Dù thanh khoản có ổn định hay bấp bênh, tín dụng tăng èo uột, ngân hàng vẫn cố gắng hút thật nhiều tiền.
Càng gần cuối năm, các ngân hàng dồn dập tung ra các gói cho vay lãi suất rất thấp, chỉ 7 – 9%/năm, để thu hút khách hàng. Mức lãi suất này hiện ngang ngửa hoặc thấp hơn cả lãi tiền gửi của một số ngân hàng. Chưa khi nào, lãi suất huy động – cho vay lại tiệm cận nhau ở mức thấp và dường như ngân hàng đang cho vay “lỗ”?
Trên “nghị trường” Quốc hội khóa 13, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vẫn lạc quan, tin tưởng rằng “hoàn toàn có cơ sở để đạt tăng trưởng tín dụng 11 – 12% trong năm 2013”, bất chấp dư luận hoài nghi. Mục tiêu tăng tín dụng có thể đạt được, bằng cách này hay cách khác. Nhưng cái đau đầu nhất bây giờ là lợi nhuận năm 2013 có khả năng giảm mạnh.
Cứ “xé rào” lãi suất
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, trong vòng 3 tháng qua, cuộc đua lãi suất huy động đã sôi động hơn ở cả bề nổi lẫn âm thầm, kín đáo. Dù thanh khoản có ổn định hay bấp bênh, tín dụng tăng èo uột, ngân hàng vẫn cố gắng hút thật nhiều tiền.
Chị Tâm, một khách hàng thường xuyên gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Agribank, đã khá bất ngờ khi lãi suất tiền gửi 3 tháng đã tăng thêm 0,5%, lên mức 7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng tăng lên 8%, khiến chị vui mừng vì có thêm chút lãi.
“Đây là số tiền tích cóp sau bao nhiêu năm đi làm, tôi gửi ngân hàng cho an toàn và lấy tiền lãi chi tiêu. Lãi suất tăng thì tôi có lợi hơn”, chị Tâm chia sẻ.
Ngoài Agribank, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm từ 0,5 -1%/năm ở các kỳ hạn. Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietinbank đã tăng lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn 1 – 3 tháng lên mức 6,5%/năm, từ 3 – 12 tháng là 7%/năm.
Với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận tùy theo từng chi nhánh, phòng giao dịch và lượng tiền khách hàng gửi. Trên thực tế, khách hàng thân thiết có thể được hưởng lãi suất cao hơn biểu lãi suất niêm yết. Tại Vietcombank, lãi suất huy động cũng tăng lên 7 – 7,5%/năm (kỳ hạn 6 – 12 tháng), 6,5 – 6,8%/năm (kỳ hạn 3, 2 tháng), nhưng kỳ hạn 1 tháng, lãi suất giảm còn 5%/năm.
Ở khối NHTM cổ phần, cuộc đua lãi suất huy động cũng hết sức căng thẳng, so kè từng kỳ hạn gửi tiền. Ngân hàng Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng lên mức 6,75 – 7,45%/năm, thì lập tức Oceanbank chào mời lãi suất 7 – 7,5%/năm. Còn lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng dao động từ 8 – 8,5%/năm.
Ngay dịp khai trương một chi nhánh ở Hà Nội đầu tháng 11, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã niêm yết lãi suất huy động VND lên tới 9,8%/năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường thời điểm này.
Trên thực tế, những cuộc “đi đêm”, “xé rào” lãi suất vẫn âm thầm diễn ra ở chỗ này, chỗ khác. Nhưng tuyệt nhiên, chưa có ngân hàng nào bị “tuýt còi” vì huy động vượt trần quy định. Bởi lúc này, ai cũng hiểu là các ngân hàng đang “khát” tiền, vừa để cho vay dịp cuối năm, vừa phục vụ các nhu cầu thanh khoản khác. Hoặc buộc phải tăng lãi để cạnh tranh, giữ chân khách hàng trong bối cảnh “người khôn, tiền hiếm”.
Dồn dập vốn rẻ
Trong khi lãi suất huy động tăng, ngân hàng liên tục tung ra các gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp. Đơn cử, Ngân hàng An Bình dành gói tín dụng 1.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) vay với lãi suất chỉ 7,9%/năm, gói 70 triệu USD cho vay lãi suất 3,2%/năm. Mức lãi vay 7,9%/năm này chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động của Oceanbank, Vietcombank, Techcombank… khoảng 0,4%.
Hiện, OceanBank đang cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ 8,5%/năm với các hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ trong dịp cuối năm. So với lãi suất huy động phổ biến tại các ngân hàng, lãi vay chỉ cao hơn 1 – 1,5%.
Thậm chí, nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập, Ngân hàng SHB còn có chương trình ưu đãi cho DN vay lãi suất chỉ 8%. Khách hàng cá nhân chịu lãi suất 5,88%/năm (3 tháng đầu) và trên 8% trong 6 tháng sau.
Chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra quá thấp, khiến nhiều người lo ngại rằng SHB sẽ hết cả lãi? Tuy nhiên, một lãnh đạo của SHB cho hay vốn huy động kỳ hạn ngắn của ngân hàng chỉ có lãi suất khoảng 7%/năm. Ngoài ra, ngân hàng có nhiều nguồn vốn chi phí thấp như tiền gửi thanh toán của DN, nguồn vốn vay liên ngân hàng, vốn ủy thác… Đó là lý do khiến ngân hàng có thể phân bổ lượng vốn rẻ cho sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Một số ngân hàng chấp nhận “lỗ” khi cho vay ở mức lãi suất chỉ 5,99 – 6%/năm với các đối tượng DN, cá nhân vay tiêu dùng, mua sắm ôtô, nhà ở… Bởi lẽ, mùa kinh doanh cuối năm của DN thường là cơ hội để ngân hàng đẩy vốn ra, tăng dư nợ cho vay, có nguồn lợi nhuận dự kiến cho quý I/2014.
Dù không tiết lộ lượng vốn giải ngân được từ các gói tín dụng “siêu rẻ”, giám đốc một chi nhánh ngân hàng cho hay mức chênh lệch lãi suất huy động – cho vay hiện chỉ khoảng trên dưới 3%. Mức lợi nhuận này, ngân hàng phải dùng để trích dự phòng rủi ro nợ xấu, phí bảo hiểm tiền gửi, trang trải chi phí hoạt động…
Tính ra, lời lãi mà ngân hàng thu về cũng không còn nhiều như trước. “Huy động cao, cho vay rẻ chỉ diễn ra với một số lĩnh vực, nhóm khách hàng ưu tiên, còn về tổng thể, ngân hàng phải cân đối nguồn vốn sao cho đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận. Tình cảnh này cũng phần nào cho thấy, lợi nhuận năm 2013 sẽ sụt giảm đáng kể”, vị này chia sẻ.
Theo Thời báo doanh nhân