Khu vực Đông Á tiếp tục giữ ngôi vị phát triển nhanh nhất thế giới

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ có mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay. Kết quả là khu vực Đông Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới.


Đông Á- Thái Bình Dương đã và đang đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương được WB công bố ngày 7-4, các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay nhờ sự hồi phục của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Tuy nhiên, mức tăng trưởng 7,1% trong năm nay của khu vực này lại giảm so với tốc độ tăng trưởng trung bình 8% của giai đoạn 2009-2013.
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu: Đông Á- Thái Bình Dương đã và đang đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại bản báo cáo, WB cũng khuyến nghị: Những nền kinh tế nhỏ ở khu vực này sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng có thể đối mặt với những rủi ro tăng trưởng quá nóng. Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Theo dự báo của WB, Campuchia có thể sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm nay; Myanmar lại có thể tăng trưởng tới 7,8%. Tuy nhiên, với Việt Nam thì lại khác. Do những tiến bộ đạt được khá khiêm tốn trong cải cách ngành ngân hàng và các ngành khác nên kinh tế Việt Nam sẽ chỉ hy vọng tăng trưởng khá khiêm tốn ở mức 5,5% năm nay.
Theo WB, vẫn có những rủi ro cho khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Ông Bert Horfman, chuyên gia kinh tế trưởng của Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB cho rằng: Đông Á sẽ vẫn dễ bị tổn thương do những vấn đề phát triển bất lợi trên thế giới. Đó là sự phục hồi chậm hơn của các nền kinh tế phát triển, gia tăng lãi suất toàn cầu, gia tăng bất ổn của giá cả hàng hóa do những căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu.
“Về lâu dài, để duy trì tăng trưởng cao, các nước đang phát triển ở Đông Á nên nỗ lực gấp đôi trong cải cách cơ cấu để gia tăng tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và củng cố niềm tin của thị trường” – ông Hofman khuyến cáo.

Theo Báo Hải Quan