Làm truyền thông thương hiệu cho DN hiện nay là câu chuyện đang được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về kinh tế.
Chi phí quảng cáo và khuyến mại năm 2013 của Masan đạt 279,74 tỷ đồng, bằng 62% lợi nhuận sau thuế
Năm 2013, Sabeco đã chi ra 1.041,34 tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị. Theo nhiều nhận định, chi phí quảng cáo của DN này cao gấp nhiều lần so với chi phí cho nhân viên. Cũng trong năm 2013, hình ảnh sản phẩm của Masan xuất hiện dày đặc trên truyền hình nên thông tin chi phí quảng cáo và khuyến mại năm 2013 của Masan đạt 279,74 tỷ đồng, bằng 62% lợi nhuận sau thuế không khiến nhiều người ngạc nhiên.
Đầu tư nhiều hay ít ?
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải DN nào cũng có tiền để chi đậm cho quảng cáo như vậy.
Trong chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO chủ đề “Truyền thông – Ngân sách eo hẹp” đã đưa ra một ví dụ và đề tài này đã gây nhiều tranh luận tại các diễn đàn. DN trong chương trình này chuẩn bị cho ra đời một dòng sản phẩm độc đáo, được đánh giá là tiên phong trên thị trường. Nếu đưa sản phẩm này ra thị trường thành công thì DN sẽ tạo ra được những đột phá trong phát triển cho mình. Điều này đã khiến cho CEO của DN quyết tâm thực hiện một chiến dịch truyền thông thương hiệu để làm sản phẩm bùng nổ trên thị trường. Nhưng kế hoạch này của CEO đã gặp phải sự phản đối của các cổ đông. Họ cho rằng vào giai đoạn hậu khủng hoảng, thị trường vẫn còn khó khăn nên DN phải tận dụng những kênh truyền thông giá rẻ để làm còn lại nên tập trung vào bán hàng trực tiếp, tận dụng hoàn cảnh thực tế và phát triển dần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Sự đối lập về quan điểm giữa CEO và các cổ đông trong DN này đã tạo nên những mâu thuẫn gay gắt khi không bên nào chịu nhượng bộ. Các cổ đông cho rằng “Đây là sản phẩm mới, chưa có khái niệm trên thị trường nên nếu làm truyền thông sẽ hết sức mạo hiểm. Cứ tung sản phẩm ra thị trường rồi đợi 2 -3 năm sau khi nền kinh tế đã khởi sắc thì mới bắt tay vào làm. Như thế sẽ chắc thắng hơn bây giờ”. Cuộc tranh luận của CEO và các cổ đông dường như lên đến đỉnh điểm khi các cổ đông nói rằng họ nhất quyết không chi thêm tiền để làm truyền thông thương hiệu. Điều này đã làm CEO hết sức lo lắng và cho rằng “đây là sản phẩm cơ hội, nếu không làm đối thủ sẽ làm và Cty sẽ mất hết”.
Tranh luận trên các diễn đàn
Các cổ đông cho rằng vào giai đoạn hậu khủng hoảng, thị trường vẫn còn khó khăn nên DN phải tận dụng những kênh truyền thông giá rẻ để làm.
Trên các trang fanpage của chương trình tại https://www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme, rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đồng tình với quan điểm của CEO và cho rằng, DN cần phải thực hiện chiến dịch truyền thông cho sản phẩm. Theo bạn Huyen Linh “Sản phẩm tiên phong mà ko làm thị trường bài bản thì làm sao khách hàng biết tới… ủng hộ quan điểm của CEO”. Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều ý kiến trái ngược cho rằng không phải cứ có nhiều tiền thì mới làm được truyền thông. Theo bạn Nguyễn Đức Việt “Đẩy mạnh truyền thông là cần thiết. Tuy nhiên, dốc hết tài chính ra để làm truyền thông trong 1 DN 3 năm tuổi là điều khá rủi ro.
Phần 2 của chương trình lên sóng vào Chủ nhật tuần này với sự tham gia của hai chuyên gia là Tiến sỹ Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP HCM và ông Hoàng Hải Âu – Chuyên gia thương hiệu. Ủy viên BCH Hội Marketing Việt Nam đang được cộng đồng rất mong đợi.
Theo dddn