TTCK có những nghịch lý khó hiểu khi những cổ phiếu nóng tăng giá, tiền đổ vào thị trường với khối lượng lớn thì cũng có rất nhiều cổ phiếu đứng ngoài cuộc chơi.
Chẳng biết những cổ phiếu này làm ăn ra sao, ngành nghề kinh doanh thế nào, giao dịch trả cổ tức ra sao mà nhiều tháng trời chẳng có cổ phiếu nào được giao dịch. Có thể những cổ phiếu này đã bị lãng quên và việc niêm yết trên thị trường với giá bao nhiêu chẳng ai thèm quan tâm, giờ chúng chỉ còn là những cái xác không hồn.
Hơn nửa năm nay, cổ phiếu MHL của Công ty CP Minh Hữu Liên chẳng có giao dịch mua, bán nào thành công. Mặc dù vẫn niêm yết trên TTCK, nhưng lần cuối cùng có giao dịch 100 cổ phiếu (1 lô duy nhất) vào ngày 6/5/2013.
Khoảng trống giao dịch?
Có rất nhiều cổ phiếu khác đã không có giao dịch từ nhiều tháng nay, như: TSM của Công ty CP Xi măng Tiên Sơn Hà Tây cũng gần nửa năm nay không có giao dịch. Lần giao dịch cuối cùng ở mức giá 2.700 đồng/cổ phiếu là vào ngày 14/6/2013, với khoảng 1.400 cổ phiếu được chuyển nhượng. Từ đó đến nay, cổ phiếu này vẫn giữ mức giá tham chiếu này mà không có nhúc nhích, chuyển động gì và hình như chẳng ai quan tâm đến nó nữa.
Cổ phiếu VIE của Công ty CP Công nghệ Viễn thông VITECO cũng có mệnh giá 2.700 đồng/cổ phiếu, sau nhiều tháng không có ai giao dịch thì cách đây vài hôm bỗng có nhà đầu tư (NĐT) “giật mình” tỉnh giấc mua bán vài trăm cổ phiếu cho “vui cửa, vui nhà”.
Một cổ phiếu khác cũng khoảng gần 6 tháng rồi chưa có giao dịch đó là SVN của Công ty CP SolaVina. Cổ phiếu này có mệnh giá ở mức khá cao, gần 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cũng không có NĐT nào quan tâm mua, bán, giao dịch từ nhiều tháng nay.
Còn cổ phiếu HLY của Công ty CP Viglacera Hạ Long I cũng từ nhiều tháng nay không có giao dịch hoặc giao dịch rất ít, nhưng theo chiều hướng tăng chứ không giảm. Trong khi đó, cổ phiếu lại đang trong tình trạng bị kiểm soát vì lợi nhuận âm.
Vào thời điểm tháng 10/2012, cổ phiếu trở về dưới mệnh giá kéo dài suốt nhiều tháng không có ai mua bán. Sau đó, vào tháng 2/2013 thì bị đưa vào diện cảnh báo do làm ăn thua lỗ, nhưng có nghịch lý khó hiểu là giá lại tăng dần đều mỗi tháng 1 phiên và đạt mức giá cao nhất là 20.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 6/2013 thì dừng lại cho tới nay.
Cổ đông sở hữu cổ phiếu này cũng mừng thầm trong bụng dù cho có làm ăn thua lỗ thì giá cổ phiếu vẫn tăng. Đây là những nghịch lý khó hiểu chỉ có trên TTCK Việt Nam.
Như vậy, có rất nhiều cổ phiếu dù tốt hay xấu chưa cần nói đến nhưng đã bị NĐT lãng quyên. Dư luận đặt dấu hỏi suốt thời gian dài như vậy mà chẳng ai thèm mua hay bán cổ phiếu niêm yết công khai trên sàn được gọi là công ty “đại chúng” để làm gì. Điều đáng lo ngại hơn nữa, là tất cả những doanh nghiệp niêm yết này đều giao dịch ở sàn Hà Nội (HNX).
Nhiều cổ phiếu tốt cũng vẫn bị lãng quên
Theo thống kê, trên toàn thị trường có đến hơn 60% trong số gần 700 cổ phiếu niêm yết có khối lượng giao dịch thấp, bình quân dưới 10.000 cổ phiếu/phiên. Đặc biệt, 35 cổ phiếu trên sàn chỉ giao dịch bình quân dưới 100 đơn vị/phiên, mà nếu xét ở sàn HNX thì đây chưa đủ để cấu thành nên 1 lô cổ phiếu.
Thị trường có biến động lên hay xuống, dòng tiền ra vào thất thường thì đối với nhưng cổ phiếu vừa được thống kê ở trên như: TSM, SVN, VIE, MHL, hay HLY vẫn “án binh bất động” hoặc trong tình trạng khan hiếm giao dịch, thậm chí không có giao dịch nào xảy ra suốt thời gian dài.
Đây đều là cổ phiếu của những công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều quý. Trong đó, lỗ nhiều quý nhất là HLY với 7 quý liên tiếp, tính từ đầu năm 2012.
Tốt cũng bị lãng quên
Tuy nhiên, trên thị trường có những cổ phiếu đón nhận kết quả kinh doanh rất khả quan, tăng trưởng lợi nhuận gấp nhiều lần cùng kỳ nhưng cũng không có thanh khoản, khối lượng giao dịch tại các cổ phiếu này ở mức rất khiêm tốn. Nhiều cổ phiếu tăng trưởng trên 500% như BHT, NGC, SDU, SC5 hay chuyển lỗ thành lãi như VHL, DHC, HAX…
Theo nhận xét của một số chuyên gia, việc lên sàn của doanh nghiệp thường có 3 mục đích: huy động vốn, tạo ra thanh khoản cho cổ phiếu và để minh bạch với cổ đông.
Việc cổ phiếu không có giao dịch hay chỉ giao dịch rất thấp cũng một phần do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh không khả quan, NĐT thiếu thông tin, cổ phiếu tự do chuyển nhượng ít hay do mức giá hiện tại khá cao khiến NĐT ngần ngại.
Tiêu biểu cho trường hợp cổ phiếu có thị giá khá cao là LHC, FDT. Nhóm cổ phiếu dạng này không nằm trong sự kỳ vọng sẽ còn tiếp tục gia tăng giá của các NĐT, mức tăng trưởng khó cao cũng như vốn đầu tư nhiều nên tỷ suất sinh lợi không như kỳ vọng.
Với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (LHC), có vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng năm 2013 đạt hơn 37 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2012 cho đến thời điểm kết thúc quý III, LHC luôn duy trì mức lợi nhuận ổn định. Vậy mà mức giao dịch vẫn rất thấp.
Một cổ phiếu khác là FDT, Công ty CP Fiditour với vốn điều lệ chỉ hơn 30,5 tỷ đồng và mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013 gần 6 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng khối lượng giao dịch bình quân 94 phiên chỉ ở mức 236 đơn vị, một con số rất nhỏ. Nói chung là kém sôi động trên thị trường.
Như vậy, ngoài những cổ phiếu làm ăn thua lỗ không có giao dịch thì kể cả những cổ phiếu kinh doanh tốt cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các cổ phiếu này đều do cổ đông lớn nắm hơn 50% cổ phiếu, đồng thời vốn điều lệ thấp, nên dẫn đến tình trạng thanh khoản kém.
Xem như những cổ phiếu này đã bị “lãng quên”.
Theo Thời báo kinh doanh