Quảng cáo thực phẩm chức năng: đưa người dùng vào “mê trận”

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế vừa xử phạt khoảng 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) sai phạm về quảng cáo.
Tất cả đều là… thần dược

Ảnh minh họa

Những sai phạm của các DN sản xuất kinh doanh TPCN rất đa dạng. Theo quyết định xử phạt của Cục ATTP: Công ty TNHH Thương mại Bảo Bình An, quảng cáo thực phẩm chức năng Cốt Bách Bổ có nội dung không đúng với đăng ký.

Công ty CP dược phẩm An Đông, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng do Công ty đang kinh doanh nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Công ty CP Tuscany, quảng cáo 8 sản phẩm TPCN của Công ty có nội dung không phù hợp với nội dung quảng cáo đã đăng ký. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khổng Gia, quảng cáo TPCN Rich Slim, viên giảm cân Perfect Slim USA, nội dung quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tổng hợp Quy Hoàng, quảng cáo sản phẩm TPCN của Công ty nhưng chưa đăng ký nội dung quảng cáo; Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia, Quảng cáo 3 sản phẩm thực phẩm chức năng: An Trĩ, Vững cốt và Kiều xuân có nội dung gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh…
Sai phạm thì mỗi DN một kiểu nhưng điều đáng nói, tại tất cả những quảng cáo này, TPCN trở thành “thần dược” như nhanh chóng lấy lại vóc dáng, nhan sắc, chống ung thư… Tuy nhiên, những tác dụng hay ảnh hưởng của các sản phẩm TPCN này khó có thể đong, đo được chính xác. Một số vi phạm trong sản xuất và kinh doanh TPCN đang ở mức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng như chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; quảng cáo khiến người dùng hiểu nhầm là thuốc; quảng cáo không đúng nội dung đăng ký…
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Cục ATTP đã phải tiến hành rất nhiều hình thức xử phạt như phạt tiền, thu hồi giấy xác nhận công bố sản phẩm. Đồng thời, Cục ATTP đã buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm; tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng; dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy lô sản phẩm không đạt; thu hồi sản phẩm vi phạm về ghi nhãn để khắc phục; hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ đúng các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó cục trưởng Cục ATTP thừa nhận, những sai phạm trong quảng cáo, kinh doanh TPCN hiện đang là một vấn đề “rất nóng”. Thời gian vừa qua, Cục ATTP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý rất quyết liệt lĩnh vực này, song những vụ việc được phát hiện mới chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.
Theo ông Phong, Cục ATTP nhận thấy có 2 hình thức sai phạm phổ biến trong quảng cáo TPCN ở nước ta hiện nay. Một là quảng cáo TPCN nhưng không xin phép hoặc chưa được cấp phép. Hai là được cấp phép một đằng nhưng quảng cáo một nẻo, quảng cáo quá mức, không đúng nội dung được thẩm định hoặc cố ý tạo ra sự mập mờ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm này có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Ngành Y tế có một số động thái nhằm siết chặt việc quảng cáo thực phẩm chức năng, song người tiêu dùng hiện nay vẫn bị lạc vào “mê trận”. Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do khâu kiểm soát của chúng ta chưa chặt chẽ. Muốn làm tốt thì phải có biện pháp kiểm soát cụ thể. Chẳng hạn, đơn vị quảng cáo cứ có hợp đồng và lấy tiền là xong, không xem xét sản phẩm đó có được cấp phép hay không.
Ông Phong cũng cho rằng để lập lại trật tự trên thị trường thực phẩm chức năng hiện nay, trước tiên cần siết chặt hoạt động quảng cáo. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng ghi nhãn sản phẩm có công hiệu như thuốc chữa bệnh.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo thực phẩm chức năng tại nhiều địa phương. Nhưng trước khi chờ đoàn kiểm tra tìm ra sai phạm thì người tiêu dùng không nên sử dụng thức phẩm chức năng theo… quảng cáo.
Cần cái nhìn khách quan
Theo ông Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, trong 25 năm qua, TPCN phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trở thành kinh tế mũi nhọn, như ở Mỹ. Trước đây, hàng năm, ông Bill Clinton (cựu Tổng thống Mỹ) đều phải họp với các nhà bán hàng đa cấp TPCN vì đã mang đến 25-30% lợi nhuận cho nước Mỹ. Đặc biệt, các nước cũng luật hóa về TPCN rất sớm như Nhật Bản năm 1991, Mỹ năm 1994, Australia năm 1998 và nhiều nước khác…
Ở nước ta, hiện có khoảng 2.000 cơ sở sản xuất với hàng nghìn sản phẩm các loại. Qua kết quả điều tra của Cục ATVSTP mới đây, ở Hà Nội, cứ trong 100 người lớn có 56 người sử dụng thực phẩm chức năng, ở TP HCM, cứ 100 người lớn thì có 48 người sử dụng. Ở VN, thực phẩm chức năng phát triển, trở thành 1 ngành kinh tế – ngành kinh tế sức khỏe.
Theo các chuyên gia, muốn sản xuất thực phẩm chức năng phải có nguyên liệu, vì nó là sản phẩm thiên nhiên nên hoạt tính không bền, nguồn nguyên liệu nhập lậu thì không kiểm soát được.Thứ hai, khâu nghiên cứu, bào chế cũng mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, công nghệ triết suất rất cao… Chúng ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú nhưng biến thành sản phẩm chất lượng cao thì hạn chế. Một số DN VN đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng phải đưa sang gia công tại Mỹ, vì nhà buôn ở đó mới chỉ quen hàng Việt Nam ở dạng nguyên liệu.
Mặc dù, TPCN đang trở thành một nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng, một nguồn lợi lớn của nền kinh tế, nhưng chúng ta chưa có chiến lược tổng thể quy hoạch ngành này. Chúng ta mới coi TPCN như một hiện tượng, chưa phải một ngành kinh tế. Không chỉ xã hội mà các nhà quản lý cần có cái nhìn khách quan và thiết thực hơn đối với lĩnh vực TPCN.
Không chỉ Việt Nam, trên thế giới việc kinh doanh TPCN cũng được sử dụng mô hình bán hàng đa cấp rất phổ biến. Mô hình bán hàng đa cấp vào Việt Nam chính thức từ năm 2005 với Nghị định 110. Tuy nhiên, có nhiều DN vì kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, không có những định hướng phát triển cụ thể rõ ràng dẫn đến tình trạng các nhà phân phối trục lợi cho cá nhân,gây tai tiếng cho kinh doanh đa cấp. Quản lý chặt việc quảng cáo TPCN cũng chính là làm trong sạch cho mô hình phân phối khá mới mẻ này.

Theo dddn