Mời bạn bè về công ty do mình điều hành: Bạn tốt chưa hẳn đã thạo việc

Bạn bè giúp nhau là chuyện bình thường trong kinh doanh, nhưng trong thực tế vẫn xảy ra những tình huống khó xử khi quan hệ bạn bè trong doanh nghiệp có những ảnh hưởng “li ti” đến việc chung. Cách đây không lâu, tạp chí SHRM đã đăng một bài viết của luật gia Jathan Janove nhằm chia sẻ về vấn đề này.
Tác giả lấy một câu chuyện điển hình ở Công ty Walt Disney. Tại đó có trường hợp Tổng giám đốc điều hành D. Eisner đã thuê người bạn thân tên là S. Ovitz giữ vị trí quản trị viên cao cấp của công ty. Thời gian đầu, quan hệ công việc và cá nhân giữa Eisner và Ovitz bình thường, chưa có biểu hiện gì đáng buồn, nhưng sau 14 tháng thì hai người phải ngồi lại với tư cách của bên sử dụng lao động và bên làm thuê để kết thúc hợp đồng lao động.
Việc phải trả tiền bồi thường cho Ovitz đã dẫn tới vụ kiện tụng của cổ đông đối với ban giám đốc công ty. Là một chuyên gia về luật lao động và điều hành của Công ty Janove Baar Associates (chuyên huấn luyện cho các nhà quản trị kinh doanh giải quyết các khó khăn về nhân sự), Jathan Janove nêu ra sáu điều cần rút kinh nghiệm qua vụ việc trên như sau: 

1. Bạn tốt chưa hẳn đã làm được việc
Khi quyết định tiếp nhận bạn vào làm việc ở doanh nghiệp do mình lãnh đạo, nhà quản trị phải đảm bảo yêu cầu công việc phù hợp với năng lực làm việc của bạn để người ấy sẽ hoàn thành được những nhiệm vụ theo các mục tiêu của công ty, trong đó có nhiệm vụ tuân thủ các quy định về giờ giấc và nguyên tắc của công ty áp dụng cho mọi người. 
Nếu người bạn không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết thì đừng cả nể mà tiếp nhận. 

2. Không biểu hiện bất cứ sự thiên vị nào
Cho dù nhà quản trị có đối xử với người bạn bình đẳng như với mọi nhân viên khác thì vẫn không tránh được ấn tượng về mối quan hệ bạn bè thân thiết từ lâu. Cần tỉnh táo điều chỉnh quan hệ bạn bè để mọi nhân viên không cảm thấy có sự khác biệt nào. Trong những dịp sinh hoạt tập thể, tiệc tùng, không nên biểu lộ thái độ quá thân thiện với người bạn nhằm loại bỏ cảm giác thiên vị trong suy nghĩ của các nhân viên. 

3. Xác định ranh giới rõ ràng
Cần trao đổi với người bạn những suy nghĩ thẳng thắn rằng dù là bạn bè thân thiết nhưng trong công việc thì mỗi người có một vị trí cùng những trách nhiệm cụ thể và ai cũng phải làm việc thật sự có hiệu quả, không thể vì quan hệ bạn bè mà châm chước cho bất kỳ thiếu sót nào của bạn được. 

4. Cân bằng trong ứng xử
Với mọi nhân viên, nhà quản trị hãy gửi cho họ thông điệp “Các bạn đều biết chúng tôi là bạn bè thân thiết lâu năm, nhưng trong công việc thì anh ta vẫn có trách nhiệm thực hiện mệnh lệnh của tôi và báo cáo cho tôi không khác gì các bạn”. 

5. Không vì thông cảm mà bỏ qua sai sót
Nếu người bạn gây ra trục trặc trong công việc thì không vì lý do gì mà dễ dàng thông cảm, bỏ qua để hy vọng trục trặc đó chỉ tạm thời, rồi sẽ ổn cả. Lối hành xử đó sẽ làm cho tình hình tệ hại hơn. Tới khi hết cách đùn đẩy, người bạn có thể sẽ phản ứng quá mức (nổi giận, gây hấn, chối bỏ trách nhiệm…) và cuối cùng, chính nhà quản trị là người gánh mọi hậu quả.

6. Nếu vấn đề trở nên quá phức tạp thì dứt khoát nói lời chia tay
Ví dụ, nhà quản trị có thể thẳng thắn nói: “Tôi rất buồn nhưng vẫn phải quyết định dừng mối quan hệ hợp tác của chúng ta vì những việc anh đã làm không đạt kết quả như công ty mong đợi. Tôi buộc phải làm việc này nhưng vẫn luôn quý mến anh và sẽ giúp anh tìm một công việc mới thích hợp hơn”. Tóm lại, hãy nhớ điều mà Rockefeller đã khuyên nhủ: “Hãy giữ lấy tình bạn có được từ công việc chứ không phải làm ngược lại”.

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần