Công nhận: Cần công bằng và chính xác

Công nhận nhân viên khi họ hoàn thành tốt công việc được giao là một việc quan trọng mà các nhà quản lý cần làm.
Ảnh minh họa
Nhưng không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng nhận ra những nhân viên thật sự xứng đáng được công nhận. Nếu những nhân viên làm việc hiệu quả cảm thấy sếp đang đánh mất sự công nhận mà lẽ ra họ phải có, họ sẽ không làm việc tích cực nữa.
Sachin H. Jain, Giám đốc phụ trách thông tin y khoa và sáng tạo của Merck, một công ty thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hàng đầu của Mỹ, đồng thời là một nhà vật lý của Trung tâm Y khoa Boston VA, đã chia sẻ với tạp chí Harvard Business Review về những gì sẽ diễn ra khi các nhà lãnh đạo công nhận nhân viên một cách chính xác và thiếu chính xác. “Nếu công ty công nhận một cách đáng tin cậy những nhân viên hay tập thể thật sự xứng đáng, nhân viên sẽ tin tưởng vào sự công bằng của tổ chức và hiểu rằng những nỗ lực, đóng góp của họ sẽ được đền bù thỏa đáng, từ đó phát huy tối đa năng lực của mình. Ngược lại, nếu việc công nhận không được thực hiện chính xác, nhân viên sẽ mất niềm tin vào tổ chức và mất đi động cơ để đạt những kết quả tốt nhất trong công việc”, Jain viết. Jain đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các nhà quản lý công nhận nhân viên một cách “đúng người, đúng việc”.
Kiểm tra lại một công việc đạt được kết quả tốt. Một số nhân viên có thể tự đề cao mình quá mức hoặc thổi phồng những đóng góp của họ. Nhiệm vụ của nhà quản lý là phát hiện những nhân viên nào đang “ăn cắp” thành tích của người khác và những ai chưa đánh giá đúng mức kết quả làm việc của bản thân họ. Nhà quản lý có thể làm điều này dễ dàng hơn bằng cách xây dựng một môi trường văn hóa trung thực.
Jain cho biết: “Điều quan trọng là nhà quản lý cần phải yêu cầu nhân viên trung thực với đóng góp của họ cho các dự án và các đề xuất. Và phần tự đánh giá của họ cần phải được kiểm tra chéo. Những nhân viên từng làm việc trong những môi trường mà họ phải đấu tranh cho bản thân để phát triển nghề nghiệp của mình thường có khuynh hướng thổi phồng những thành tích, đóng góp của họ”.
Công nhận những người công nhận thành quả của người khác. Nhà quản lý nên công nhận những nhân viên chịu dành thời gian, sự quan tâm và công nhận cho những đồng nghiệp xung quanh. Những nhân viên như thế sẽ giúp tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh cho tổ chức.
Jain lưu ý: “Bên cạnh việc xác minh lại thành tích của từng cá nhân, việc công nhận và đề cao những trường hợp nhân viên dành thời gian để đánh giá cao đồng nghiệp cũng là một việc rất nên làm. Việc làm này sẽ gửi đi một thông điệp rằng tổ chức đang trân trọng những hành động công nhận đồng nghiệp một cách trung thực và rộng lượng của nhân viên”.
Quan tâm đến những nhân viên “trầm lặng”. Theo Jain, trên thực tế, những nhân viên có thành tích tốt nhất lại là những người khiêm tốn và ít nói về bản thân nhất. “Ngay cả khi họ không thoải mái về việc được công nhận thì nhà quản lý cũng cần phải làm điều ấy. Dành thời gian để xác định và khen thưởng những “anh hùng trầm lặng” là một cách để nhà quản lý thể hiện thiện chí của mình và nuôi dưỡng văn hóa trung thực trong tổ chức”, Jain khuyên.
Không nhất thiết phải công nhận tất cả mọi người. Việc công nhận nhân viên sẽ nhanh chóng mất đi ý nghĩa của nó nếu ai cũng được công nhận, ngay cả những nhân viên chẳng hề có thành tích hay đóng góp đáng kể nào. “Sự khen ngợi và công nhận sẽ có giá trị hơn khi các nhà quản lý đồng thời thẳng thắn phê bình hay kỷ luật những cá nhân có thành tích chưa tốt”, Jain giải thích.

Theo DNSG/INC