc giá trị chủ yếu từ các nước thành viên, nhưng vùng nguyên liệu chính của VN hiện nay lại chủ yếu đến từ Trung Quốc, nước không tham gia TPP. Việc tìm kiếm đơn hàng đối với các DN VN là không đơn giản vì phần lớn chỉ là các DN vừa và nhỏ, máy móc thiết bị phải nhập từ nước ngoài…
Để ngành da giày tận dụng được cơ hội từ TPP cần phải tự chủ khâu nguyên liệu, trong khi vấn đề này đã đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa làm được. Vì vậy, mở ngay hay theo lộ trình vẫn còn nhiều ý kiến.

Theo Thanh niên