Khi thị trường đủ lớn, các doanh nghiệp trong nước được săn đón kỹ hơn

“Khi thị trường có tỷ lệ tăng trưởng lớn, các nhà sản xuất trong nước, kể cả người tiêu dùng được các hãng công nghệ chăm sóc kỹ hơn với nhiều chính sách đặc biệt hơn”

Từ rất lâu, nhiều hãng công nghệ toàn cầu như Microsoft, Intel, Qualcomm… đã đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam với mục đích là bán hàng! Nhưng gần đây, mối quan hệ giữa các hãng công nghệ với các doanh nghiệp trong nước ngày càng đi xa hơn và “hai bên cùng có lợi”.
“Khi thị trường có tỷ lệ tăng trưởng lớn, các nhà sản xuất trong nước, kể cả người tiêu dùng được các hãng công nghệ chăm sóc kỹ hơn với nhiều chính sách đặc biệt hơn”, ông Vũ Minh Trí, tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, nhận xét.

Thầy thành bạn
Cuối tuần trước, hãng sản xuất di động thương hiệu Việt Mobiistar cùng với nhà sản xuất chip của Đài Loan là MediaTek (gọi tắt là MTK) tổ chức diễn đàn công nghệ “chạm thay đổi – chạm tương lai” tại đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Tổng giám đốc Mobiistar Ngô Nguyên Kha cho biết: “Việc hai bên cùng tổ chức diễn đàn là bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa Mobiistar với MTK…”
MTK là nhà sản xuất chip lớn trên thế giới, theo ông Kha, cuối năm 2008, Mobiistar đã tìm hiểu về chip của MTK. Tháng 6.2009, những chiếc điện thoại phổ thông đầu tiên của Mobiistar xuất hiện trên thị trường đã sử dụng chip của MTK, nhưng mối quan hệ này chỉ là câu chuyện “bán và buôn”. Đầu năm 2012, khi Mobiistar bắt tay vào sản xuất S01, thế hệ smartphone đầu tiên, lúc đó mối quan hệ bắt đầu “sâu sắc hơn”.
Năm 2007, nhóm chuyên gia của công ty chuyên về giải pháp thiết kế vi mạch Synopsys (Mỹ) có mặt tại trung tâm nghiên cứu thiết kế vi mạch của đại học Quốc gia TP.HCM (ICDREC) với nhiệm vụ “cầm tay chỉ việc”, rồi cho mượn phần mềm, máy móc để những học trò của ICDREC biết thế nào là thiết kế vi mạch. “Từ vị thế học trò, những anh em thiết kế vi mạch của ICDREC hiện nay là bạn về chuyên môn với các chuyên gia của Synopsys. Trong thâm tâm, chúng tôi luôn coi họ là thầy, đã dẫn dắt anh em đi vào lĩnh vực thiết kế vi mạch”, thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC chia sẻ.
Bốn năm trước, nhóm kỹ thuật của Mobiistar cũng là những “học trò” của MTK về chiếc điện thoại di động. “Khi tiếp xúc với các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật của MTK, không chỉ biết thế nào là cấu tạo sâu của chiếc điện thoại, từ con chip cho đến hệ điều hành, mà còn học tập ở họ quy trình làm việc, tiến độ thực hiện dự án…”, ông Kha nói. Qua thời gian làm việc với các chuyên gia kỹ thuật, hiện nay nhóm kỹ thuật của Mobiistar đã “đủ sức” nói chuyện về công nghệ, chất lượng sản phẩm, những lỗi kỹ thuật từ sơ đẳng đến cao cấp với các chuyên gia của MTK.
Ông Thiều Phương Nam, tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong những buổi ra mắt các dòng smartphone có sử dụng chip của Qualcomm tại thị trường Việt Nam. “Năng lực tiếp nhận công nghệ của các nhà sản xuất trong nước từ thiết kế, kỹ thuật đã tăng lên đáng kể, ngày càng tiến bộ. Họ đã làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất”, ông Nam đánh giá. Cũng theo một nhà sản xuất, những năm trước, khi nghe nói làm việc với các chuyên gia từ Qualcomm là “ngại” vì kiến thức không nhiều, năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh hạn chế, nhưng nay đã “cải thiện rất nhiều” vì được rèn trong khi làm việc với quy trình chuyên nghiệp và nghiêm túc của các chuyên gia đến từ Qualcomm.

Khi thị trường lớn hơn…
Theo ông Trí, từ năm 2013, Microsoft không chỉ biết bán và bảo vệ bản quyền phần mềm mà còn có những hỗ trợ cho các đối tác chiến lược, các bộ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến người tiêu dùng. Microsoft Việt Nam đã chuyển giao công nghệ chuyển đổi các ứng dụng trên nền tảng máy tính từ hệ điều hành Windows XP sang Windows 7/8 cho FPT để đối tác này hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. HPT đã được Microsoft Việt Nam chọn là đối tác tích hợp hệ thống toàn quốc. 
Với vị thế này, HPT được phép truy cập vào kho tri thức của Microsoft để cập nhật thông tin và các sản phẩm của Microsoft khi khách hàng có yêu cầu. Với các bộ và tập đoàn kinh tế lớn, Microsoft Việt Nam cử chuyên gia cao cấp để tư vấn về công nghệ đám mây, an ninh mạng, chính phủ điện tử. Đến nay, theo ông Trí, Microsoft Việt Nam đã giúp 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu chi phí hoạt động bằng cách cung cấp các phần mềm miễn phí, đào tạo nhân lực sử dụng. 
Với tầm nhìn mới về phương thức hoạt động trên toàn cầu, Microsoft Việt Nam đã xúc tiến nhiều hoạt động đến nguồn nhân lực, như tập hợp, đào tạo được 3.800 nhà phát triển ứng dụng (mục tiêu là 15.000 nhà phát triển vào tháng 7.2014), câu lạc bộ IT Pro với 2.500 thành viên (mục tiêu là 8.000), 660.000 giáo viên và sinh viên được sử dụng phần mềm 365 miễn phí, mở rộng mô hình trung tâm hỗ trợ thanh niên, trung tâm sáng tạo…
Qualcomm là hãng công nghệ có nhiều hỗ trợ cho việc phát triển ứng dụng tại Việt Nam thông qua cuộc thi “Mùa hè sáng tạo” từ những năm 2007. Khi mạng 3G và smartphone phát triển, với thế mạnh là chip xử lý và chip sóng 3G, Qualcomm đã có nhiều hỗ trợ công nghệ cho các nhà sản xuất trong nước như: FPT, Viettel, Q-Mobile, Mobiistar… để có những sản phẩm phù hợp trên thị trường. Theo ông Nam, hiện Qualcomm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, từ thông tin và lộ trình sản phẩm chip xử lý (CPU, wifi, 3G…), cung cấp mẫu thiết kế để sản phẩm có mặt thị trường nhanh hơn, công cụ và phương tiện để kiểm tra chất lượng sản phẩm, độ tương thích sóng 3G tại Việt Nam, kết nối các nhà sản xuất và nhà phát triển ứng dụng…

Theo Sài Gòn tiếp thị