Doanh nghiệp “thừa” lao động, thiếu tay nghề

Trong khi các ngành kế toán, quản lý điều hành, nhân sự, hành chính văn phòng, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng “ế” nhân lực thì hàng loạt ngành nghề dịch vụ khác thiếu hụt nghiêm trọng lao động chất lượng cao có kiến thức và tay nghề.


Các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 10/2013 và xu hướng 2 tháng cuối năm tập trung lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có nghề và kinh nghiệm. Nguồn: internet




Tài chính tiếp tục thừa lao động

Theo báo cáo về thị trường cung cầu lao động trong tháng 10/2013 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung vào lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có nghề và kinh nghiệm.

Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên hoặc phù hợp kỹ năng nghề chiếm 60% trong tổng nhu cầu tuyển dụng cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) trong tháng 10/2013.

Ngoài ra, nhu cầu lao động trình độ đại học giảm mạnh so với tháng trước, nhu cầu lao động trình độ trên đại học có tăng nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu lao động.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm cho biết: “Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm ngay được việc làm phù hợp hoặc phải làm việc trái ngành nghề đào tạo vẫn tiếp tục phổ biến”.

“Tháng 10 cũng là tháng mà nhiều sinh viên, học viên các cơ sở đào tạo nghề tốt nghiệp ra trường. Do đó, nguồn cung lao động trong nhóm này tháng 10/2013 tăng hơn 5% so với tháng 9/2013. Nhu cầu tìm việc tăng nhiều ở các ngành Kế toán – Kiểm toán, Hành chính – văn phòng, Kinh doanh – bán hàng, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, Kinh tế – quản trị kinh doanh…”, báo cáo nhận xét.

Tuy nhiên, theo đánh giá, nguồn cung lao động nhóm ngành Kế toán – kiểm toán, Hành chính văn phòng chiếm tỷ trọng cao nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của DN về kỹ năng. Số người tìm việc làm có nghề chuyên môn Kế toán – kiểm toán chiếm tỷ lệ 21,4%, Hành chính văn phòng chiếm 11,96%, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng chiếm 6,76%, đây cũng là những ngành nghề luôn có tỉ lệ lao động tìm việc nhiều so với những ngành nghề khác.

Do đó, dù nhu cầu nhân lực nhiều ngành có dấu hiệu tăng nhưng vẫn xảy ra tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là ở các nhóm ngành như: Kế toán, Quản lý điều hành, Nhân sự, Hành chính văn phòng, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng… Falmi dự báo nhân lực các nhóm ngành này sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng cung vượt cầu trong 2 tháng cuối năm.

Trong khi đó, những nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong tháng 10 năm nay lại là kinh doanh – bán hàng, dịch vụ – phục vụ, Marketing – quan hệ công chúng; công nghệ thông tin; dệt may – giày da; dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng và cơ khí – tự động hóa.

Báo cáo đưa ra nhận xét chung, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 10/2013 và xu hướng 2 tháng cuối năm tập trung lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có nghề và kinh nghiệm. Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên hoặc phù hợp kỹ năng nghề chiếm 60% trong tổng nhu cầu tuyển dụng cho các hoạt động sản xuất của DN trong tháng 10/2013.

Tháng 11, TP. Hồ Chí Minh cần thêm 30.000 lao động

Đánh giá thị trường lao động cuối năm, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Nhu cầu nhân lực của thị trường có xu hướng ổn định trong 2 tháng cuối năm. Mức độ dịch chuyển lao động diễn biến khoảng 10%, tập trung các DN quy mô vừa và nhỏ. Tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ và phổ thông có thể diễn ra từ đây đến Tết nguyên đán 2014 và sau Tết nhưng ở mức độ không cao như các năm trước”.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân thị trường lao động cuối năm nay ổn định hơn cùng kỳ các năm trước là do xu hướng DN và người lao động đa số muốn gắn bó, ổn định vì yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và ổn định việc làm.

Thời điểm cuối năm, các DN tập trung cho việc hoàn thành các kế hoạch kinh doanh, tính toán phương án tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, kéo sức mua nên nhu cầu nhân lực trong các nhóm ngành về kinh doanh, bán hàng và lao động phổ thông cần số lượng nhiều, tăng trên 2 lần so với tháng 9/2013 với mức lương trung bình từ 3-5 triệu đồng.

Về quan hệ cung – cầu trong thị trường lao động tại thị trường lao động lớn nhất nước, sự chênh lệch vẫn tiếp tục diễn ra. Có những nhóm ngành nghề thiếu hụt lao động nhiều như Cơ khí, Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin, Dệt may – Giày da, Công nghệ thực phẩm, Kinh doanh – Bán hàng, Truyền thông – Quảng cáo – Thiết kế đồ họa, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Y dược – Chăm sóc sức khỏe, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp…Sự thiếu hụt chủ yếu tập trung vào lao động có chất lượng cao (kiến thức và kỹ năng nghề).

Dự kiến, trong tháng 11/2013 thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu khoảng 20.000 chỗ làm việc ổn định và 10.000 việc làm thời vụ. Nhu cầu đối lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề vẫn lớn nhất với 52%, đối với trình độ trung cấp là 23%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học 25%.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số ngành như Marketing – Tổ chức sự kiện – Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn, Kho bãi – Vận tải – Xuất nhập khẩu, Công nghệ thông tin (chuyên viên thiết kế, đồ họa, truyền thông đa phương tiện, lập trình, an ninh mạng), Cơ khí, Điện tử, Dệt may – Giày da, Chế biến lương thực thực phẩm, thủy hải sản…

Kết quả báo cáo dựa trên khảo sát, cập nhật thông tin cung – cầu lao động từ các sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, các trung tâm giới thiệu việc làm và các DN thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng với tổng số 1.460 DN với 15.418 chỗ làm việc trống và 7.038 người có nhu cầu tìm việc.

Theo TCTC