Kịch bản nào cho kinh tế vĩ mô 2014?

2014 nhiều khả năng tiếp tục là năm thứ 3 liên tiếp có mức tăng trưởng GDP thấp, dưới 6% đồng thời chính sách tiền tệ thận trọng, thắt chặt tiếp tục được duy trì.

Dựa trên những nhận định, đánh giá về thực trạng và những khó khăn đã, đang diễn ra trong năm 2013, với những chính sách sẽ được áp dụng trong tương lai gần, sẽ có 3 kịch bản cho kinh tế vĩ mô 2014 theo báo cáo dự báo mới đây của MSBS (CTCP Chứng khoán Maritime Bank).
Kịch bản cơ bản với nhiều khả năng nhất, 2014 sẽ có sự phục hồi nhưng diễn ra chậm.
Cụ thể, 2014 tiếp tục là năm có mức tăng trưởng GDP thấp, dưới 6%, nhưng sẽ cao hơn 2013. Ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính – ngân hàng tiếp tục là trọng tâm của chính phủ thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. 
Chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì sự thận trọng và thắt chặt nhằm hướng tới mục tiêu lạm phát khoảng 7% trong 2- 3 năm tới, thậm chí thấp hơn trong các năm tiếp theo. Cán cân thương mại ở mức cân bằng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài có sự cải thiện nhẹ.
Theo kịch bản này, 2014 vẫn là một năm khó khăn với các doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ diễn ra chậm và ít nhận được sự quan tâm. Thị trường chứng khoán không tăng mạnh, nhất là giai đoạn nửa đầu năm.
Lưu ý, theo số liệu của Chính Phủ, GDP tăng trưởng kế hoạch của 2013 là 5.5%, thực tế 9 tháng đầu năm là 5.1%. Lạm phát theo kế hoạch 2013 là 8%, thực tế 9 tháng là 6.3%.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo GDP Việt Nam 2014 tăng trưởng 5.24%, và Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng 5.43%. Quốc hội ngày 11/11 vừa qua thì biếu quyết thông qua mức tăng trưởng GDP năm 2014 là 5.8%
Kịch bản lạc quan hơn, kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn hẳn 2013
Với động lực là thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt, GDP tăng trưởng đạt mức 6%. Chính sách tiền tệ thận trọng được duy trì nhằm kiềm chế lạm phát ở mức 7 % và có thể giảm nhẹ trong 2-3 năm tới. 
Thâm hụt ngân sách có thể được cải thiện nhưng Chính phủ vẫn tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, nhưng áp lực phát hành thành công giảm. 
Doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). VN-Index có đủ lực đạt mốc 600 điểm. Bất động sản chạm đáy khiến hoạt động mua bán tài sản giá thấp diễn ra sôi động.
Kịch bản lạc quan nhất: Tăng trưởng kinh tế vượt dự báo. Kịch bản này được đánh giá là khó có khả năng xảy ra nhất.
Theo đó, GDP sẽ tăng vượt dự báo và tiệm cận mức tăng trưởng giai đoạn 2005-2007 (7%-8%) nhờ các động lực là dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tái cơ cấu nền kinh tế được thuận lợi, nhiều vụ mua bán sáp nhập diễn ra với quy mô lớn. Tín dụng tăng trưởng nhanh cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ đẩy lạm phát tăng ngoài kiểm soát và xảy ra xu hướng nâng lãi suất huy động. VN-Index có thể chạm vùng giá 600-650 điểm, thanh khoản tăng vọt.

Theo CafeF/Trí thức trẻ/MSBS