Hoạt động kinh doanh của các DN phải được đặt trong sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước còn phải hỗ trợ để các DN hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay đã và đang xuất hiện những xu hướng “trái chiều”, gây thêm những khó khăn không đáng có cho các DN, chủ yếu là DNVVN.
Một số “giấy phép con” mà Luật Doanh nghiệp đã bỏ đi, nay đã và đang quay lại dưới nhiều hình thức khác nhau
Tạo ra những thuận lợi tối đa cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn và rủi ro cho các DN là xu hướng trái chiều đã và đang xảy ra rõ nhất. Với vị trí là cơ quan chủ trì soạn thảo các luật liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc chức năng quản lý, một số cơ quan quản lý nhà nước đã đưa vào luật những nội dung chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý của mình, không xét đến những khó khăn, thậm chí là thiệt hại không nhỏ của các DN.
Đẩy khó khăn cho các DN
Điển hình cho xu hướng này là việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế trong thời gian vừa qua. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã kéo dài thời hạn được kiểm tra, thanh tra thuế từ 5 năm lên 10 năm. Quy định trên cho phép công chức thuế cứ “đủng đỉnh” trong công việc và trong thời hạn 10 năm, bất kỳ lúc nào cũng được vào DN để kiểm tra, thanh tra, truy thu, xử phạt, thậm chí là chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố chủ DN. Ngược lại, không ít DN sẽ phải xây thêm (hoặc đi thuê) nhà kho để lưu giữ chứng từ và chủ DN sẽ luôn luôn ở vị thế một “tù nhân dự bị”!
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT đã xoá bỏ quyền được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của các DN siêu nhỏ và nhỏ. Quy định trên đã “giảm tải” về thời gian kiểm tra hồ sơ khấu trừ, hoàn thuế GTGT của công chức thuế. Ngược lại, quy định trên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các DN nhỏ. Trước hết là rất nhiều hoá đơn các DN đã in không sử dụng được mà phải đặt in hoá đơn GTGT trực tiếp, một sự lãng phí vô cùng lớn. Đồng thời, do không được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào phải đưa vào chi phí tất yếu làm cho giá thành sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của các DN nhỏ tăng lên. DN nhỏ đã yếu trong cạnh tranh nay lại càng yếu hơn. Mặc dù luật có quy định về DN được tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Song, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã đặt ra không ít “điều kiện để được tự nguyện”, đó là điều là vi phạm quy định về quyền của DN theo Luật DN. Hiện nay, không ít DN đang “chạy maraton” để “xin” được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế? Liệu có tiêu cực phát sinh từ những “cuộc chạy” đó?
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 sắp tới cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dự thảo luật đã… quên một điều quan trọng nhất là trách nhiệm trước pháp luật của công chức hải quan và người đứng đầu cơ quan hải quan các cấp, mọi vi phạm pháp luật về hải quan sẽ chỉ do… người khai hải quan – tức là các DN – gánh chịu!
Hơn nữa, do những bất ổn từ kinh tế vĩ mô, các DN gặp khó khăn lớn trong sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/ NQ-CP ngày 10/5/2012 và Nghị quyết số 02/ NQ-CP ngày 07/01/2013 quy định nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN. Song, những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ từ hai Nghị quyết nêu trên đã nhanh chóng bị triệt tiêu do hàng loạt phí, lệ phí mới phát sinh, do giá bán những mặt hàng của các DN độc quyền như điện, xăng dầu tăng lên. Chính sách tháo gỡ khó khăn cho các DN đã rơi vào tình trạng “một ông nhấn ga, ba ông đạp phanh” nên hiệu quả không được như mong muốn.
DN luôn phải… xin
Có thể nói, không một việc gì các DN phải “xin” từ cơ quan công quyền mà không phát sinh phí “bôi trơn”. Kiểm tra, thanh tra thuế, mở tờ khai hải quan, đăng ký thành lập, thay đổi đăng ký DN, giải thể DN, đăng ký nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, xin cấp phép khai thác khoáng sản, xin cấp Chứng chỉ hành nghề….tất cả đều phải qua thủ tục đầu tiên là “tiền đâu”! Các DN vận tải cho rằng, nếu họ chở hàng đúng trọng tải thì không thể tồn tại vì phí “làm luật” trên đường đã tới 10% doanh thu. Một sự thật cay đắng!
Giấy phép có nhiều biến dạng: ngoài giấy phép, có giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký, thẻ, phê duyệt, chứng chỉ, bằng… nhiều khi bằng hình thức quyết định hành chính như văn bản xác nhận, quyết định, giấy xác nhận, văn bản chấp thuận…
Tham nhũng vặt là nguyên nhân quan trọng để các giấy phép con đã và đang tái xuất ồ ạt. Khi Luật DN năm 1999 có hiệu lực, một cuộc tổng rà soát và bãi bỏ các “giấy phép con” đối với việc thành lập và hoạt động của các DN đã được thực hiện. Hàng trăm “giấy phép con” do các cơ quan quản lý tự quy định đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, đến nay, hàng trăm “Luật chuyên ngành” đã và đang tích cực quy định thêm những điều kiện kinh doanh, hay nói cách khác là đưa ra rất nhiều “Giấy phép con” đối với hoạt động kinh doanh của DN. Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật hải quan (sửa đổi)… vẫn kiên trì giữ lại những “giấy phép con” dưới hình thức chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định, Giấy đăng ký… Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) giữ nguyên “một rừng giấy phép con” như giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng các loại, chứng chỉ hành nghề xây dựng, chứng chỉ hành nghề thiết kế, chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát… Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đã nhanh chóng đưa vào một giấy phép con là chứng chỉ hành nghề quản tài viên (người quản lý tài sản DN phá sản). Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán đã bổ sung thêm hai giấy phép con mới đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kế toán, đó là: giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Đó là hai giấy phép con mới “tái xuất giang hồ” và chỉ để “quản lý” đối với 82 DN dịch vụ kế toán đã đăng ký hành nghề, còn hàng trăm DN dịch vụ kế toán đang hành nghề nhưng không đăng ký thì cơ quan quản lý nhà nước đang….”bất lực”!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Đó là chủ trương hoàn toàn đúng. Song, để có thể “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” cần triển khai ngay và có hiệu quả những biện pháp nhằm ngăn chặn những xu hướng trái chiều nêu trên trong quản lý DN.
Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị DN VN