Bài được trích từ blog của tiến sĩ Alan Phan.
Trong những lần đầu đến Việt Nam, khoảng 1993 gì đó, tôi gặp anh Cổ Gia Thọ. Trẻ, hiền lành bề ngoài…nhưng ai cũng thấy bên trong là một doanh nhân sắc sảo, cần cù và quyết tâm. Vị trí của chúng tôi trên thương trường có rất nhiều cách biệt: tôi là Chủ Tịch Công Ty Hartcourt Pen, vừa hoàn tất một nhà máy sản xuất đủ loại bút viết và văn phòng phẩm ở Quảng Đông với kinh phí 12 triệu USD, trang thiết bị từ Mỹ, Thụy Sĩ và Đức. Anh có một xưởng làm viết ở Chợ Lớn, phần lớn là dây chuyền thủ công nội hóa, doanh thu chắc cũng khiêm tốn như mẫu mã của sản phẩm anh đưa chúng tôi coi. Tôi đoán trong lòng anh lúc đó, anh chỉ ao ước công ty gia đình Thiên Long một ngày nào đó, lớn bằng nửa Hartcourt Pen.
Đến 2003, 10 năm sau, thì vị trí trên thương trường của 2 công ty cũng rất khác biệt. Hartcourt Pen gặp khó khăn về nợ xấu và thị trường xuất khẩu, bị ngân hàng tịch thâu và phát mãi. Thiên Long phát triển ngoạn mục và sửa soạn niêm yết trên sàn. Khi tôi đọc về Thiên Long trên các báo cáo của quỹ, tôi tiếc thầm là sao mình không có một Cổ Gia Thọ để lãnh đạo Hartcourt Pen!!
Cổ Gia Thọ, người thầy về quản trị
Tôi không quen thân với anh Thọ để biết nhiều hơn về anh, ngoài những gì đọc và nghe qua mạng công chúng. Tôi không biết là anh có bằng MBA hay kinh tế gì không, nhưng Thiên Long là một trường hợp kinh điển của một doanh nghiệp hoạt động bài bản, theo đúng mọi quy luật để thành công trên thương trường. Anh Thọ là một lãnh đạo đúng nghĩa để chúng ta ghi nhận và bắt chước. Với các doanh nhân trẻ, tôi hy vọng là bài học của Cổ Gia Thọ sẽ ấn tượng sâu đậm vào tư duy và hành động trong mọi lựa chọn hàng ngày.
Góc nhìn của tôi về cá tính kinh doanh của anh Thọ (có thể là phiến diện vì chỉ mới gặp lại anh sau gần 20 năm) là như thế này:
1. Chuyên sâu và tập trung:
Như ngọn laser, anh dồn tất cả nguồn lực vào việc phát triển Thiên Long suốt 30 năm qua. Không bầy đàn, không chạy theo những sở đoản thời thượng như BDS, chứng khoán, khoáng sản hay phá rừng làm thủy điện…Tôi chắc là anh đã không thiếu cơ hội; nhưng anh vẫn tha thiết với sản phẩm cốt lõi của công ty. Anh liên tục xây dựng kiến thức về ngành nghề qua học hỏi, tìm tòi cũng như kinh nghiệm, thắng và thua.
2. Tầm nhìn đa quốc gia
Ngay trong lần gặp đầu, anh đã rất thú vị khi hỏi tôi về thị trường viết bút ở Mỹ và Trung Quốc. Anh có nói về ao ước đem sản phẩm Thiên Long xuất khẩu, qua các thị trường nhỏ khác. Anh biết là biên giới quốc gia không nghĩa lý gì trên một thương trường toàn diện.
3. Kỹ năng vượt khó
Tôi tin chắc là trong 30 năm qua, Thiên Long đã phải vượt qua nhiều trận bão ở nhiều cấp độ khác nhau. Cái khôn ngoan cùng may mắn, thấu hiểu cái cơ trong nguy, cái kiên nhẫn đợi thời…phải là một đặc tính, nếu không bẩm sinh, thì chắc đã được tôi luyện rất vững vàng trong con người anh Thọ.
4. Sáng tạo
Để phát triển một công ty như Thiên Long, kiên nhẫn và chịu đựng chưa đủ. Sự phát triển bền vững để xây thương hiệu và thị phần, cũng như mạng lưới đại lý, đòi hỏi một nỗ lực sáng tạo của toàn thể nhân viên. Muốn vậy, người lãnh đạo phải luôn làm một tấm gương sáng và truyền đạt sự đam mê của mình, ít nhất là cho nhóm quản trị.
5. Biết mình biết người
Tôi nghĩ là anh phải thuộc nằm lòng chiến thuật của Tôn Tử. Đối diện với bao đối thủ cạnh tranh trong nước, cũng như hàng nhập khẩu, sản phẩm Thiên Long vẫn chiếm lĩnh được 60% thị trường bút viết tại Việt Nam. Anh còn đủ bản lãnh để đem chuông đi đánh xứ người, đặc biệt là Trung Quốc, với thế trận khá phức tạp cho mọi tay chơi.
6. Quản lý rủi ro
Trong suy thoái hiện tại của thị trường chính ở nội địa, Thiên Long vẫn có một lợi nhuận ấn tượng là 111 tỷ VN đồng với 300 tỷ doanh thu. Mọi nhà đầu tư chuyên nghiệp đều nhìn vào báo cáo tài chánh hàng quý hàng năm để đánh giá kỹ năng quản lý rủi ro của ban quản trị. Đánh giá của các phụ tá của tôi về Thiên Long là khá ổn định.
7. Lui lại khi cần
Khi giao lại chức Tổng Giám Đốc cho người mới, anh Thọ đã biết sửa soạn một kế nghiệp lâu dài và bền vững cho Thiên Long. Đó là sự khiêm tốn cần thiết của người lãnh đạo, biết lùi để một dòng máu mới thay đổi và tiến bộ. Không nghĩ mình là đỉnh cao phải ôm quyền hành và quyền lợi đến khi tắt thở, anh Thọ đã kéo dài tuổi thọ của Thiên Long thêm nhiều thế hệ.
Một doanh nhân trẻ hỏi tôi tại một hội thảo là tôi có tiếc nuối điều gì trong sự nghiệp kinh doanh. Tôi nhắc anh một câu nói của Michael LaBoeuf,” Waste your money and you’re only out of money, but waste your time and you’ve lost a part of your life” (Phung phí tiền bạc thì chỉ mất tiền; nhưng phung phí thời gian thì bạn đã mất một phần đời). Vì muốn kiếm tiền nhanh, chúng ta sẵn sàng đốt giai đoạn bằng cách tìm những con đường tắt.
Qua những trải nghiệm của Cổ Gia Thọ, chúng ta cần một thời gian rất dài, có khi cả một đời người, để hoàn tất một sự nghiệp, một thương hiệu, một tác phẩm, một di sản…Thời gian mà chúng ta tưởng đã “đốt” được lại là những phung phí trên bình diện khác. Tôi đã mất rất nhiều cơ hội (thực sự, là thời gian) vì những con đường tắt lười biếng này. ..
Theo gocnhinalan