Chuyển giá, vấn đề được tranh luận nhiều tại Việt Nam. Năm 2012, Tổng cục Thuế Việt Nam công bố một báo cáo cho biết 57% trong số 5.500 doanh nghiệp FDI được rà soát (chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp FDI) đã báo lỗ ròng trong hai năm năm 2010 – 2011.
Ảnh minh họa
Đẩy sự việc đi xa hơn, tháng 10/2012, Tổng cục Thuế công bố kết quả thanh, kiểm tra chuyển giá của doanh nghiệp (DN) FDI một số tỉnh, phát hiện 122 DN FDI vi phạm các quy định về chuyển giá, theo Thông tư 66/2010/TT-BTC và yêu cầu nộp bổ sung hơn 10 triệu USD, trong đó có một số công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới và các thương hiệu nổi tiếng.
Nhiều bài báo viết về động thái này của Chính phủ Việt Nam cho thấy sự tranh luận gay gắt giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan chức năng. Các quan chức Chính phủ Việt Nam đã nhất quán trong các tuyên bố và tin rằng, chuyển giá đang diễn ra, làm thất thu ngân sách, gây tổn hại cho nền kinh tế.
Các quan chức này cho rằng, DN FDI không thể vừa đòi hỏi có hạ tầng cơ sở phù hợp, vừa lấy đi nguồn lực của Chính phủ vốn rất cần thiết để đáp ứng các đòi hỏi về cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính công…
Phân tích gánh nặng thuế và mức độ dễ đoán của chính sách thuế cho thấy, phần lớn các hoạt động chuyển giá xuất phát từ việc DN muốn chuyển lợi nhuận về nước để được hưởng thuế suất thấp hơn. DN FDI biện minh cho hành vi chuyển giá của mình bằng lý do chính sách thuế thiếu minh bạch và thay đổi khó lường, thậm chí, còn gọi đây là sự “chiếm đoạt mềm”.
Để hạn chế rủi ro và có đủ dòng tiền cho kinh doanh, cân bằng lợi nhuận trước những thay đổi về quy định, chính sách thuế, DN thường sử dụng kỹ thuật chuyển giá, bởi nó cho phép họ xác định được mức thuế ổn định trong tương lai gần.
Về lý thuyết, có 5 yếu tố kết hợp tạo nên chuyển giá. Thứ nhất, thương mại quốc tế phát triển nhanh đã nâng quy mô, tính đa dạng sản phẩm của các công ty sản xuất hàng hóa toàn thế giới.
Thứ hai, sự gia tăng FDI tại các quốc gia đang phát triển trong 2 thập niên qua khiến số lượng các công ty con nước ngoài ngày càng mở rộng ở các nước sở tại, buộc các nước này phải đối mặt với những khác biệt về thông lệ kế toán, văn hóa DN và những quy định pháp lý khác nhau về thuế.
Thứ ba, sự phát triển của các công ty đa quốc gia, xu hướng sản xuất dây chuyền đã dẫn đến việc các bộ phận của sản phẩm được sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty đa quốc gia đang hoạt động theo nhiều luật thuế khác nhau. Thứ tư, áp lực bảo đảm giá trị cao nhất cho các cổ đông khiến việc giảm gánh nặng thuế trở thành một phần quan trọng trong mô hình kinh doanh của các công ty đa quốc gia. Thứ năm, thời đại của thông tin làm gia tăng giá trị sở hữu và công nghệ.
Chuyển giá, một thực tế không tránh khỏi mà các nhà hoạch định chính sách quốc gia phải đối mặt. Nhưng thay vì chiến đấu với các công ty đa quốc gia có nguồn lực tốt tại các tòa án, trên các phương tiện truyền thông, thì một chiến lược được các nhà lãnh đạo những quốc gia mới nổi, như Việt Nam, cho rằng hiệu quả hơn là tìm cách thay đổi chính sách thuế để giữ lại khoản thu nhiều nhất trong lãnh thổ.
Các nhà chức trách Việt Nam đã chủ động đề ra Thông tư 66, giúp các cơ quan thuế địa phương phát hiện những công ty chuyển giá. Các công ty bị Tổng cục Thuế coi là vi phạm đều bị thanh, kiểm tra.
Nếu cơ quan quản lý có thể đảm bảo cho DN một lộ trình tăng thuế có thể dự báo được, giúp DN có thể ước lượng một cách đầy đủ gánh nặng thuế trong tương lai, động cơ chuyển giá của DN sẽ giảm bớt ngay cả khi mức thuế không có thay đổi lớn. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đang tìm cách giải quyết chuyển giá thông qua dự thảo thông tư về thỏa thuận định giá trước, theo đó, Chính phủ và các nhà đầu tư đàm phán và thỏa thuận về phương pháp chuyển giá cụ thể sẽ được đưa ra trước thời hạn thực hiện.
Điều này được kỳ vọng mang lại tính minh bạch trong việc giám sát một công ty và cho phép Chính phủ lên các kế hoạch thích hợp mà không gây bất ngờ. Trong một số trường hợp, các bên có thể thống nhất về một mức lợi nhuận tối thiểu làm cơ sở xác định thuế thu nhập DN để tránh sự giám sát và tranh cãi trong trong khoảng thời gian đã thỏa thuận.
Dù còn nhiều hoài nghi về tính hữu ích, song một thỏa thuận như vậy đang được thử nghiệm với Samsung và một số nhà đầu tư khác, các chi phí về giá cả, lợi nhuận, dự kiến được công bố trong 3 năm tiếp theo.
Các mô hình chuyển giá quốc tế của các công ty đa quốc gia vô cùng đa dạng, tinh vi. Các cơ quan thuế địa phương đơn giản không thể cập nhật kịp các phương thức mới mà các công ty này sử sụng. Việc kiểm toán các thỏa thuận định giá trước có thể tăng minh bạch và sự tin tưởng nhưng chúng sẽ là gánh nặng đối với cơ quan thuế và hệ thống hành chính vốn đã quá tải của Việt Nam.
Bởi, việc áp dụng các cơ chế này đòi hỏi phải kiểm soát đến từng DN trong 5.500 DN FDI tại Việt Nam, đó là chưa kể đến các công ty Việt Nam đang kinh doanh tại nước ngoài. Vì vậy, Tổng cục Thuế cần có một bộ giải pháp, áp dụng rộng rãi, giảm khả năng chuyển thu nhập của các công ty mà không làm thanh tra thuế quá tải.
Theo DNSG