Trong khi nguồn ngân sách trợ giá cho xe buýt tăng vọt từng ngày, TP.HCM đến nay vẫn chưa khai thác được “mỏ vàng” quảng cáo trên xe buýt.
TP.HCM sẽ mất hàng trăm tỷ đồng nếu chưa cho phép quảng cáo trên xe buýt.
Suốt gần 10 năm nay, TP.HCM vẫn loay hoay, chần chừ, thậm chí cấm đoán loại hình quảng cáo trên các phương tiện giao thông, điển hình là xe buýt. Cụ thể, ngay từ năm 2008, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị thành phố cho phép ngành giao thông được khai thác quảng cáo trên xe buýt nhưng không được UBND thành phố chấp nhận.
Đến giữa năm 2009, UBND TP.HCM còn ra quyết định cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải. Mãi tới năm 2011, TP.HCM mới chấp thuận cho Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu lại phương án quảng cáo trên xe buýt. Sang năm 2012, đề án vẫn nằm trong giai đoạn thẩm định và đến nay vẫn “án binh bất động”.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc chậm trễ cho phép quảng cáo trên xe buýt khiến TP.HCM có thể mất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này được xem là không nhỏ, có thể tái đầu tư loại hình phương tiện giao thông công cộng này cũng như trợ giá nếu cần.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có trên 3.000 xe buýt đang hoạt động, mỗi năm có thể thu về ít nhất 200 tỷ đồng quảng cáo. Tuy nhiên, điều khó hiểu là, trong khi có thể thu thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thì thành phố lại lấy hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách để trợ giá cho xe buýt từ năm 2008 đến nay.
Cụ thể, năm 2008 thành phố chi hơn 570 tỷ đồng, năm 2009 chi gần 700 tỷ đồng, năm 2010 hơn 730 tỷ đồng, năm 2011 khoảng 1.270 tỷ đồng, năm 2012 hơn 1.300 tỷ, năm 2013 gần 1.400 tỷ và dự kiến năm nay chi gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt.
Các chuyên gia cho rằng, loại hình quảng cáo trên xe buýt có rất nhiều ưu điểm bởi đây là loại hình quảng cáo di động, có tác dụng nhanh và lan tỏa, trong khi lại ít tốn kém chi phí vận hành.
Được biết, hiện TP.HCM đang nghiên cứu triển khai loại hình quảng cáo này, như nghiên cứu màu sơn, diện tích trang trí, thông tin quảng cáo để không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thành phố. Tuy nhiên, thành phố cũng đang gặp khó khăn trong cơ chế đấu thầu khai thác.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa cho biết, UBND thành phố vừa giao đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án thí điểm thực hiện quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trong tháng 6. Đây được xem là động thái dù chậm nhưng rất cần thiết của TP.HCM.
Theo Bizlive