Sáng 9.11, tại trụ sở UBND TP.HCM đã diễn ra lễ ký các bản ghi nhớ hợp tác phát triển công nghệ vi mạch giữa các đơn vị của Việt Nam và Nhật Bản.
Các bản ghi nhớ hợp tác lần này giữa các đơn vị Việt Nam và Nhật Bản được mở rộng và cụ thể từng lĩnh vực.
Bản ghi nhớ thứ nhất được ký giữa Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn và công nghệ điện tử Kyushu (SIIQ) cùng hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.
Các hợp tác bao gồm việc trao đổi thông tin, trao đổi nhân sự giữa các công ty thành viên của hai phía, đồng thời xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Kyushu, nơi được xem là “đảo” công nghệ vi mạch của Nhật Bản, với các sản phẩm phục vụ cho công nghệ ôtô, điện tử. Kyushu có hơn 1.000 công ty thiết kế, chế tạo liên quan đến vi mạch.
Bản ghi nhớ thứ hai được ký giữa Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (ICDREC) với Công ty RADRIX (Nhật Bản) để thực hiện dự án thiết kế với mục đích hợp tác, phối hợp thiết kế và sản xuất chip theo chuẩn 4G. Sau đó hướng tới thiết kế chip chuẩn 5G, đồng thời thành lập doanh nghiệp liên doanh nhằm thương mại hóa sản phẩm.
Trong sự hợp tác này, ICDREC đóng góp vào dự án hợp tác bằng chính các lõi IP do đơn vị này đã nghiên cứu, thiết kế và phát triển được trong thời gian qua.
Hiện ICDREC đang sở hữu 43 lõi IP và đã được chào bán trên sàn quốc tế. Điều này đánh dấu các thiết kế, lõi IP của Việt Nam đã được sự thừa nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, quốc gia hàng đầu về vi mạch bán dẫn.
Theo Thanh niên