Chủ tịch Hồ Chí Minh được cả thế giới biết đến là một người cộng sản. Tuy nhiên, từ cách nhìn nhận đến tư tưởng của người về giới doanh nhân (hay nói cách khác là những người Hữu sản) rất cởi mở và tiến bộ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: Tầm nhìn của Cụ Hồ về giới doanh nhân đã đi trước nửa thế kỷ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng Đại biểu Quốc hội khóa I
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện doanh nhân tiêu biểu của
Thủ đô đã ủng hộ trong “Tuần lễ vàng”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, với cách nhìn nhận tiến bộ như vậy nên tư tưởng của Hồ Chí Minh đã có những điểm mâu thuẫn với hệ tư tưởng vô sản thời bấy giờ.
– Vậy, sự tiến bộ về tư tưởng của Người thể hiện ở đâu, thưa ông ?
Nhưng năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phong trào cách mạng vô sản thế giới phát triển rất mạnh mẽ. Tư tưởng cách mạng vô sản nhìn chung lúc đó hướng tới xóa nhòa các quan điểm, tư tưởng về dân tộc, chỉ còn giai cấp. Đấu tranh giai cấp là quyết liệt và triệt để. Thậm chí đến mức, đã là cộng sản thì phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” tầng lớp hữu sản. Tuy nhiên, từ tình hình và thực trạng của VN, Cụ Hồ lại luôn dương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc.
Có thể nói, Cụ Hồ là người đã mang cách mạng vô sản về VN. Bởi vì, Cụ Hồ đã nhìn thấy, chỉ có cách mạng vô sản mới giúp cho VN thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, giúp người dân VN có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Nhưng mặt khác, Cụ Hồ cũng đã nhận thấy một số nét đặc thù của VN thời đó. Từ một đất nước phong kiến chuyển sang thuộc địa kiểu cũ, xã hội VN có nhiều tầng lớp khác nhau.
Để giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, Cụ Hồ đã nhìn ra con đường là thống nhất, đoàn kết mọi lực lượng dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc. Một trong những nguồn lực quan trọng để làm cách mạng giải phóng dân tộc là tài chính. Nguồn lực này ban đầu không thể ai khác chính là sự đóng góp của giới doanh nhân (những người hữu sản).
– Ông có thể chỉ ra một số sự kiện lịch sử quan trọng chứng minh cho luận điểm này?
Mọi hành động, quyết sách của Cụ Hồ đều hướng đến mục tiêu đoàn kết các tầng lớp trong xã hội. Chỉ cần nhìn vào cách ứng xử của Cụ Hồ cũng có thể thấy sự tinh tế trong cách vận động các lực lượng. Ngay khi về Hà Nội, Cụ Hồ đã ở tại nhà một người giàu có nhất nhì Hà Nội tại phố Hàng Đào. Khi vừa giành được chính quyền, Cụ Hồ đã viết thư gửi “giới công thương”, một cách gọi những người doanh nhân rất chuẩn mực và thân thiết.
Không riêng gì bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, nếu nhìn lại các văn kiện và tài liệu thời đó của Người đều thể hiện một tư tưởng rất cởi mở và tiến bộ đối với giới doanh nhân. Cụ Hồ đã nhìn thấy quy luật dân giàu thì nước mạnh, nước mạnh thì dân giàu. VN sẵn sàng mở cửa không chỉ cho doanh nhân trong nước được tư do kinh doanh mà cả với các doanh nhân nước ngoài, miễn là hai bên cùng có lợi. Chính cách nhìn nhận và đánh giá đó đã khiến rất nhiều doanh nhân nổi tiếng và giàu có đi theo cách mạng. Một minh chứng rõ ràng cho chủ trương trên là sự thành công của Tuần lễ vàng. Những người hữu sản đã đóng góp hầu hết tài sản vì công cuộc giải phóng dân tộc.
– Ông có thể đưa ra một số ví dụ về doanh nhân đi theo cách mạng và làm cách mạng, thời đó ?
Doanh nhân VN thời đó có số lượng không nhiều, quy mô nhỏ. Tuy nhiên, dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc, rất nhiều người có tinh thần ủng hộ cách mạng. Tiêu biểu là một số người như gia đình cụ Trịnh Văn Bô, gia đình cụ Cự Doanh, ông Nguyễn Sơn Hà…
Mặc dù, những người như họ đều được xã hội cũ vị nể, thậm chí có người còn giữ một số chức vụ quan trọng như ông Nguyễn Sơn Hà. Ông là chủ một hãng sơn lớn đủ sức cạnh tranh với các DN của Pháp, là Phó thị trưởng TP Hải Phòng. Nhưng nghe theo tiếng gọi của ngọn cờ giải phóng dân tộc ông đã xung công tài sản và đi theo cách mạng. Ông đã được bầu làm đại biểu Quốc hội. Con trai ông cũng đi theo kháng chiến và hy sinh…
Nhìn lại những đóng góp của giới doanh nhân thời đó và trước nữa như cụ Lương Văn Can hay cụ Phan Chu Trinh… Họ đều là những nhà hữu sản nhưng đóng góp của họ cho cách mạng, cho dân tộc, cho nhân dân chắc không có nhiều người có thể so sánh được.
– Cụ Hồ đã có cái nhìn rất nhạy bén, phù hợp với quy luật, thậm chí từ quy luật Cụ Hồ đã chỉ ra được những nét đặt thù của cách mạng VN. Ông nghĩ sao về điều này ?
Những vấn đề về tự do kinh doanh hay cách đánh giá giới doanh nhân của Cụ Hồ là cái nhìn của một vị lãnh tụ, một nhà lãnh đạo đất nước thiên tài. Hơn hai mươi năm đổi mới gần đây thực chất là quay lại những giá trị mà Cụ Hồ đã nói và đặt vấn đề từ trước đó nửa thế kỷ. Tất nhiên, do hoàn cảnh của chiến tranh, rồi ảnh hưởng của hệ tư tưởng vô sản một cách triệt để đã khiến giới doanh nhân phải chịu nhiều biến cố, đã có lúc hầu như bị triệt tiêu. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ rồi cũng sẽ phải theo quy luật. Các quyền tự do kinh doanh, tự do làm giàu chính đáng, mưu cầu hạnh phúc của người dân rồi bắt buộc sẽ trở về với người dân. Là người lãnh đạo đất nước Cụ Hồ bao giờ cũng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Hiện nay, có tình trạng vì lợi ích của một nhóm người mà quên đi cái lợi ích chung, lợi ích của dân tộc chính là đi ngược lại ý chí và tư tưởng của người. Đáng buồn hơn, một số người còn vận dụng cách dùng từ đặc thù để làm thay đổi quy luật. Điều này khiến cho tiến trình phát triển đất nước sẽ chậm lại.
– Xin cảm ơn ông!
Theo dddn