Nỗi lo thị trường bán lẻ bị doanh nghiệp ngoại lấn lướt

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 120 trung tâm thương mại (các tập đoàn nước ngoài chiếm 25%) và 700 siêu thị (tập đoàn nước ngoài chiếm 40%).

Đáng chú ý là các nhà phân phối, tập đoàn nước ngoài có mặt ở Việt Nam hiện nay đều có thể “nuốt chửng” doanh nghiệp (DN) trong nước cả về kinh nghiệm cũng như ưu thế mặt bằng, tiềm lực vốn. Để thị phần bán lẻ trong nước không “rơi vào tay” DN ngoại, các chuyên gia cho rằng, ngoài nỗ lực của cộng đồng DN trong nước, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự ưu ái hàng Việt của giới truyền thông và chính người tiêu dùng.
Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho biết: Việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết của WTO là không thể “cưỡng” lại. Tới đây, khi mở cửa hoàn toàn, DN trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với DN lớn của nước ngoài có nhiều kinh nghiệm. 
“Về vốn, chưa có DN Việt Nam nào vốn trên 100 triệu USD. Ngoài ra, doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20 đến 30 lần so với DN Việt. Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi sẽ rất khó khăn”, ông Mạnh bày tỏ lo lắng.
Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh thêm: Khó khăn nhất của DN bán lẻ trong nước hiện nay là thiếu mặt bằng và dịch vụ Logistics. Thị trường bán lẻ muốn phát triển cần có hệ thống Logistics tốt từ kho bãi, trung tâm phân phối, lưu kho, vận tải và các dịch vụ đi kèm.
Dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các DN bán lẻ ngoại nhưng ở một số địa phương các DN này vẫn được ưu ái. Đơn cử như mặt bằng, các DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh nhưng không được giải quyết mà vị trí đó đã “rơi” vào tay DN ngoại. Với những khó khăn hiện nay của khối DN nội, sự lo lắng trong cuộc chạy đua là có cơ sở. 
“Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất để phục vụ bán lẻ. Đối với hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ở các công trình công cộng đề nghị cho các DN bán lẻ Việt Nam tham gia sử dụng có hiệu quả quỹ mặt bằng ở các tuyến metro, điểm bán lẻ dưới lòng đất để phát triển trong bối cảnh hết sức khó khăn này”-bà Loan đề xuất.
Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng: Để phát triển thị trường bán lẻ, đủ sức cạnh tranh thì các DN trong nước cần liên kết với nhau, liên kết giữa DN với nhà sản xuất sản phẩm hàng hóa, liên kết trong chuỗi cung ứng. Có như thế, giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng mới giảm được ở mức thấp nhất.
Để tạo điều kiện cho DN bán lẻ Việt Nam phát triển và đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, bà Đinh Thị Mỹ Loan đề nghị Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi về mặt bằng, về nguồn vốn, quản lý và đào tạo nhân lực, phát triển hệ thống dịch vụ Logistics hay hỗ trợ xây dựng khoảng 10 đến 20 tập đoàn bán lẻ lớn, có thương hiệu của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần ủng hộ của giới truyền thông và cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Có như vậy mới tạo sức bật cho các DN Việt Nam trên thị trường bán lẻ.

Theo Công an nhân dân