Cùng nhau khởi nghiệp, cũng giống như một đôi vợ chồng son, chuyện dễ xảy ra nhất là cãi nhau. Nhưng khởi nghiệp còn tệ hơn thế, khi mà mọi người dễ trở nên nhạy cảm và mong manh y như số phận của doanh nghiệp non trẻ…
Bất hòa là điều bình thường khi cùng chung một mái nhà.
Phản xạ đầu tiên của đa phần việc khởi nghiệp là đi tìm bạn thân, thậm chí là người thân của mình để rủ tham gia cùng. Đơn giản là vì dễ tin tưởng nhau hơn, dễ chia sẻ những gánh nặng của buổi ban đầu và quan trọng nhất, là giai đoạn đầu thì không có tiền để trả luơng cao cho những nhân sự phù hợp. Và đây cũng là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà hầu hết các công ty khởi nghiệp không đủ sức vượt qua.
Làm chung dễ mất bạn
Có muôn vàn lý do để những đối tác trong công ty cãi nhau. Từ chuyện lớn như phân quyền, chiến lược, cho đến những chuyện vặt vãnh thường ngày như chuyện quên chìa khóa văn phòng hay đến muộn trong giờ trực… Tất cả đều có thể tạo nên những trận chiến bừng bừng khói lửa, bởi nó chỉ là một giọt nước làm tràn cái ly vốn đã đầy ứ vì tất cả những áp lực mà người khởi nghiệp phải gánh chịu.
“Ra làm ăn mà, mọi chuyện phải nghiêm túc, chỉn chu chứ đâu có giỡn chơi như bình thường được. Nhưng làm với bạn thân hay người nhà, thì cái tự ái của họ nó to hơn mọi thứ. Họ nghĩ sao nó dám ra lệnh cho mình, dám hạch sách mình chuyện này chuyện kia… Thế là nghỉ chơi nhau luôn”, Nguyễn Minh Quân, giám đốc một công ty quảng cáo kể lại về đoạn đầu của mình. Sau một năm, thì Quân và người bạn thân từ nhỏ đến lớn của mình đường ai nấy đi. “Cho đến giờ cũng chưa có nhìn mặt nhau lại nữa”, Quân than thở.
Mất lòng trước mới được lòng sau
Trải qua hai lần kinh nghiệm “ngoảnh mặt làm ngơ” với nhóm bạn thân sau khi giận hờn vì chuyện tính toán phần vốn người này là “tài sản trí tuệ”, người kia là tiền mặt, lần thứ ba hùn hạp, anh Trần Bảo Toàn quyết định đi… xem thầy. “Người ta nói người với người có khi bị khắc khẩu, nên coi cho chắc là có hạp hông rồi mới hùn”. Nhưng coi thì coi, Toàn quyết định áp dụng bài học cổ xưa nhất của ông bà mình: mất lòng trước – được lòng sau.
Toàn soạn ra một lô một lốc những thỏa thuận, quy định, điều khoản về tất tần tật mọi thứ từ nhỏ tới lớn có khả năng gây tranh cãi, và bắt mọi người đọc kỹ, ký tên vô. Theo anh, có như vậy, nếu bạn bè làm chung có khó chịu, thì khỏi bắt tay vô ngay từ đầu, vậy còn giữ được bạn bè.
Toàn chia sẻ một số hạng mục quan trọng nhất. Thứ nhất, làm ăn với người nào thì chỉ làm với người đó thôi, không liên quan tới người yêu, vợ con hay gia đình. Do đó người thân không được nhảy vô can thiệp, có ý kiến này nọ. Thứ hai, tiền bạc là thứ nhạy cảm nhất nên phải công khai minh bạch tối đa, và phải có kiểm tra chéo để khỏi mích lòng.
Thứ ba, phân định rõ quyền và trách nhiệm của mỗi người đến đâu, ai có quyền quyết định chuyện gì, và nếu không cùng quan điểm thì phải dựa trên nguyên tắc nào để quyết định. Thứ tư, ai bực mình chuyện gì thì phải la lên liền, không được để bụng. Và giải quyết những chuyện bực mình này thì cũng cần phải có văn bản điều chỉnh.
“Nhìn thì thấy mình cẩn thận quá, nhưng nếu không làm vậy, thế nào cũng có chuyện thôi”, Toàn tự hào nói vậy khi mình đã bước qua được năm thứ hai của hợp tác mà chỉ mới cãi nhau có bốn lần và chưa bị sứt mẻ tình cảm gì…
Theo Thế giới tiếp thị