Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp đã lên sàn, bán được CP và xả hàng xong, lãnh đạo một số doanh nghiệp dường như hết động lực nên đã thả trôi doanh nghiệp.
Để đánh giá khả năng tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp, nếu chỉ nhìn vào sức khỏe tài chính, sức mạnh thương hiệu, thị phần là chưa đủ, mà còn phải nhìn vào đội ngũ các nhà quản trị với 2 yếu tố quan trọng là động lực và tâm huyết.
Động lực của lãnh đạo thường khác nhau trong mỗi chặng đường phát triển của doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng là phải luôn được duy trì, nếu không sẽ có sự đứt đoạn. Chẳng hạn, năm 2009, một số doanh nghiệp có động lực lên sàn để chào bán CP, hoặc lãnh đạo đem CP ra xả hàng, nên giai đoạn trước và sau niêm yết một thời gian đã hoạt động rất tích cực.
Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp đã lên sàn, bán được CP và xả hàng xong, lãnh đạo một số doanh nghiệp dường như hết động lực nên đã thả trôi doanh nghiệp. Một số công ty lớn khi niêm yết CP cũng đã giúp cho đội ngũ quản lý trở thành tỷ phú chỉ trong thời gian ngắn.
Nhưng cũng chính điều này đã khiến không ít người nhanh chóng hết động lực, đơn giản vì họ đã giàu, đã có địa vị rồi. Họ đã nỗ lực “chém tướng, đoạt thành” trong một thời gian dài, và giờ là lúc hưởng thành quả thay vì tiếp tục nỗ lực.
Đó cũng là lý do vì sao khi doanh nghiệp tiến hành trẻ hóa đội ngũ, một trong những lợi điểm là những lãnh đạo trẻ thường chưa có nhiều thành quả trong cả vật chất lẫn địa vị, danh tiếng, nên tất yếu sẽ có động lực để làm việc.
Ở chiều hướng khác, khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô, sản xuất, đội ngũ quản trị cấp trung sẽ có nhiều cơ hội trở thành các giám đốc khối, giám đốc bộ phận, để chứng tỏ năng lực, sự máu lửa của mình. Vậy nên lãnh đạo doanh nghiệp làm thế nào để vừa duy trì động lực cho bản thân mình là cả một nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ duy trì động lực thôi là chưa đủ.
Động lực của nhà quản trị cần gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp, và nếu là công ty đại chúng còn phải tính đến cả việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Lúc này, người lãnh đạo cần có tâm huyết. Có những lãnh đạo của các công ty niêm yết không nổi bật do giàu có, mà do tâm huyết với doanh nghiệp, chẳng hạn trường hợp của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh của REE hay Chủ tịch HĐQT Nhựa Bình Minh Lê Quang Doanh.
Thương hiệu cá nhân của những người này thường gắn liền với doanh nghiệp, đi cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Những con người này đã xây dựng doanh nghiệp không chỉ nổi bật về khía cạnh lợi nhuận, mà còn về mặt chiến lược dài hạn, bài bản và trách nhiệm với cộng đồng.
Vậy, làm sao để đánh giá lãnh đạo doanh nghiệp có còn động lực và nhiệt huyết hay không? Điều này có lẽ không đơn giản, vì đây là một yếu tố thiên về định tính và cần có sự quan sát tỉ mỉ. Nhưng cũng có thể phần nào thấy được thông qua đường đi, chiến lược doanh nghiệp đã công bố và cả cách thức doanh nghiệp đối xử với cổ đông.
Tất cả cần phải có sự nhất quán cao độ. Chẳng hạn, thử lật báo cáo thường niên của doanh nghiệp năm nay và so với trước đó vài năm xem có sự nhất quán về chiến lược hay cứ thay đổi xoành xoạch, hoặc cũng có thể đến tham dự đại hội cổ đông của doanh nghiệp, trao đổi với các lãnh đạo, để xem cách thức chia sẻ thông tin, và sự quan tâm đến với cổ đông ra sao…
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC, từng nói: “Đã làm doanh nghiệp, phải có đam mê tâm huyết”.
Theo Sài Gòn đầu tư