Ổn định tiền đồng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ Quản lý Đầu tư – VinaCapital khẳng định như vậy về lý do dòng vốn nước ngoài đã quay lại.


Có vẻ nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đang rót vốn và tìm kiếm lợi nhuận trở lại tại thị trường Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư, thưa ông?
Ngoài những dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế vĩ mô, sự nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư phải kể đến đóng góp sự ổn định của thị trường tài chính, ngân hàng.
Trong 18 tháng vừa qua, Việt Nam đồng là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao nhất so với những đồng tiền trong khu vực cũng như của các thị trường mới nổi khác như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ… Điều này, khiến cho giá trị lợi nhuận thu về của các nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam mang tính bảo toàn và bền vững hơn.

Được biết, quỹ có kế hoạch tăng đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nhưng, trong bối cảnh ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu thì liệu NĐTNN còn quan tâm?
Thực tế, NĐTNN đã nhìn thấy tiềm năng của các tổ chức tài chính, ngân hàng tại thị trường Việt Nam và đã có sự tham gia đầu tư tại một số ngân hàng như Vietcombank, Eximbank, MB… Đặc biệt với các nhà đầu tư, càng lúc thị trường khó khăn, xuống thấp thì lại càng có nhiều cơ hội đầu tư và khả năng gia tăng lợi nhuận do phần vốn bỏ ra đầu tư thấp nhưng hiệu quả thu về cao. Hơn nữa, khi đầu tư vào lĩnh vực này NĐTNN luôn hướng tới mục tiêu đầu tư dài hạn, do nhận định về lâu dài ngành tài chính, ngân hàng vẫn luôn hấp dẫn và là lĩnh vực trụ cột để phát triển nền kinh tế.

Vậy nợ xấu có phải là khoản đầu tư được “nhắm” đến theo như quan điểm càng xuống thấp càng dễ mua không, thưa ông?
Nếu có một khung pháp lý chắc chắn và mở rộng cho NĐTNN tham gia thì, đương nhiên, đây có thể sẽ trở thành mối quan tâm của các quỹ và nhà đầu tư. Bởi khi xem xét đánh giá, NĐTNN với kinh nghiệm của mình cũng sẽ nhìn thấy lợi nhuận trong mỗi khoản đầu tư mà nợ xấu ngân hàng, khoản vốn tồn đọng đang hiện hữu tại các tổ chức tài chính. Bởi vì khi các nợ xấu được chuyển đổi thành các khoản đầu tư, được mua bán thuận lợi và sinh ra lợi nhuận thì vẫn luôn được đánh giá là khá hấp dẫn trong tình hình hiện nay.

Lý do nào khiến NĐTNN quay lại sau khi đã thoái vốn?
Nhiều quỹ đầu tư, trong đó có VinaCapital đang có hoạt động khá ổn định và thuận lợi tại Việt Nam. Với giá trị lên đến 1,5 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực cổ phiếu của các công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, bất động sản và cơ sở hạ tầng, có thể coi VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư có quy mô và giá trị gần như lớn nhất Việt Nam. Năm 2013 là năm được đánh giá tình hình kinh tế khó khăn, nhưng thực tế kết quả hoạt động của VinaCapital đến nay vẫn khá tốt.
Tính đến 30/9/2013, Quỹ đã giải ngân 12,4 triệu USD mua lại 39,7 triệu chứng chỉ quỹ (CCQ) tương ứng với 9,28% tổng số CCQ đã phát hành. Giá CCQ đã tăng 52% từ khi bắt đầu chương trình mua lại CCQ từ tháng 8/2012 và tăng 26,3% từ đầu năm 2013. Điều này cho thấy, các NĐTNN vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư và thu về khoản lợi nhuận tương đối tốt tại thị trường Việt Nam.

Các nhà đầu tư của quỹ quan tâm và rót vốn vào lĩnh vực nào?
Nếu xét trên cơ cấu danh mục đầu tư hiện nay của quỹ thì ngành viễn thông vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục với 28%, khu công nghiệp và đô thị dù có giảm nhưng vẫn còn 16,4%. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác như vận tải và logictics, năng lượng cũng chiếm tỷ trọng khá, ngành y tế, hàng tiêu dùng và nông nghiệp ngày càng chiếm tỷ lệ quan trọng và sự quan tâm của NĐTNN.
Đặc biệt, phải kể đến những khoản đầu tư niêm yết đang tăng lên 31,8% so với 24,5% trong năm trước, cho thấy sự hồi phục trở lại của thị trường chứng khoán Việt Nam và niềm tin của nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng