Dấu ấn của dòng tiền đầu cơ

Trong lúc NĐT ngoại còn đang cân đối việc tái cơ cấu, chưa mạnh tay mua vào trở lại thì NĐT nội đã vượt lên, đem lại làn sóng tích cực cho thị trường.

Chứng khoán đã tăng điểm mạnh mẽ, được thực hiện bởi nhà đầu tư (NĐT) nội. Một sóng hồi phục ngắn hạn đã xuất hiện, dòng tiền đầu cơ đổ vào nhiều các mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã sụt giảm khá sâu. Với mức thanh khoản mạnh, xu hướng tăng điểm sẽ được duy trì, NĐT lướt sóng sẽ kiếm thêm lợi nhuận.

Theo thống kê, sẽ có khoảng 30% số lượng cổ phiếu trên 2 sàn giao dịch thật sự đem lại cơ hội lợi nhuận cho NĐT. Vì vậy, NĐT muốn thắng trên thị trường thì phải biết phân tích, lựa chọn điểm rơi mới đem lại thành công.

Nội vượt ngoại
Trong lúc NĐT ngoại còn đang cân đối việc tái cơ cấu, chưa mạnh tay mua vào trở lại thì NĐT nội đã vượt lên, đem lại làn sóng tích cực cho thị trường. Với phiên tăng điểm mạnh vừa qua, thị trường đã tạo cú hích mạnh lôi kéo dòng tiền đầu cơ tham gia. Theo đó, những cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt, vượt qua khó khăn, nhưng giá đã giảm mạnh về mức thấp, được NĐT mua vào nhiều vẫn là bất động sản.
Các yếu tố vĩ mô được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá ổn định, đủ khả năng chống đỡ khá tốt với nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu trong khi nhiều nền kinh tế mới nổi khác ở khu vực lao đao.
Chính sách tài khóa và tiền tệ được quản lý theo cách hiệu quả hơn, nhưng triển vọng kinh tế trong trung hạn vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tốc độ tái cấu trúc khu vực ngân hàng.
Thông điệp của Thủ tướng với các nhà đầu tư Mỹ rất rõ ràng: “Chúng tôi cam kết mở thị trường tài chính không kém gì các nước trong khu vực. Mời các bạn tham gia thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam”.
Như vậy trong thời gian tới, sẽ có những chính sách mới được ban hành, nhiều khả năng dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản và thị trường tài chính. Đây là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng vào dòng tiền mới sẽ chảy vào thị trường trong tương lai gần. Một chu kỳ tăng giá có thể đã xuất hiện chứ không phải lình xình đi ngang như trước đây.
Qua phân tích những cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường vẫn thu được dòng tiền của NĐT ngoại khi đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Còn NĐT nội bước vào cuộc tìm kiếm cổ phiếu tiềm năng để đầu tư, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường.
Nhiều khả năng dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản và tài chính
Cùng với sự tăng mạnh về điểm số, thanh khoản cải thiện đáng kể. Một số mã thuộc các ngành bất động sản, thép, chứng khoán… có tốc độ tăng giao dịch mạnh như NTL, VSC, JVC, VIS, TLH hay VNE cho thấy sự chuyển hướng của dòng tiền thông minh. Các mã này đều có qui mô vốn ở mức trung bình khá, nhưng lại duy trì được khả năng tăng trưởng ổn định nên NĐT mạnh dạn mua vào.

Thu hút nhà đầu tư
Bên cạnh những tín hiệu khá tích cực về chính sách, thị trường còn tin tưởng, hy vọng vào kết quả kinh doanh khả quan trên thị trường, tạo sóng đầu cơ xuất hiện. Theo đà tăng trên, nhiều CTCK đã mạnh tay cắt giảm lãi suất giao dịch ký quỹ và lãi suất thấu chi (gọi tắt là margin) để thu hút NĐT.
Tại VPBS, NĐT sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất giao dịch ký quỹ và lãi suất thấu chi VPBank tương ứng: 12% và 12,75% (đối tượng VIP1); 11,5-12% và 12,25-12,75% (đối tượng VIP2). ACBS cũng giảm lãi suất giao dịch ký quỹ, bao gồm: lãi suất trong hạn (16.00%/năm); lãi suất quá hạn (150% nhân với lãi suất trong hạn).
Với những NĐT tương đối cá biệt, vay ít, hoặc doanh số ít, cổ phiếu có mức độ rủi ro cao, nhiều công ty vẫn chào đón với lãi suất margin trung bình chỉ còn khoảng 15%/năm.
Không chỉ sử dụng margin đơn thuần cho mọi khách hàng, mọi hình thức nữa, mà các CTCK còn bắt đầu tính đến các “gói sản phẩm” khác nhau như: tặng thêm những sản phẩm hỗ trợ margin như đến ngày T+2, T+3 mới tính lãi suất margin mặc dù đã sử dụng tiền từ ngày T; càng vay nhiều càng được giảm lãi suất thấp hơn; hoặc được thỏa thuận lãi suất…
Một khi lãi suất margin hạ chỉ còn ngang bằng với mức lãi suất mà ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì đây là tín hiệu tốt cho các NĐT. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia khuyên cần cân nhắc trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Bởi lãi suất margin được tính bằng %/ngày chứ không phải %/năm.
Với điều kiện thị trường hiện tại, NĐT bắt đầu mạnh dạn áp dụng chiêu thức vay margin liên tục trong thời gian dài để mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ, hoặc để theo đến tận cùng một mã chứng khoán nào đó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sử dụng dịch vụ margin trong thời điểm hiện nay khiến NĐT dễ bị “cháy” tài khoản, thậm chí còn bị giải chấp.
Cho nên, chỉ khi thị trường đã bước vào xu hướng tăng giá dài hạn mới hạn chế được rủi ro. Lúc đó, các CTCK cho vay tiền để mua cổ phiếu thường là tỷ lệ 50 – 60% trên tổng giá trị danh mục cổ phiếu được cầm cố.
Tất nhiên, mọi thứ vẫn cần thận trọng, đừng quá đu theo sóng để rồi trắng tay.

Theo Thời báo kinh doanh